Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:58 (GMT +7)
Doanh nghiệp vượt "bão Covid-19"
Thứ 2, 14/06/2021 | 08:13:12 [GMT +7] A A
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động KT-XH. Có lẽ chưa bao giờ các doanh nghiệp lại phải đối mặt với "cơn bão" lớn, kéo dài và không biết khi nào kết thúc như dịch Covid-19 lần này. Song bằng bản lĩnh và trách nhiệm, các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đã và đang nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất, nhằm hoàn thành mục tiêu kép.
Phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, hằng ngày Viettel Quảng Ninh có lượng lớn khách hàng tới giao dịch. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19, do đó, công tác phòng chống dịch được đơn vị đặt lên hàng đầu. Viettel Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, triển khai đồng bộ từ văn phòng tới các phòng giao dịch.
Đặc biệt, từ tháng 4/2021, Viettel Quảng Ninh đã triển khai quét mã QR tại các phòng giao dịch, giúp người dân khai báo y tế nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả. Tại cửa ra vào, đơn vị trang bị nước sát khuẩn, bố trí nhân viên đo thân nhiệt, ghi thông tin của khách hàng... Mọi người tới giao dịch đều phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đúng với yêu cầu 5K của Bộ Y tế... Những chiếc khẩu trang, mũ chắn giọt bắn, găng tay là vật bất ly thân với nhân viên của Viettel Quảng Ninh tại các phòng giao dịch, bởi họ đều ý thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống dịch.
Chị Hoàng Hường, nhân viên Viettel Quảng Ninh, cho biết: Chúng tôi đều nhận thức rõ ràng, trong tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp hiện nay, để đảm bảo ổn định hoạt động kinh doanh, công tác phòng chống dịch là rất quan trọng. Vì thế, mỗi cán bộ, nhân viên chúng tôi đều luôn tuân thủ đúng quy định 5K của Bộ Y tế, đồng thời, luôn cố gắng giải quyết nhanh chóng thủ tục giao dịch, vừa tạo sự hài lòng cho khách hàng, vừa hạn chế tập trung đông người.
Là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn đều có những kế hoạch cụ thể, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất. Xác định phòng chống dịch không chỉ ổn định sản xuất, doanh thu, việc làm, mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Công ty Nhiệt điện Uông Bí luôn chủ động triển khai phương án phòng chống dịch ở mức cao nhất.
Đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch từ công ty cho đến tổ, đội, phân xưởng. Nhằm chủ động ứng phó với các tình huống, công ty đã ứng dụng tiện ích Zalo để kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo phòng chống dịch tới phân xưởng, tổ, đội. Đồng thời, xây dựng kịch bản phòng chống dịch theo hướng tăng dần cấp độ với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” để đảm bảo sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Các pano hướng dẫn thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế được đặt tại mọi vị trí. Việc đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch kháng khuẩn, đeo khẩu trang và khai báo y tế là quy định bắt buộc đối với mỗi cán bộ, công nhân, lao động của công ty.
“Mùa khô là thời điểm các nhà máy nhiệt điện tập trung huy động sản xuất đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Do đó, nếu có trường hợp F0, toàn bộ công ty sẽ thực hiện cách ly theo quy định, nhưng vẫn tiếp tục sản xuất để đảm bảo duy trì cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả. Việc vận hành nhà máy sẽ chuyển từ 3 ca 5 kíp thành 3 ca 3 kíp hoặc 3 ca 4 kíp trong 14 ngày, 21 ngày hoặc 28 ngày theo từng mức độ của dịch. Trong những đợt dịch trước, công ty đã bố trí cách ly 400 lao động vào khu vực sản xuất để đảm bảo sản xuất ổn định, liên tục, an toàn trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cán bộ, nhân viên, lao động của công ty luôn quyết tâm, chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo cung cấp điện” - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí Lê Văn Hanh khẳng định.
Giữ vững nhịp độ sản xuất
Dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều ngành, lĩnh vực, hoạt động bị ngưng trệ. Khó khăn chồng thêm khó khăn. Mặc dù vậy, ở bất cứ đâu vẫn dễ dàng nhìn thấy nhịp sản xuất rộn ràng, tiếng máy đều đều, tiếng còi vang giòn giã hòa cùng với hình ảnh những chiếc khẩu trang, nhiệt kế, chai nước rửa tay.
Những tháng đầu năm 2021, ngành Than khởi đầu không thuận lợi khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các mỏ. Thị trường tiêu thụ than vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Nguồn nhập vật tư, thiết bị bị gián đoạn. Điều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành. Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, cùng bản lĩnh của thợ và những giải pháp linh hoạt, ngành Than đã nhanh chóng thích ứng với tình hình thực tế, vừa sản xuất, vừa phòng dịch.
Tại các mỏ lộ thiên, công tác hạ moong vỉa chính để lấy than tối đa trước khi mưa bão đến đang là ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện được nhiệm vụ này, các mỏ đang huy động tối đa năng lực thiết bị vận tải, bốc xúc, làm việc liên tục 3 ca. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, các mỏ đã ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất. Hiện nhiều mỏ lộ thiên như Đèo Nai, Cao Sơn... đã tổ chức giao ca bằng phần mềm nhật lệnh trực tuyến. Phương pháp này đã phát huy hiệu quả tích cực, nhất là trong tình hình dịch bệnh, bởi hạn chế sự tập trung đông người, tiết giảm thời gian, tăng năng suất máy móc.
Anh Nguyễn Đức Tiến, Quản đốc Phân xưởng Vận tải 4, Công ty CP Than Cao Sơn - Vinacomin, chia sẻ: Than Cao Sơn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng phần mềm nhật lệnh trực tuyến. Không chỉ hạn chế tập trung đông người, rút ngắn thủ tục, việc nhật lệnh trực tuyến còn giảm thời gian giao ca từ 1,5 giờ xuống còn 30 phút. Điều này góp phần quan trọng cho việc nâng cao năng suất lao động.
Với khối sản xuất hầm lò, các mỏ tiếp tục phát huy hiệu quả cơ giới hóa trong từng khâu công việc, nâng cao năng suất, đảm bảo chỉ tiêu đã đề ra, như đầu tư máy xúc cải tiến ML01.0,09, máy xúc lò chợ, thay thế diều chống gỗ bằng giá khung...
Ngành Than tiếp tục bám sát tình hình vận hành, sử dụng, tiêu thụ than của các nhà máy nhiệt điện để có sự chủ động điều hành sản xuất. Để giảm tồn kho, trong thời gian tới, ngành Than chưa nhập khẩu than để pha trộn với than trong nước. Đồng thời, tập trung sản xuất các loại than cục, than cám chất lượng cao phục vụ trong và ngoài nước. Với những giải pháp đồng bộ, chắc chắn ngành Than sẽ tiếp tục duy trì ổn định, hoàn thành kế hoạch khai thác 10,6 triệu tấn than, tiêu thụ trên 11 triệu tấn than.
Không riêng các đơn vị ngành Than, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh vẫn đang nỗ lực thực hiện những giải pháp ứng phó với dịch bệnh, khắc phục khó khăn, ổn định kinh doanh, như: Mobifone Quảng Ninh đẩy mạnh cung ứng giải pháp về công nghệ cho các ngành; nhiệt điện Uông Bí chủ động tăng vật tư dự phòng đảm bảo cung ứng kịp thời cho sản xuất trong mùa khô…
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó khăn là không ít, gian nan vẫn còn phía trước. Song phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, bằng bản lĩnh của con người Vùng mỏ anh hùng và tư duy nhạy bén với thị trường, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh sẽ vượt qua đại dịch Covid-19 an toàn, thành công và thắng lợi. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động thích ứng với mọi thách thức.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()