Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:26 (GMT +7)
Doanh nghiệp tăng dự trữ thực phẩm tươi sống, người dân rục rịch sắm Tết
Thứ 2, 17/01/2022 | 10:19:41 [GMT +7] A A
Năm nay, các nhà phân phối đặc biệt chú trọng và lên kế hoạch tăng dự trữ mặt hàng thực phẩm tươi sống phục vụ Tết từ sớm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Tăng dự trữ thực phẩm tươi sống
Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, đến nay, các doanh nghiệp đang tập trung nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa, để đảm bảo nguồn cung dồi dào, phong phú và cam kết giữ giá ổn định để phục vụ thị trường mua sắm dịp Tết 2022. Theo khảo sát của phóng viên, trong những ngày cuối tuần này, lượng khách đến các siêu thị lớn như Winmart, Mega Market… đã tăng đáng kể, khách hàng chọn chủ yếu các mặt hàng bánh kẹo, hoa quả chuẩn bị cho Tết.
Bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc Cung ứng Hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cho biết, công ty dự tính tăng lượng hàng tươi sống tăng khoảng 40% để phục vụ đẩy đủ nhu cầu cho người dân. Theo doanh nghiệp, năm nay, người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm và chỉ ưu tiên các mặt hàng tươi sống.
"Chúng tôi tăng lượng tồn kho thông thường lên đến 50% so với ngày thường, đảm bảo đầy đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường cho giai đoạn Tết với mức giá vẫn được kiểm soát. Đối với Tết năm nay, chúng tôi cũng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm truyền thống", bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc Cung ứng Hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ chia sẻ.
Đại diện WinCommerce cũng cho hay, cuối tuần qua, hệ thống WinMart/WinMart+ trên toàn quốc đón lượng khách hàng mua sắm nhộn nhịp hơn. Dù lượng khách đã tăng khá nhưng nhịp mua sắm chung vẫn còn chậm so với thông lệ các năm trước. Dự báo, năm nay người tiêu dùng sẽ dồn lực mua sắm vào 1-2 tuần sát Tết. WinMart/WinMart+ chủ động điều chỉnh kế hoạch phân bổ hàng hóa, bảo đảm lượng hàng đưa ra luôn đầy ắp quầy kệ, giá cả ổn định để người tiêu dùng thoải mái mua sắm.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết: “Chúng tôi ước tính, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tươi sống sẽ tăng trưởng hơn so với cùng kì năm ngoái. Để đáp ứng cho nhu cầu hàng hóa tăng cao dịp cuối năm, trung tâm thu mua của GO! / Big C đã đàm phán với các nguồn cung để chuẩn bị cho sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với tết 2021 cũng như các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau tết. Bên cạnh việc đảm bảo được nguồn cung ứng, GO!/Big C cũng tự tin cam kết với khách hàng về giá cả sản phẩm gửi đến tay khách hàng trong dịp tết năm nay, bằng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn khác nhau cho hàng mùa vụ và truyền thống ngày tết: như bánh chưng, bánh tét, đồ chua, lạp xưởng, kẹo… áp dụng cho cả khách mua tại cửa hàng và mua trực tuyến".
Còn hệ thống siêu thị Coopmart Hà Nội cho biết, hàng hóa phục vụ Tết 2022 luôn dồi dào, siêu thị đã dự trữ hàng gấp đôi so với năm ngoái. Nhiều mặt hàng tết tăng giá như bánh, kẹo, đồ khô… so với năm ngoái nhưng mức tăng không nhiều. “Năm nay, ngoài việc siêu thị bán hàng trực tiếp, doanh nghiệp đẩy mạnh kênh bán hàng điện tử. Những mặt hàng trái cây, thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, rượu bia vẫn giữ vai trò chủ đạo”, bà Trần Thị Hải My, Phó Giám đốc siêu thị Coop Mart Hà Nội cho biết.
Đảm bảo hàng hóa trong mọi tình huống
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến sức mua những tháng giáp Tết Nguyên đán sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Về công tác chuẩn bị hàng Tết, mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, tuy nhiên từ cuối năm 2021, các hoạt động kinh tế đang được hồi phục dần nên công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai sớm.
Theo thông lệ hằng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Để góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT về tình hình cung - cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường bảo đảm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý...
Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, bảo đảm không đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch nếu cần thiết.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô mua sắm dịp Tết đã được 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia với tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng. Con số này gần gấp 3 lần kế hoạch dự kiến ban đầu (kế hoạch 5.600 tỷ đồng).
TP Hà Nội cũng chủ động phương án đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán. Các nhóm hàng bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gồm: Các thực phẩm thiết yếu, như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi... cùng với đó là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như nông sản, lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng nằm trong danh sách chuẩn bị nguồn cung.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()