Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 16:29 (GMT +7)
Doanh nghiệp xoay xở tìm kiếm đơn hàng
Thứ 5, 11/05/2023 | 14:06:22 [GMT +7] A A
Những diễn biến trên thị trường cho thấy, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ không có quá nhiều triển vọng so với quý I/2023. Đa số doanh nghiệp ngành gỗ, thuỷ sản Việt Nam đang phải tự mình xoay xở tìm kiếm đơn hàng trong giai đoạn khó khăn.
Sụt giảm doanh thu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kĩ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) mới đây vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu 331 tỉ đồng, giảm 38% so với cùng kì. Đáng chú ý, hết quý I/2023, TTF chỉ lãi 1,8 tỉ đồng, giảm 90% so với cùng kì năm trước.
Năm 2023, gỗ Trường Thành đặt mục tiêu doanh thu 2.222 tỉ đồng, tăng 10,3% so với cùng kì, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỉ đồng, tăng 15 lần so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, doanh nghiệp này mới hoàn thành 4,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ban lãnh đạo TTF cho biết, 2023 sẽ là 1 năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và doanh nghiệp nói riêng khi tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài, các doanh nghiệp phải cạnh tranh thị phần bằng mọi giá cũng làm mặt bằng chung giá bán sản phẩm đầu ra ngày càng thấp.
Số liệu của Tổng cục Hải quan quý I/2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỉ USD, giảm 28,3% so với cùng kì năm 2022.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - nhận định quý I/2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kì năm ngoái.
Đối với ngành thuỷ sản, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC) mới đây vừa công bố báo cáo quý I/2023 với 2.123 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 50% so với cùng kì. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đã giảm 75% xuống 123 tỉ đồng khiến biên lãi gộp bị thu hẹp.
Theo giải trình của MPC, kết quả kinh doanh “đi xuống” là do những công ty nuôi tôm thương phẩm và công ty sản xuất tôm giống hoạt động không hiệu quả.
Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - cho biết, giá thành tôm nguyên liệu hiện nay của Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm giá tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với các nước.
Đổi mới hình thức, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 4.2023 tiếp tục giảm 28% so với cùng kì, chỉ đạt 810 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản ở 2,6 tỉ USD, thấp hơn 31%.
Tại hội nghị mới đây, bà Tô Tường Lan - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) - thông tin, trong quý I/2023 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh về kim ngạch. Riêng thị trường Mỹ giảm tới 55% so với cùng kỳ năm trước, châu Âu giảm 30%...
Bà Lan cho rằng, xu hướng giảm tại các thị trường chính đang thể hiện rất rõ ràng và tín hiệu giảm sẽ kéo dài đến hết hè năm 2023. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đến tháng 4, 5 và 6 vẫn chưa có đơn hàng.
Nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng xác định sẽ tập trung đổi mới hình thức và tập trung khai thác các thị trường xuất khẩu mới. Cụ thể, bộ sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh, Đông Âu và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chọn giải pháp tiến vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()