Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:41 (GMT +7)
Những địa danh văn hóa ở Bình Liêu
Thứ 3, 20/12/2022 | 10:00:00 [GMT +7] A A
Mỗi tên đất, tên bản làng, tên núi rừng, sông suối ở Bình Liêu đều được người xưa gửi gắm vào trong đó biết bao tâm tư tình cảm và cả nhân sinh quan của mình.
Thạc sĩ Tô Đình Hiệu, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, cho biết: Với bản chất mộc mạc, người miền núi đặt tên thôn bản của mình không mang tính văn hoa, không yêu cầu mang ý nghĩa giàu có, phát đạt, thịnh vượng mà sử dụng những tên gọi giản dị và gần gũi. Cách đặt tên địa danh phản ánh lối sống, lối tư duy và tạo nên bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Bình Liêu. Đồng bào đặt tên địa danh bằng tên các loại cây ví như: Bản "Cốc Lồng" nghĩa là cây đa ở xã Lục Hồn, bản "Cốc Đốc" là cây tre vầu ở xã Đồng Tâm, bản "Nà Lìu" là cây quất rừng ở xã Tình Húc cũ, nay là thị trấn Bình Liêu, bản 'Làng" nghĩa là cây nứa ở xã Vô Ngại.
Cũng có bản đặt theo tên gọi tự nhiên như "Khuổi Luông" là suối lớn ở xã Vô Ngại,"Chang Nà" nghĩa là giữa ruộng, "Nà Làng" nghĩa là ruộng như cái máng ở xã Tình Húc cũ, "Nà Khau" là ruộng đồi, 'Phiêng Tắm" là bằng phẳng và thấp ở xã Đồng Tâm, bản "Cáu" nghĩa là có từ lâu đời ở xã Lục Hồn. Có thể tên bản được đặt theo khe suối như: 'Khuổi Và", 'Khuổi Bốc" ở xã Tình Húc cũ, "Khau Phưởng" là tên ngọn núi được chọn để đặt là tên bản ở xã Lục Hồn. Có khi tên bản được đặt theo truyền thuyết như "Mạ Chạt" xã Vô Ngại nghĩa là con ngựa trượt, theo truyền thuyết về người anh hùng Hoàng Cần cưỡi ngựa đến đây nhảy sang bên kia núi thì bị trượt chân, còn dấu vết để lại.
Trước đây, mỗi bản làng ở Bình Liêu thường có một ngôi đình làm nơi thờ thành hoàng của bản, là nơi sinh hoạt chung, nơi hội họp, tiến hành các lễ nghi tín ngưỡng, nơi vui chơi, giải trí của cả bản. Dấu tích còn lại là có những khu ruộng được gọi là "Pò Đình" (có nghĩa là cái gò có đình) như ở bản Nà Phạ, xã Tình Húc cũ.
Một số từ thường xuyên xuất hiện ở trong những địa danh Bình Liêu. Ông Nguyễn Văn Ái, đồng tác giả công trình "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay" cho biết, ở tỉnh Quảng Ninh có những địa danh bắt đầu bằng chữ “Lục” (Lục Hồn, Lục Nà, Lục Chắn) theo tiếng Tày nghĩa là ruộng lầy. Hay như có chữ “Ngàn” theo tiếng Tày là rừng đầu nguồn, “Sán” theo tiếng Dao có nghĩa là núi, “Nà” theo tiếng Tày nghĩa là đồng ruộng, chữ “Pò” theo tiếng Tày nghĩa là đồi, “Sủi” tiếng Dao nghĩa là nước v.v.
Từ "Nà" xuất hiện rất nhiều trong kho tàng địa danh Quảng Ninh mà chủ yếu có ở Bình Liêu, thể hiện tập quán canh tác lúa nương của bà con. Ông Nguyễn Cảnh Loan, Chánh Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Quảng Ninh cho biết, địa danh có từ "Nà" đứng đầu, chúng tôi mới thống kê được 193 đơn vị. Tuy chỉ chiếm 1,19% tổng số địa danh toàn tỉnh nhưng những từ đó đã làm phong phú và thêm đặc sắc cho địa danh Quảng Ninh.
Theo tờ trình của đạo quan binh số 1 ngày 23/9/1930, trong ranh giới đạo quan binh số 1 quản lý (gồm 7 địa phương miền Đông của tỉnh hiện nay) chỉ có từ "Na", không có từ Nà. Như vậy, từ "Nà" ở Bình Liêu xuất hiện từ bao giờ cần tiếp tục làm rõ.
"Nà" trong tiếng Tày nghĩa là ruộng còn sách Từ điển Tiếng Việt thì giải thích "Nà" là bãi cát bồi ở bên sông. Theo thống kê của ông Nguyễn Cảnh Loan, toàn tỉnh có 60/193 cánh đồng có từ "Nà" đứng đầu như: Nà Cả, Nà Cà, Nà Cải, Nà Pam, Nà Cháy... 93 thôn, bản, khu dân cư do từ "Nà" đứng đầu (ví dụ Nà Bắp, Nà Áng, Nà Ếch, tên suối). Lại có Nà Phốc là tên cầu Nà Sào là tên bến đò, Nà Dáy là tên núi... Riêng xã Vô Ngại có 3 thôn có chữ này là Nà Cấp, Nà Luông, Nà Mô. Ở thị trấn Bình Liêu có 3 thôn Nà Kẻ, Nà Làng, Nà Phụ. Hay như ở xã Hoành Mô có thôn Nà Sa.
Từ "Khe" cũng xuất hiện rất nhiều ở Bình Liêu, ví dụ như: Khe Lánh, Khe Bánh, Khe Bốc, Khe Dìa, Khe Tiền, Khe Và, Khe Yêng, Khe Vằn. Địa danh Khe Vằn vừa là tên thác nước vừa là tên thôn của xã Húc Động. Tên thác Khe Vằn được bắt nguồn từ tên gọi Khe Vân. Dần dần, người dân nơi đây gọi chệch đi là Khe Vằn.
Một điều độc đáo là ở Bình Liêu không có cơ sở tôn giáo nào nhưng có lẽ bà con vẫn dành niềm tin vào sự hiện diện của Phật nên mới có địa danh đèo Phật Chỉ (đèo Phật dừng, có chỗ đọc là Phạt Chỉ) ở giữa Bình Liêu (Quảng Ninh) và Đình Lập (Lạng Sơn), bản Phật Chỉ của xã Đồng Văn.
Nhìn chung, theo ông Nguyễn Cảnh Loan, lý giải được ý nghĩa cũng như sự xuất hiện của địa danh ở Bình Liêu giúp hiểu thêm về tính bất biến và khả biến của địa danh, góp phần nâng cao văn hóa địa danh và lan tỏa của văn hóa đồng bào các dân tộc. Điều này, cũng góp phần bảo tồn những địa danh văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, bảo tồn di sản văn hóa quý báu của cha ông.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()