Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:57 (GMT +7)
Độc đáo “Lễ giải hạn” đầu năm của người Tày ở Bình Liêu
Thứ 2, 20/02/2023 | 17:45:36 [GMT +7] A A
Vào tháng Giêng hằng năm, đại đa số người Tày trên địa bàn huyện Bình Liêu thường mời các bà then về nhà làm “Lễ giải hạn” cho các thành viên trong gia đình. Lễ giải hạn đầu năm là một phong tục, hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo của bà con dân tộc Tày đã tồn tại từ lâu đời và còn được lưu giữ, bảo tồn cho đến tận ngày nay. Đây là một phong tục không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày với mong muốn giảm bớt những rủi ro, vận hạn, bệnh tật, cầu may mắn, tài lộc và bình an no đủ cho cả năm.
Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, như đã thành lệ, nhiều gia đình người Tày ở Bình Liêu làm lễ giải hạn đầu năm. Gia đình anh Ninh Văn Thanh, ở thôn Bản Ngày, xã Vô Ngại, vừa mời bà then về làm lễ giải hạn đầu năm, chia sẻ: Đã thành thói quen, hằng năm, sau rằm tháng Giêng, gia đình tôi lại mời bà then về làm lễ giải hạn cho cả gia đình, nhằm xua đuổi đi cái xấu, cầu mong cho cả gia đình luôn mạnh khỏe, an lành, mọi việc đều hanh thông, thuận lợi.
Người Tày thường quan niệm rằng mỗi người đều có một bà mụ che chở, giúp đỡ cho mình. Bà then chính là cầu nối, là người trung gian để đưa con người thực tại đến với thế giới của các bà mụ. Vì vậy, gia chủ cũng cần có những nguyên tắc quan trọng đối với bà then. Khi gia chủ muốn làm lễ giải hạn, họ cần mang một bát gạo đến nhà bà then để xem ngày lành, hợp với gia chủ, sau đó tiến hành chuẩn bị lễ vật và đi đón bà then về nhà làm lễ. Các đồ lễ để cúng tùy theo mỗi bà then có những yêu cầu riêng và điều kiện của từng gia đình khi sắm lễ. Nhưng các đồ lễ cơ bản để cúng giải hạn phải có gà, bánh kẹo, gạo, có thể có thêm một thủ lợn. Sau khi nghi “lễ giải hạn” kết thúc, để đáp lễ, gia chủ đưa lại cho bà then một con gà mang về cúng báo cáo tổ then làm xong công việc giải hạn.
Không gian để bà then làm lễ là trên giường, hoặc trải chiếu ngồi chính giữa nhà. Ngoài ra, bên cạnh mâm cúng lễ đó là những chiếc ghế (trong then gọi là “chốc ỉ”), được làm bằng cuống lá chuối, trang trí bằng giấy màu đỏ hay vàng cắt thành các ô và hoa bắt mắt. “Chốc ỉ” chính là phương tiện để đưa rước các bà mụ.
Sau khi chuẩn bị xong các đồ lễ, bà then tiến hành giải hạn cho cả nhà. Để thực hiện lễ cũng cần phải trải qua nhiều giai đoạn, thời gian. Lễ giải hạn thường bắt đầu từ lúc trời tối và đến sáng hôm sau. Lễ giải hạn đó là miêu tả con đường của đoàn quân then cùng với các hồn vía của người được giải hạn trải qua bao nhiêu chặng đường, vượt sông, vượt biển, đi qua các mường trời để đến với cửa bà mụ. Những câu then cùng với tiếng sóc nhạc lúc trầm lúc bổng, lúc rộn ràng dồn dập khi thì nhẹ nhàng thể hiện rõ từng bước đi của đoàn quân then. Dọc đường đi, các vận hạn, đen đủi hóa giải, bà then vừa hát vừa vẩy cành bòng để giải những vận hạn.
Đoàn quân then trải qua bao nhiêu cửa ải để đến được với cửa bà mụ, then gọi là “Khảu tu mụ”. Lúc này, từng người vào gặp bà mụ của mình để cầu xin về sức khỏe, gia tài, danh vọng, cầu xin có con “so booc so hoa”. Lời then vui nhộn, sinh động giống như một cuộc hội thoại, vừa thực vừa ảo giữa thế giới của các bà mụ và người giải hạn.
“Lễ giải hạn” đầu năm của người Tày là một tín ngưỡng tâm linh tốt đẹp, ăn sâu vào tiềm thức của người Tày ở Bình Liêu. Sau khi hành lễ xong, gia chủ tổ chức bữa cơm thân mật, đoàn viên các thành viên trong gia đình, họ hàng. Mọi người cùng ăn uống vui vẻ, sum vầy, chúc tụng một năm mới sức khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng. Có thể thấy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có “lễ giải hạn” đầu năm là việc làm cần thiết, cần sự quan tâm của các cấp, ngành và mọi người dân để loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian này tiếp tục phát huy, giữ nguyên được những giá trị ban đầu của nó.
Hoàng Gái
Liên kết website
Ý kiến ()