Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 09:48 (GMT +7)
Đặc sắc phong tục, tập quán người Dao Lô Gang
Chủ nhật, 29/12/2024 | 14:38:15 [GMT +7] A A
Ở huyện miền núi Ba Chẽ, người Dao nói chung và Dao Lô Gang nói riêng sở hữu một kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo, làm nên nét đẹp văn hóa riêng có cho vùng đất, con người Ba Chẽ.
Huyện Ba Chẽ có 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, người Dao có số lượng đông nhất, chiếm trên 45% dân số toàn huyện với 3 nhóm: Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Dao Lô Gang. Người Dao Lô Gang di cư từ các xã Thái Bình, Kiên Mộc của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn sang Ba Chẽ từ năm 1982, tập trung ở các thôn Khe Nà (xã Lương Mông, nay là xã Lương Minh), thôn Đồng Khoang (xã Đạp Thanh), thôn Khe Ốn (xã Thanh Lâm). Hiện nay, trên toàn tỉnh cũng chỉ riêng Ba Chẽ là có người Dao Lô Gang sinh sống.
Đồng bào Dao Lô Gang vẫn giữ được nhiều tập tục trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, văn hóa mang nét đặc trưng riêng của dân tộc mình. Họ cũng gìn giữ, bảo tồn những nghi thức chung của người Dao, như: Lễ cấp sắc, lễ Bàn Vương, lễ cầu mùa, hội Kiêng gió… Dịp Tết Nguyên đán, từ ngoài 15 tháng Chạp, người Dao Lô Gang đã ăn Tết sớm và kéo dài đến tháng Giêng. Đầu xuân mới, cả làng sẽ tổ chức lễ cầu mùa để chính thức bước vào vụ mùa mới, mong cho mùa màng bội thu, no đủ.
So với các nhóm Dao khác, trang phục của người Dao Lô Gang được thêu tay rất tỉ mỉ, kỳ công, độc đáo với mật độ thêu dày hơn. Những bộ trang phục nổi bật rực rỡ bởi sắc màu chủ đạo vàng cam, đỏ thêu trên nền vải đen cùng những họa tiết gắn liền với cuộc sống thường ngày như cỏ cây, hoa lá, núi đồi, hình trái tim, hình con chó (biểu tượng thủy tổ của người Dao)…
Áo của phụ nữ Dao Lô Gang thường dài qua đầu gối, xẻ tà từ gấu áo lên tới thắt lưng. Quần ống rộng, cạp chun, dài trên mắt cá chân. Toàn bộ phần cổ áo, vạt áo, gấu quần, tay áo, lưng áo được đính những miếng vải thêu rộng với những mảng hoa văn trang trí đa dạng hình thoi, sóng nước, hoa lá và cây cối. Yếm bên trong thêu hoa văn, gắn các ngôi sao bằng bạc. Thắt lưng màu trắng, mũ đội đầu hình mái nhà, quấn quanh bằng dây hạt cườm đủ màu sắc. Bộ trang phục áo nam có 4 túi phía trước (mỗi bên vạt áo có 2 túi trên, dưới), toàn bộ thân áo được thêu với họa tiết tương tự như áo nữ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, tác giả cuốn sách “Người Dao Quảng Ninh”, cho biết: Người Dao Lô Gang có cách thêu rất độc đáo, với 5 màu cơ bản (đỏ, cam, xanh, trắng, đen), làm nên những bộ trang phục rực rỡ và khác biệt so với các dân tộc khác. Để hoàn thành một bộ trang phục thêu tay có khi phải mất nửa năm đến một năm. Những thiếu nữ Dao được mẹ dạy thêu thùa từ tấm bé và phải tự mình làm ra bộ trang phục đẹp nhất để mặc trong mùa lễ hội hay lễ cưới của mình.
Người Dao Lô Gang ở Ba Chẽ hiện vẫn tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống. Trang phục cô dâu nổi bật ở khăn che mặt và mũ đội đầu được tạo bởi các sợi len sặc sỡ sắc màu, thêu hoa văn cầu kỳ ở 4 dây đính 4 góc mũ đội đầu. Mũ của chú rể có hình tròn, thêu họa tiết hình núi, hoa 4 cánh, hình con người, hạt dưa nương. Trang phục chú rể bên ngoài khoác thêm áo dài màu xanh da trời và cũng có mảnh vải vuông che mặt.
Theo ông Triệu Sinh Kim (thôn Khe Ốn, xã Thanh Lâm), lễ cưới người Dao Lô Gang thường có người thổi kèn đồng mặc trang phục chỉnh tề, cùng thổi những bài hát vui tươi với ý nghĩa mừng cô dâu mới về nhà và chúc phúc cho gia đình. Đám cưới thường chỉ thổi kèn đồng chứ không có trống, chiêng như đám cưới của một số dân tộc khác.
Những nét văn hóa độc đáo của người Dao Lô Gang còn được gìn giữ đến ngày nay đã làm cho bức tranh văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ninh thêm phong phú, điểm tô cho bản làng vùng cao Ba Chẽ những sắc màu rực rỡ, riêng biệt.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()