Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:54 (GMT +7)
Độc đáo nghề kết long mã ở Hà Nam
Chủ nhật, 28/08/2022 | 07:02:47 [GMT +7] A A
Nghề kết hoa quả thành hình tượng long mã - con vật linh thiêng gắn liền với Lễ hội Tiên công ở vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) được coi là nghề truyền thống độc đáo, có từ 500-600 năm nay, mang nhiều giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc.
Nghệ nhân ở Phong Cốc
Chúng tôi về TX Quảng Yên vào những ngày cuối tháng 8 và tìm tới gia đình ông Ngô Đình Tám (khu 2, phường Phong Cốc), nghệ nhân đã có hàng chục năm gắn bó với nghề làm long mã. Giữa dòng chảy ồn ào, những bộn bề của cuộc sống hiện đại, nghề truyền thống này vẫn âm thầm tồn tại dưới bàn tay sáng tạo của người nghệ nhân yêu nghề này.
Theo những cụ cao niên ở địa phương cho biết, làm long mã có nguồn gốc từ kinh thành Thăng Long xưa, theo những vị tiên công khai phá vùng đảo Hà Nam từ thế kỷ XV mà "đậu" ở vùng đất ven sông Bạch Đằng này. Linh vật thiêng liêng này còn mang theo nguyện ước của người dân. Theo quan niệm dân gian xưa, “tứ hải long vương” - long vương là vua của bốn biển. Đầu rồng mang ý nghĩa trị thủy, thể hiện ước mơ về sức mạnh người dân vùng biển muốn vươn lên chế ngự thiên nhiên, làm chủ đời sống. Thân mã mang sức dẻo dai của ngựa vượt đường xa.
Thiên nhiên xưa kia luôn ẩn chứa nhiều tai họa. Người dân quanh vùng gửi gắm ước mơ vào long mã. Thờ con vật đầu rồng mình ngựa với ước vọng sẽ chế ngự được mọi bề trong trời đất, cầu mong con người sẽ có được sức mạnh tổng hợp, bất cứ lúc nào cũng có thể chống đỡ, chiến thắng sóng to gió lớn, san bằng mọi trở ngại khó khăn. Vì thế, từ xưa, trong lễ hội tưởng nhớ công ơn của các vị Tiên công, hình tượng long mã là không thể thiếu.
Khi chúng tôi đến nhà cũng là lúc ông Tám đang tỉ mỉ kết long mã. Ông Tám cho biết, đã gắn bó với nghề làm long mã hàng chục năm nay. Đôi tay vừa khéo léo kết hoa quả, ông Tám vừa tâm sự: Đối với người dân Phong Cốc, long mã là hình ảnh linh thiêng, có sức mạnh, thể hiện sự tri ân, biết ơn tiên tổ. Ban đầu, nghệ thuật làm long mã chỉ đơn thuần là ghép các loại hoa quả thành hình. Mà mỗi dòng họ làm theo một kiểu, một phong cách khác nhau tùy theo điều kiện. Vì thế, chừng 200 năm trước, các cụ trong họ cách đây 6-7 đời đã lặn lội vào cố đô Huế tìm hiểu, học nghệ thuật bài trí, kết long mã cùng các nghi thức rước kiệu, trống rước đón báo hỉ thể hiện sự trang trọng, linh thiêng đem theo tấm lòng của con cháu báo ơn tổ tiên. Từ đó, người dân trong vùng dần làm theo rồi thành nếp.
Có xem mới thấy quả thật, làm long mã không chỉ cần có sự tỉ mẩn, niềm đam mê mà còn cả một con mắt nghệ thuật. Long mã được làm từ 5 loại hoa quả với tổng trọng lượng hàng chục kg. Theo đó, mũi long mã được đính bằng quả na bổ đôi, cổ 5 ngấn, móng chân được xếp bằng những nếp hoa chuối sinh động. Mình long mã kết bằng những quả chuối tiêu tròn cạnh, còn xanh, đặt úp ngược lại. Đuôi kết bằng những chùm hoa sập chim (một loại cây thân mộc như dừa, cau; người ta thường dùng cành lá kết vòng ngụy trang che bàn sập bẫy chim nên quen gọi là cây sập chim). Chân con vật cũng được xếp bằng những nếp hoa chuối. Trên mình long mã còn cài điểm hoa cúc, quả ớt đỏ, quả quýt v.v..
Ông Tám dù đã 60 nhưng còn khỏe mạnh, người đậm, cao to, đôi tay to, ráp nhưng lại vô cùng khéo léo, thoăn thoắt kết con long mã. Bàn tay “xoay vần” lựa những quả chuối xanh to, cong đều nhau gắn thành mình ngựa, gắn chùm sập chim mềm mại cho phần đuôi…
Xoay xở với cả chục kg hoa quả các loại, sau chừng gần 3 giờ ngồi làm việc liên tục, ông Tám đã xếp thành hình long mã với nét oai nghiêm, mềm mại. “Làm từ hoa quả cái khó nhất là tạo được "cái thần" của long mã. Đó là nghệ thuật sắp xếp, đưa những đường cong của chuối, lựa đỏ làm nanh, xếp bi làm mắt… Tất cả hài hòa sao cho long mã có sự vững chãi, uy nghi, có “thần”, vừa tạo nên nét “nghịch” oai phong dữ dằn của long mã. Đôi khi làm không vừa ý tôi phải dỡ ra làm lại" - ông Tám chia sẻ.
Nỗi lo mất nghề xưa
Nghề kết long mã là nghệ thuật trình bày, kết hoa quả tạo hình nên con vật linh thiêng. Nghề gắn liền với tình cảm, sự tri ân với tiền nhân có công mở mang vùng đất này. Vì thế, không có gì lạ khi trước đây hầu hết các gia đình đều có người biết kết long mã. Bởi với họ đó không chỉ là nghi lễ mà đó là sự thể hiện tấm lòng thành biết ơn tổ tiên.
Ngoài ông Tám, ở Phong Cốc cũng có 2-3 người cũng có thể làm con long mã. Đó là các nghệ nhân họ Lê, họ Tô và một nghệ nhân trẻ mới làm long mã. Trong đó, ông Tám là người có thâm niên, được truyền đời 3-4 thế hệ. Với tâm huyết, kinh nghiệm, tiếng lành đồn xa, long mã do ông Tám kết nổi tiếng khắp vùng, được người dân ở khắp nơi từ Hạ Long, Cẩm Phả thậm chí Hải Phòng tới đặt về làm lễ mừng thọ, thờ cúng, tri ân những cao niên trên 80 tuổi. Thế nhưng, điều ông và nhiều người khác lo lắng là nghề có nguy cơ mai một, không có truyền nhân.
Theo ông Tám, sở dĩ nhiều người không mặn mà theo nghề bởi đây là nghề khá vất vả, không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn cần là đôi bàn tay khéo léo, sự kiên trì và cả tình yêu, niềm tự hào với dòng họ, quê hương. Thế nhưng, trên thực tế, nghề kết long mã không thể có khách hàng thường xuyên. Long mã thường chỉ được làm trong những dịp đặc biệt: Để tri ân tiền nhân, sử dụng trong lễ mừng thọ, lễ rước, trong lễ cầu mưa, quốc thái dân an đầu năm...
"Dịp đông đơn đặt hàng nhất là Lễ hội Tiên công đầu năm. Lúc đó đơn hàng dồn dập, có khi tới 30 con Long mã/dịp lễ hội. Toàn thể gia đình có khi phải chuẩn bị nguyên liệu, làm từ dịp 30 Tết…”, ông Tám chia sẻ.
Làm long mã công phu, tốn thời gian. Đối với long mã trong những ngày lễ long trọng, ngoài quy chuẩn, các bước phải tuân thủ, có lẽ khâu khó, cầu kì nhất là khoét, tạc đầu long mã từ quả đu đủ, rồi trang điểm, tô vẽ màu… tạo cái thần cho long mã. Tuy tốn công phu, nhưng thu nhập từ nghề này lại không được bao nhiêu so với công sức bỏ ra.
Thông thường mỗi con long mã được trả 1,5-2 triệu đồng, trừ chi phí hoa quả, công xá không còn được bao nhiêu. Mà đơn hàng cũng lác đác, rải rác trong năm. Có lẽ chính vì thế, gần đây những người làm long mã dần rơi rụng hoặc lớp trẻ không mặn mà với truyền thống xưa này.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Phong Cốc, chia sẻ: Đây là nghề truyền thống, mang giá trị văn hóa cao. Chính vì thế, chúng tôi cũng hết sức khuyến khích động viên các gia đình duy trì, tiếp nối. Đồng thời chúng tôi cũng tổ chức Lễ hội Tiên công ngày càng bài bản, nhân lên nhiều nét đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc, thu hút các chương trình du lịch làng nghề, gắn với lễ hội… Mong đó là những điều kiện để nét văn hóa, nghề truyền thống đặc sắc này tồn tại và phát huy”.
Nỗi lo đó không chỉ riêng ông Tám. Một số nghệ nhân giàu kinh nghiệm đi trước đã không có ai nối nghiệp. Trong khi lớp trẻ ngày càng quan tâm tới các công việc mới như: Làm việc ở các khu công nghiệp, thu nhập cao.
Tạm biệt ông Tám, tôi còn nhớ lời nói đầy trăn trở: “Tôi cũng vận động, khuyến khích và dạy nghề cho 2 con trai, tuy nhiên các cháu cũng bận công việc riêng, chỉ giúp được dịp lễ, Tết. Các cháu có nhiệt huyết theo nghề hoặc thế hệ sau đó có giữ và duy trì được nghề này không thì quả thật khó biết”.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()