Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:30 (GMT +7)
Doanh thu bán lẻ sụt giảm, hàng Việt vượt bão COVID-19 cách nào?
Thứ 6, 02/07/2021 | 11:08:23 [GMT +7] A A
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn khi COVID-19 kéo dài khiến sức mua hàng giảm mạnh, doanh nghiệp buộc phải chuyển mình để tồn tại.
Một khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ cho thấy, có gần 42% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.
Khách e ngại COVID-19, sức mua sụt mạnh
Theo số liệu thống kê của CBRE Việt Nam, khi đợt dịch COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào quý I/2020, doanh thu ngành bán lẻ đã lập tức sụt giảm mạnh, lên tới gần 30% ở nhiều lĩnh vực. Lượng người mua sắm có nơi giảm tới 80%. Nguyên nhân chính là người tiêu dùng có tâm lý thắt chặt chi tiêu, sợ đám đông hay nơi công cộng.
Sang năm thứ 2 của đại dịch COVID-19, tình hình tuy khả quan hơn chút nhưng vẫn chưa dứt khó khăn. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung quý 2/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.177,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với quý trước, nhưng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 956,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với quý trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%).
Không ít doanh nghiệp bán lẻ do không trụ được cuộc chơi nghiệt ngã này đã phải rời thị trường.
Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức mua giảm mạnh cả ở ngành hàng tươi sống lẫn chế biến. Dường như người tiêu dùng ngày càng cắt giảm mạnh các nhu cầu, kể cả mua sắm hàng hóa thiết yếu để gia tăng tiết kiệm ngân sách gia đình.
"Doanh nghiệp liên tục phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh và doanh thu cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, chỉ cần doanh thu đạt ngang bằng, thậm chí giảm khoảng 10% so với năm 2019 - thời điểm COVID-19 chưa xuất hiện - đã là thành công", vị này nói.
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam từng đưa ra nhận định, trong thời gian vừa qua, những ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đã gây ra khá nhiều khó khăn cho các đơn vị bán lẻ. Thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng, hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh.
Hướng đi nào cho hàng Việt?
"Trước làn sóng COVID-19 chưa bị dập tắt và vẫn diễn biến phức tạp, thị trường bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất chắc chắn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn", ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - nhấn mạnh.
Ông Phú phân tích, việc giãn cách xã hội, ngừng hoạt động nhiều dịch vụ khiến chợ và các siêu thị cũng chịu ảnh hưởng, lượng người đi mua sắm sẽ ít hơn. Ngoài ra, thu nhập của người tiêu dùng giảm sút, buộc phải tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn.
Thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng đang bị thay đổi. Họ chỉ mua các mặt hàng ăn uống hay thiết yếu. Còn các mặt hàng như: may mặc, điện máy, đồ gỗ…rất ít người quan tâm.
Và đặc biệt, chắc chắn người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua bán trực tuyến ngày càng nhiều.
Ông Phú cũng cho biết, bên cạnh những thách thức do dịch COVID-19 mang lại, một nút thắt lớn nhất mà ai cũng biết cũng đều biết, đó là sản xuất nội địa chưa gắn kết với hệ thống phân phối một cách chặt chẽ.
Hiện nay sức sản xuất các mặt hàng Việt ở trong nước, nhất là hàng nông sản thực phẩm rất lớn, có đủ sức để phục vụ tiêu dùng nhưng hệ thống phân phối chưa là trợ thủ đắc lực để đảm bảo đầu ra cho nguồn cung hàng hóa đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn nhiều năm trước.
Nguyên nhân chưa kết nối được đầy đủ thì đã rõ, nào là chiết khấu cao 25-30%, các chi phí khó nói khác, nhà sản xuất bị chiếm dụng vốn khi thanh toán chậm theo hợp đồng, hoặc phí tạo mã của một lô hàng nhập vào một số siêu thị phải đóng góp từ 10-20 triệu cho tới hàng trăm nghìn USD thì hàng hóa mới có chỗ đứng ở trong những siêu thị lớn.
“Điều này đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, người mua phải trả giá quá cao cho 1 sản phẩm, dẫn đến bị thiệt thòi”, ông Phú cho hay.
Để “vượt bão” COVID-19, theo ông Vũ Vinh Phú trước hết các doanh nghiệp cần xây dựng được thương hiệu của mình.
“Chỉ xây dựng được thương hiệu tốt, tạo được niềm tin với người tiêu dùng thì ngay trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, hàng hoá vẫn được ủng hộ”, ông Phú khẳng định.
Đặc biệt, theo ông Phú cần tạo được hệ thống phân phối nội địa vững mạnh. Thực tế hiện nay, ở Việt Nam hàng hoá Thái Lan và một số nước khác đang từng bước phủ đa phần trên các quầy kệ trong các siêu thị nước ngoài.
“Tình hình này nếu tiếp tục xảy ra ngày càng xấu hơn, thì chúng ta sẽ mất dần hệ thống phân phối nội địa, dẫn tới mất luôn cả sản xuất Việt, lúc đó hàng Việt sẽ bán ở đâu?”, ông Phú đặt câu hỏi.
Trước bối cảnh trên, theo ông Phú, các doanh nghiệp sản xuất phải "bỏ trứng vào nhiều giỏ": gửi Aeon, Co.op Mart, Vinmart… Đồng thời nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, phát triển nhanh các tập đoàn phân phối bán lẻ Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường, làm ăn uy tín, mở rộng cửa đón hàng Việt vào để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất Việt một cách công bằng, minh bạch và ổn định lâu dài.
Mặt khác, thương mại điện tử hiện đang là một điểm sáng và dần biến đổi để hỗ trợ các cửa hàng trước, trong và dự kiến là sau đại dịch. Vì vậy, các doanh nghiệp phải nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh, nhanh chóng khai thác những thế mạnh tiềm năng.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng, các doanh nghiệp cần bắt nhịp được với các xu thế của thị trường như phát triển bán hàng đa kênh, đẩy mạnh các hình thức mua sắm online, củng cố lại tất cả hệ thống bán lẻ, các điểm bán hàng, để lại những điểm bán hàng tốt và cũng giảm bớt những điểm bán hàng kém chất lượng.
Mặt khác, doanh nghiệp và cơ sở bán lẻ cần chung tay cùng các nhà cung cấp để xây dựng những chương trình quảng cáo thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Những cơ sở kinh doanh bán lẻ cần phải chú ý cập nhật các thành tựu công nghệ, xu hướng thị trường, đặc biệt là gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng theo hướng xây dựng giao diện thân thiện, đáng tin cậy và thuận lợi hơn cho khách.
Không chỉ vậy, hệ thống phân phối phải được xây dựng đồng bộ, nâng tầm văn minh thương mại để người dân cảm thấy yên tâm trong tiêu dùng.
Ngoài ra, hoạt động quản lý thị trường cũng phải chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, mạnh tay xử lý hành vi bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, vi phạm luật cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.
Theo VTC
Liên kết website
Ý kiến ()