Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:23 (GMT +7)
Doanh nghiệp sản xuất gặp khó trăm bề
Thứ 5, 19/08/2021 | 09:32:29 [GMT +7] A A
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm đã và đang khiến các doanh nghiệp các địa phương phía Nam gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất không ngừng tăng lên.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16/8/2021 đến khi có thông báo mới, các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất theo hình thức 3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” mới được phép tiếp tục hoạt động.
Toàn tỉnh có 312 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp với 48.694 lao động. Trong đó trong khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp có 41 doanh nghiệp hoạt động, với tổng số 19.406 lao động, ngoài khu công nghiệp có 271 doanh nghiệp hoạt động, với 29.288 lao động. Song do dịch bệnh, toàn tỉnh hiện chỉ có 47 doanh nghiệp hoạt động, với 8.224 lao động, chiếm 17% tổng số lao động công nghiệp toàn tỉnh; còn lại 265 doanh nghiệp công nghiệp ngưng hoạt động, với 40.470 lao động, chiếm 83% tổng số lao động công nghiệp toàn tỉnh.
Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất khu vực phía Nam gặp khó khăn |
Nhìn chung, trong đợt giãn cách thứ 2 này, lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động chiếm đa số, với lượng công nhân nghỉ việc quá lớn (83%). Tình hình này nếu kéo dài sẽ dẫn đến ngưng trệ hoạt động sản xuất, khả năng giá trị công nghiệp tăng trưởng âm trong những tháng tới.
Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do chi phí nhân công tăng (phí đưa rước, chi phí bố trí “3 tại chỗ” cho công nhân theo quy định giãn cách; quy trình khử khuẩn, xét nghiệm…). Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động và số lao động làm việc không nhiều (trong 41 DN của KCN An Nghiệp, có 8 DN ngừng hoạt động, chiếm 58% số lao động toàn khu, 33 DN hoạt động chiếm 42% số lao động; trong 271 DN ngoài KCN, chỉ có 22 DN hoạt động chiếm 8% số lao động). Dịch bệnh cũng khiến một số dự án cụm công nghiệp, dự án điện gió bị chậm tiến độ (do máy móc, thiết bị đến chậm; chủ đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật chậm di chuyển đến công trình.
Khó khăn hơn, tại tỉnh Trà Vinh, đến nay, tất cả các doanh nghiệp trong, ngoài KCN, KKT, CCN ngừng hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” do không bảo đảm công tác phòng chống dịch covid-19. Khi tạm dừng sản xuất một số doanh nghiệp may mặc ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất theo kế hoạch, hợp đồng sản xuất của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản, nguyên liệu đã tạm trữ nhiều, nếu không sản xuất được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó đối với các khách hàng trong chuổi cung ứng toàn cầu, nếu giao hàng trễ phải bồi thường, phạt giao hàng trễ hay cắt hợp đồng và nếu không sản xuất, xuất hàng ra thì không thể thu mua nguyên liệu (tôm) của người nông dân. Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực ngành (dự án điện gió, đường dây truyền tải điện,…) vẫn triển khai thực hiện nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Với tỉnh Đồng Nai, do tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát nên địa phương sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách kể từ 0 giờ ngày 17/8/2021 đến hết ngày 31/8/2021.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19 đối với tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo 01 trong 03 phương án gồm 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường, 2 địa điểm.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 44 ngàn doanh nghiệp với tổng số lao động khoảng 1.200.000 người. Trong đó, số lao động đang làm việc tại hơn 1.881 doanh nghiệp thứ cấp trong 32 KCN là khoảng 610.184 lao động. Sở Công Thương Đồng Nai đánh giá, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung không gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, nguyên vật liệu như năm 2020 nhưng đang gặp nhiều khó khăn vì diễn biến dịch ngày càng phức tạp, chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng cao,.
Bên cạnh đó, tình hình thiếu hụt lao động cũng diễn ra phổ biến do nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế, khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa. Tính từ ngày 01/5/2021 thời điểm bắt đầu đợt dịch thứ 4, đến nay đã có 184 doanh nghiệp giải thể và 257 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Tổng số lao động bị ngừng việc là 316.511 người.
Ở một địa phương khác là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (trừ huyện Côn Đảo áp dụng biện áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg) từ 00 giờ ngày 16/8/2021 đến hết ngày 25/8/2021.
Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg kéo dài nên một số doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và lao động nên giảm sản lượng sản xuất như các doanh nghiệp sửa chữa tàu, đóng tàu, đóng mới giàn khoan không có đơn hàng mới (cấu kiện kim loại giảm 3,62%), nhà máy Đạm Phú Mỹ điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất (phân ure giảm 11,51%).
Bên cạnh đó, các ngành sản xuất tăng trưởng nhưng lợi nhuận không đáng kể do phải trả một số phát sinh như: chi test nhanh Covid – 19 cho người lao động, chi cho người lao động mua máy móc thiết bị để làm việc tại nhà, chi phí vận chuyển và logictis tăng do thiếu container đóng hàng dẫn đến nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng.
Với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, hiện đã có 77 doanh nghiệp (19.837 người lao động) chọn phương án tạm ngưng hoạt động cho đến khi hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nguyên nhân chủ yếu do không sắp xếp thực hiện phương án 3 tại chỗ, không bố trí được nơi ở tập trung để thực hiện “01 hành trình – 02 điểm đến”, số lượng đơn đặt hàng giảm. Với các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, hiện 01 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động (Công ty TNHH dây thun Hoa Sen, tạm dừng hoạt động sản xuất kể từ ngày 05/8/2021).
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Nhìn chung, theo phản ánh của các địa phương, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất đều gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Do đó, các địa phương đều có kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động sản xuất. Đồng thời có phương án sản xuất tối ưu về lâu dài cho doanh nghiệp, thay cho phương án “3 tại chỗ” hay 1 cung đường 2 điểm đến như hiện nay.
Đơn cử, tại tỉnh Trà Vinh, tỉnh đã có kế hoạch tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân của các doanh nghiệp sản xuất (dự kiến hoàn thành trước ngày 22/8/2021). Sau khi tiêm vắc xin 15 ngày, doanh nghiệp có kế hoạch phòng chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo đạt yêu cầu của ngành Y tế thì được phép hoạt động trở lại.
Bên cạnh các giải pháp kể trên, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất, thống nhất phương án sản xuất phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid – 19 để đảm bảo an toàn trong tình hình mới, duy trì một cách bền vững.
Tại Đồng Nai, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang thiết lập các “vùng xanh” phòng chống dịch Covid-19, đồng thời chính quyền địa phương cũng đang đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng chống Covid-19 cho người lao động.
Do đó, nhằm giảm bớt áp lực về chi phí cho doanh nghiệp và ổn định tâm lý cho người lao động, Sở Công Thương kiến nghị cần điều chỉnh phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” thành “1 cung đường, nhiều điểm đến “vùng xanh”. Cụ thể, đối với các cơ sơ sản xuất tại “vùng xanh”, cho phép cơ sở hoạt động trở lại, không cần áp dụng phương án “3 tại chỗ” với điều kiện: chỉ được sử dụng người lao động có nơi ở tại “vùng xanh”, đồng thời cam kết về việc tổ chức xe đưa đón “1 cung đường” (tuyệt đối không dừng ngoài các điểm đăng ký).
Đối với các cơ sở sản xuất tại vùng có nguy cơ cao, hoặc thuộc khu vực cách ly: được xem xét áp dụng linh hoạt phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – nhiều điểm đến “vùng xanh” hoặc linh động kết hợp cả hai phương án. Theo đó, cho phép công nhân đươc lưu trú ở các điểm tập trung khác nhau “vùng xanh”, tổ chức xe đón tại các điểm (tuyệt đối không dừng ngoài các điểm đăng ký).
Trong quá trình duy trì hoạt động, các cơ sở phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có công văn chỉ rõ, không bắt buộc doanh nghiệp phải áp dụng “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” mà chính quyền địa phương có thể tùy tình hình địa phương để đề xuất các giải pháp áp dụng cho phù hợp. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, những giải pháp này cần sớm được đề xuất, thông qua nhằm tháo gỡ phần nào những vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()