Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:37 (GMT +7)
Độc đáo thú chơi đồ xưa cũ
Chủ nhật, 03/12/2023 | 08:56:52 [GMT +7] A A
Gần 3 tháng nay, vào các ngày thứ bảy hằng tuần, phiên chợ ký ức xưa tổ chức tại khu vực quán Cafe Museum - cạnh Bảo tàng Quảng Ninh - đã trở thành địa chỉ quen thuộc để những người đam mê, yêu thích sưu tập đồ xưa cũ đến giao lưu, trao đổi, chia sẻ những món đồ cổ, đồ xưa, đồ thời bao cấp, đến kỷ vật chiến tranh. Mỗi món đồ có một câu chuyện riêng song đều thể hiện tình yêu, cách tri ân quá khứ, sự trân trọng của thế hệ trẻ hôm nay về một thời đất nước gian khó, về ông cha ta đã sống và cống hiến cho bình yên của hiện tại.
Chỉ với vài chiếc bàn nhỏ trưng bày những món đồ cũ kỹ phủ màu thời gian đã mang đến một không gian nhiều hoài niệm đối với những người đã từng sống qua những thăng trầm lịch sử, đồng thời tạo cơ hội để những người trẻ có thêm hiểu biết về văn hóa, lịch sử. Từ chiếc bàn là con gà đến những chiếc đài đã sản xuất gần 80 năm trước, chiếc máy khâu, điện thoại quay số, quạt con cóc, bình trà… hay rất nhiều vật dụng sinh hoạt khác trong thời chiến như ba lô, mũ cối, đèn dầu, bếp dầu, chiếc bình tông, ấm bằng nhôm hoặc được gò thủ công từ vỏ máy bay…. Tất cả đều gợi lên những kỷ niệm, gợi lại những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng hào hùng của biết bao thế hệ cha anh.
Anh Lê Minh Thứ, 36 tuổi, nhà ở phường Cao Thắng (TP Hạ Long) chủ nhân của ý tưởng phiên chợ ký ức xưa cũng là người sưu tập hàng nghìn món đồ xưa cũ suốt 20 năm qua chia sẻ: Niềm đam mê sưu tập đồ xưa cũ của tôi bắt đầu khi thấy bố tôi sưu tập những cassette từ thời xưa. Và cứ như thế, tôi dành niềm yêu thích với những món đồ thời bao cấp, đồ thời chiến tranh. Từ khi đi học, đi làm, như một thói quen, đi đến đâu thấy món đồ gì hay tôi lại tìm hiểu thông tin người dân bản địa để hỏi mua, trao đổi và đôi khi còn được họ tặng. Với tôi việc sưu tập những món đồ này là cách mình học, tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, địa lý, văn hóa thật sự thú vị và hữu ích thay vì chỉ đọc trên sách vở, bởi mỗi món đồ ở một thời kỳ, giai đoạn khác nhau gắn với cuộc sống, sinh hoạt, lao động của người dân ở các vùng miền khác nhau. Thậm chí có những món đồ tuy đã rất cũ, phai màu thời gian nhưng đến nay vẫn có thể sử dụng được cho thấy trí tuệ, bàn tay chế tác khéo léo của ông cha ta thời xưa.
Gia tài nhỏ của anh Thứ với hàng nghìn đồ vật cứ nhiều lên theo năm tháng và tình yêu của anh với những kỷ vật cũng lớn dần. Bởi mỗi món đồ anh sưu tập ngoài giá trị lưu giữ thời gian thì còn chứa đựng cả những kỷ niệm không thể quên của mình gắn bó với những người thân yêu, nhắc nhớ về những điều đẹp đẽ trong quá khứ.
Cùng với phiên chợ ký ức xưa được tổ chức vào thứ bảy hàng tuần, anh Thứ duy trì chợ phiên đồ cũ tại quán Cafe đèn dầu (ngõ 7D, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) họp 1 lần/tháng để tạo cơ hội kết nối nhiều hơn với những người chơi đồ cũ ở nhiều địa phương khác nhau, tạo nên một điểm hẹn văn hóa giữa những người có chung niềm đam mê. Tại đây có hàng nghìn các hiện vật từ đồng hồ đến loa đài, ti vi đen trắng, đèn dầu, bình tông, bật lửa… để mọi người có thể trao đổi. Những món đồ sưu tầm kỳ công từ nhiều nguồn khác nhau song đều được mỗi người chơi trân trọng, nâng niu.
Ông Hà Văn Hoàng (TP Hạ Long) chia sẻ: Những món đồ xưa cũ này không chỉ hấp dẫn, thú vị với các bạn trẻ mà đối với những người đã trải qua thời bao cấp như thế hệ chúng tôi thì những hiện vật này đã gợi lại thật nhiều những cảm xúc, những kỷ niệm gắn bó với tuổi ấu thơ, gợi lại những năm tháng khó khăn thời chiến tranh, bao cấp rất đỗi thân thuộc. Vì vậy, từ lần đầu đến với những phiên chợ ký ức xưa này tôi đã rất yêu thích, đây cũng được coi là một không gian kết nối văn hóa, góp phần làm giàu thêm vốn văn hóa cho địa phương nếu được khai thác phát triển đúng hướng.
Ngắm nhìn những hiện vật xưa cũ từ thời bao cấp cũng là một cách giúp ta sống chậm lại, hiểu hơn và trân trọng hơn những gì thuộc về quá khứ, về một thời gian khó mà cha ông ta đã sống. Những món đồ cũ nhuốm màu thời gian không chỉ là kỷ vật quý, mà còn kể cho thế hệ ngày nay những câu chuyện về văn hóa lịch sử sâu sắc, đầy ý nghĩa.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()