Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:22 (GMT +7)
Doanh nghiệp xăng dầu “lỗ chồng lỗ”
Thứ 6, 17/02/2023 | 14:28:17 [GMT +7] A A
Các doanh nghiệp bán lẻ lo vỡ nợ, phá sản vì không có chiết khấu vẫn phải bán trong khi các "ông lớn" đầu mối cũng than lỗ nặng vì tỉ giá. Khó khăn này khiến họ nhiều lần phải kiến nghị cần có chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh xăng dầu, đồng thời đảm bảo không có sự "phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp".
Doanh nghiệp bán lẻ lỗ tới 4.000 tỉ đồng/năm
Những ngày qua, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lên tới 950 thành viên đồng loạt ký đơn kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giải quyết những vướng mắc trong vấn đề kinh doanh xăng dầu. 950 thành viên với gần 9.000 cửa hàng xăng dầu, chiếm tới 53% số cửa hàng bán lẻ trên cả nước (17.000 cửa hàng xăng dầu) không phải là con số nhỏ.
Như ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Thương mại Vận tải Xăng dầu Hà Giang - nhẩm tính, bình quân suất đầu tư 10 tỉ đồng mỗi một cửa hàng thì tổng tài sản ước tính là 90.000 tỉ đồng, gấp 1,5 lần tổng tài sản của Petrolimex (dữ liệu báo cáo tài chính năm 2020 công khai trên mạng).
Bình quân mỗi cửa hàng tối thiểu 3 nhân viên, ông Tùng cho rằng, tổng số việc làm do doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tạo ra là 27.000 người. Lương, các chế độ cho người lao động khoảng 10 triệu đồng mỗi người/ tháng, tính ra 270 tỉ đồng/tháng và 3.240 tỉ đồng/năm.
Ấy thế mà doanh nghiệp bán lẻ phải chịu nỗi cay đắng suốt năm qua khi càng bán càng lỗ. Lỗ vì cơ chế; lỗ vì những bất cập của Nghị định 95 kinh doanh xăng dầu chưa kịp sửa đổi. Qua công cụ pháp lý này, Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời.
Một mặt, Nhà nước không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa với hàm ý tôn trọng quan hệ dân sự. Nhưng mặt khác, nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng các quy định giá bán lẻ tối đa và thanh tra, kiểm tra, xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.
Hệ lụy là nhiều cây xăng đóng cửa, nhiều cây xăng mở bán cầm chừng. Thậm chí có người dân ở ngay Hà Nội đã phải dắt bộ xe máy 4km Đại lộ Thăng Long, qua 4 cửa hàng xăng dầu, nhưng đều gặp phải cái lắc đầu, xua tay của nhân viên bán hàng.
Số lỗ mà ông Hà Thanh Tùng ước tính của các doanh nghiệp bán lẻ giai đoạn cao điểm là 900 tỉ đồng/tháng. Tính từ tháng 3.2022 đến nay, ước số lỗ của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có thể lên đến 3.000 - 4.000 tỉ đồng. "Chúng tôi hiểu rằng kinh doanh có lúc này, lúc khác, khó khăn chia sẻ, nhưng việc đó diễn ra 1-2 tháng thì chấp nhận được, nay kéo dài cả năm thì không thể gồng được.
Việc thua lỗ này không phải do doanh nghiệp bán lẻ không biết kinh doanh mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp. Cũng là thương nhân kinh doanh xăng dầu, có thương nhân đầu mối sau khi được điều chỉnh chi phí, quý IV/2022 lãi lên đến gần nghìn tỉ đồng" - ông nói.
Công ty TNHH Huỳnh Thu cũng có 2 cửa hàng bán lẻ tại tỉnh Tây Ninh, năm ngoái doanh nghiệp này ước lỗ gần 1 tỉ đồng. Bà Huỳnh Thu, đại diện doanh nghiệp cho biết, từ tháng 3 năm ngoái, chiết khấu liên tục 0 đồng, muốn lấy hàng từ nhà phân phối phải trả thêm chi phí vận chuyển 300-500 đồng/lít, chưa kể các chi phí nhân công, thuế. Tình cảnh này kéo dài thêm, bà cho hay, sẽ đẩy các đơn vị bán lẻ tới cảnh vỡ nợ.
Theo ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai, điều lạ lùng trên thị trường này là doanh nghiệp bị lỗ vẫn phải bán, vẫn phải kinh doanh. Trong khi đó, thương nhân phân phối có vai trò đưa hàng từ đầu mối về các đơn vị nhượng quyền, đại lý xuống cửa hàng bán lẻ, nhưng cũng gặp khó khăn khi không nhập được hàng.
Cần ghi nhận chiết khấu tối thiểu
Cho rằng sức chịu đựng có hạn, ông Hà Thanh Tùng nói các đơn vị bán lẻ có thể buộc phải xin rút giấy phép, ngừng kinh doanh, như vậy, chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy, ảnh hưởng tới nền kinh tế, người tiêu dùng và an ninh năng lượng.
"Nhà nước cần công nhận sự tồn tại, quyền sở hữu tài sản... của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi sửa đổi Nghị định 95. Chúng tôi muốn được đối xử công bằng" - ông Hà Thanh Tùng nói, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo Nghị định 95 cần ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự "phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp".
"Giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục được các hạn chế nêu trên, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay" - ông nói.
Còn ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM - cho rằng, thị trường bất ổn vừa qua cho thấy sự quản lý, điều hành yếu, có vấn đề. Mấu chốt là Nhà nước quyết định giá bán lẻ. Trong khi xăng dầu thế giới là thị trường cạnh tranh, minh bạch, biến động giá hằng ngày, hằng giờ. Nếu lo lắng giá xăng dầu tác động CPI, nhà nước nên giảm thuế trong xăng dầu sẽ có tác động hơn nhiều. "Cần đưa xăng dầu quay trở lại thị trường, để thị trường quyết định giá cả" - ông nói.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()