Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 13:32 (GMT +7)
Doanh nghiệp Việt tăng livestream bán hàng
Thứ 2, 18/11/2024 | 09:15:31 [GMT +7] A A
Khi các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới phát triển, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) phát triển nhanh chóng phát triển những buổi livestream bán hàng. Nhưng bên cạnh đó không ít DN phá sản, khó khăn hơn.
Theo nhiều DN, sự xuất hiện của những nền tảng TMĐT xuyên biên giới đã bộc lộ thêm câu chuyện năng lực sản xuất hàng hóa trong nước. Và không ít DN đang tìm cách thay đổi.
Chập chững trước sóng livestream
Bà Trần Hồng Lâm, giám đốc xuất khẩu của Công ty thực phẩm Á Long (Long An), cho biết đang bắt đầu nối lại thị trường Trung Quốc bằng cách tham gia các hội chợ ở nước này.
"Trước dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc chiếm 60% tổng doanh thu xuất khẩu của chúng tôi. Sau dịch đứt gãy chuỗi cung ứng, năm nay chúng tôi bắt đầu xây dựng lại nhưng để đưa hàng qua biên mậu rất khó khăn về thủ tục hải quan, chi phí vận chuyển cao. Nếu phát triển được kênh bán hàng qua sàn TMĐT sẽ thuận lợi hơn", bà Lâm chia sẻ.
Thời gian gần đây, nhiều thương hiệu Việt Nam đã bắt đầu phát triển thêm kênh bán hàng trực tuyến, mở gian hàng online và đầu tư nhân sự cho các phiên livestream, tuy con số còn khiêm tốn.
Đại diện sàn Shopee cho biết ở sự kiện siêu sale 11-11 vừa qua, sàn đã ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, nhiều thương hiệu Việt xuất hiện ở vị trí dẫn đầu ngành hàng.
Ước tính các nhà bán hàng và thương hiệu thực hiện gần 400.000 phiên livestream xuyên suốt sự kiện, cho thấy sự chú trọng ngày càng cao của người bán vào hình thức Live-commerce (thương mại trực tiếp).
"Top 5 thương hiệu nổi bật nhất trên sàn có hai đại diện Việt Nam. Thú vị hơn, nhà bán hàng trong nước ghi nhận lượng đơn hàng trong ngày 11-11 tăng gấp 10 lần so với trung bình ngày thường", đại diện sàn cho biết.
Theo ghi nhận, mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương đang nhận được sự hỗ trợ nhiều từ các sàn TMĐT. Như phiên livestream ngày 15-11 vừa qua của "Shopee - Tinh Hoa Việt Du Ký" đã giới thiệu đặc sản của An Giang và Kiên Giang.
Hỗ trợ hàng Việt bắt kịp xu hướng
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết tại Việt Nam TikTok có 3,7 triệu tổ chức, cá nhân phát sinh doanh thu (nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết) với hàng chục triệu người mua.
Trong đó có những nhà bán hàng đạt thành tích ấn tượng nhờ biết cách xây dựng nội dung, hay có chiến lược tối ưu hóa quảng cáo.
Từ năm ngoái đến nay, TikTok Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ lên sàn, trong đó có gói hỗ trợ 1 triệu USD dành cho 10.000 DN nhưng đến nay, dù sắp hết năm, mới hỗ trợ 6.800 DN.
"Chúng tôi đang chạy đua để giải ngân hết trong năm nay theo cam kết với công ty mẹ", ông Thanh nói.
Năm ngoái quy mô phương thức bán hàng livestream của Trung Quốc đạt 300 tỉ USD. Các nhà bán hàng Trung Quốc đã tạo nên những "Thành phố 15 phút", tức trong 15 phút, hàng hóa được đặt mua trên TMĐT phải đến tay người dùng.
"Muốn đạt điều này, phải kiểm soát quy trình vận hành và hạ tầng logistics. Làm điều này thật tốt, mọi thứ sẽ theo sau", đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ.
Ông Trần Quốc Bảo, giám đốc vận hành dự án Entertainment & Ecommerce (E2E), cho biết tháng 12 năm nay dự án E2E, một hợp tác giữa Kido và TikTok, tròn một năm ra mắt.
Đây là kênh mua sắm xúc tiến thương mại kết hợp giải trí đầu tiên trên nền tảng mạng xã hội của Kido.
Theo ông Bảo, E2E theo đuổi sứ mệnh ứng dụng xu hướng công nghệ và quá trình chuyển đổi số, xu hướng live shopping và livestreaming giúp DN tiếp cận trực tiếp với lượng lớn khách hàng trên kênh online.
"Chúng tôi ưu tiên hàng chính hãng nơi người dùng có thể yên tâm mua sắm mà không phải băn khoăn về nguồn gốc, chất lượng. Thông qua livestream, xây dựng nội dung, các DN nhãn hàng có thể triển khai các chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm, thử thị trường, phát triển doanh số", ông Bảo nói.
Tuy nhiên một đơn hàng đến tay người dùng cần sự phối hợp nhịp nhàng của chuỗi giá trị TMĐT. Không chỉ là yếu tố công nghệ mà còn hạ tầng logistics, người bán, DN sản xuất, thanh toán, chính sách... Thời gian qua thị trường chủ yếu tập trung ở nền tảng TMĐT, còn thành phần "nền tảng" là sản xuất lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, TMĐT đang bước vào giai đoạn mới, không đơn thuần là đón xu hướng mà phải chủ động các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh về cả chất lượng hàng hóa lẫn trách nhiệm xã hội.
Ông Trương Minh Huy Vũ, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng việc thúc đẩy TMĐT không đồng nghĩa là "dấu chấm hết" cho chợ truyền thống.
Cũng cần hiểu TMĐT không phải chỉ là hàng hóa xuyên biên giới mà thông qua các kênh này góp phần thúc đẩy sản xuất hàng Việt, tiếp cận thêm người tiêu dùng một cách khác để họ hiểu rõ hơn về thị hiếu, nhu cầu. Chính vì thế, tiếp sức hàng Việt trên kênh TMĐT là cách để nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa của các DN trong nước.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()