Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 10:56 (GMT +7)
Độc đáo không gian Tết xưa
Chủ nhật, 28/01/2024 | 09:10:39 [GMT +7] A A
Vài năm gần đây, xu hướng tái hiện không gian Tết xưa được nhiều người dân ưa chuộng. Xu hướng này dễ nhận thấy nhất qua cách bài trí không gian Tết xưa tại các gia đình, trường học, khu vui chơi, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn… Không chỉ trở thành địa điểm check-in lý tưởng cho những ai thích hoài niệm, gợi nhớ về quá khứ, những không gian Tết xưa còn tái hiện nét đẹp Tết cổ truyền và những giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ, quý báu của dân tộc.
Những ngày này, tại vườn hoa khởi nghiệp (Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh) luôn đông vui các em học sinh từ mầm non đến cấp tiểu học, trung học đến vui chơi, trải nghiệm chương trình “Chợ Tết quê em”. Tại đây, đơn vị tổ chức đã bố trí 5 gian hàng, gồm: Sắc xuân (trưng bày hoa, cây cảnh mùa xuân); Ngũ vị quán xuân (trưng bày một số sản phẩm OCOP Quảng Ninh); Chào xuân (check-in không gian ngày Tết); Quán ông đồ (viết chữ thư pháp) và gian hàng bày bán các món quà vặt tuổi thơ.
Các gian hàng được thiết kế bằng tre với mái tranh cùng các vật dụng trang trí bắt mắt như câu đối đỏ, bánh chưng, tràng pháo, chõng tre, đôi quang gánh, hoa đào, hoa cúc, mâm ngũ quả… đã tái hiện một không gian sinh hoạt của các gia đình thôn quê trong những ngày Tết và hình ảnh chợ quê xưa bình dị, vui tươi.
Anh Bùi Văn Quang, đại diện đơn vị tổ chức chương trình trải nghiệm “Chợ Tết quê em”, cho biết: Với mong muốn mang đến cho các em thiếu nhi cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, không gian, không khí Tết cổ truyền dân tộc từ xa xưa, chúng tôi đã tạo không gian chợ tết này. Đến với “Chợ Tết quê em” cùng với được tham quan, nghe giới thiệu về văn hóa, các phong tục đặc trưng ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, các bạn còn được check-in chụp ảnh, tham gia các trò chơi dân gian như nhảy sạp, kéo co, đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt… và trực tiếp trải nghiệm học gói bánh chưng, viết thư pháp…
Chị Trần Phương Dung, Chủ cơ sở mầm non Hoa Lê (TP Hạ Long), chia sẻ: Trong nhịp sống hiện đại khá bận rộn, hối hả, nhiều gia đình cũng không có thời gian để cùng các con trải nghiệm văn hóa ngày Tết như nấu cỗ, gói bánh chưng… mà cũng sử dụng các dịch vụ phục vụ sẵn khá nhiều.
Vì vậy, thông qua các tiết học, chương trình ngoại khóa trải nghiệm không gian Tết xưa, chúng tôi mong muốn cho học sinh được tìm hiểu cụ thể, sinh động và tham gia trực tiếp về các hoạt động ngày Tết thay vì chỉ đọc thông tin, kiến thức trên sách, báo, xem tivi. Được hiểu biết về ý nghĩa các phong tục ngày tết như tục xông đất, hái lộc, mừng tuổi… và hòa mình vào không khí đón Tết sớm thông qua những hoạt động trải nghiệm ý nghĩa, vui nhộn, các bạn đều rất vui, hào hứng và thích thú. Từ đây, tạo môi trường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho học sinh một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả.
Là người đam mê sưu tập đồ xưa cũ, anh Lê Minh Thứ (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cũng đã tái hiện một không gian đón Tết xưa tại chính cửa hàng đồ cũ của mình được nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu, check-in.
"Tôi lựa chọn tái hiện một không gian Tết xưa mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất kỳ gia đình nào thời bao cấp của những thập niên 70-80. Với bức hoành phi treo ảnh Bác Hồ, câu đối tết cùng những đồ dùng gia đình như bộ bàn ghế gỗ, chiếc tủ ngang, tivi đen trắng, bộ ấm chén... được sắp xếp gọn gàng, mặc dù rất đơn sơ, giản dị nhưng thể hiện sự chuẩn bị tươm tất, không khí ấm cúng, sum vầy của mỗi gia đình dịp Tết đến, xuân về. Qua đó, vừa tạo không gian độc đáo để người dân đến tham quan, trải nghiệm, lưu giữ những hình ảnh đẹp cùng gia đình và người thân trong dịp Tết, vừa giúp thế hệ trước được hoài niệm về ký ức tuổi thơ, còn thế hệ trẻ thì thêm yêu mến, trân trọng và gìn giữ những nét đẹp bình dị của Tết Việt xưa" - anh Lê Minh Thứ chia sẻ.
Có thể thấy, những không gian Tết xưa được tái hiện dù ở đâu đều như thay lời khẳng định từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt. Không khí, không gian Tết cổ truyền dân tộc luôn mang những giá trị văn hóa, tinh thần trường tồn theo thời gian nên dù bằng cách này hay cách khác vẫn luôn hiện hữu trong mỗi gia đình Việt qua hương vị ẩm thực Tết đặc trưng của bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, mứt quả, của sắc đào mai rực rỡ, của tiếng pháo rộn ràng và của khoảnh khắc tình thân sum vầy, ấm cúng cùng nhau đón năm mới an lành, hạnh phúc.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()