Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:44 (GMT +7)
Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Thứ 3, 03/12/2024 | 15:50:58 [GMT +7] A A
Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Nhu cầu mua sắm những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán thường tăng cao, vì vậy để bình ổn thị trường, các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ hàng hóa, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, đồng thời chú trọng các chương trình giảm giá, khuyến mại kích cầu tiêu dùng.
Nguồn cung hàng thiết yếu dồi dào
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch để đảm bảo phục vụ tiêu dùng, trong đó chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu, đặc sản vùng miền…
Bà Nguyễn Thị Hoài Thương, Giám đốc siêu thị WinMart Thăng Long cho biết hệ thống WinMart/WinMart+ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm, khi thị trường thường có sự gia tăng về sức mua, dự kiến khoảng trên 20%.
Theo đó, hệ thống siêu thị này đã lên kế hoạch từ sớm để chuẩn bị nguồn hàng ổn định và đảm bảo bình ổn giá, đặc biệt áp dụng với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống và hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm, đồng thời, tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội bộ giúp tối ưu hóa quy trình phân phối, vận chuyển nhanh chóng và kịp thời.
“Riêng đối với mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt gà và rau củ cho cuối năm và Tết Nguyên đán, để chuẩn bị cho các dịp cao điểm cuối năm và lễ Tết, hệ thống WinMart/WinMart+ đã tích cực đàm phán, làm việc với các nhà cung cấp từ 2-3 tháng trước đó để thu mua sản lượng lớn và đảm bảo giá thành đầu vào,” bà Nguyễn Thị Hoài Thương chia sẻ.
Hiện các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024 nhằm sẵn sàng phục vụ nhân dân, trong đó những mặt hàng thực phẩm, rau củ quả cũng được các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thu mua, sản xuất nhằm kịp thời cung ứng cho người dân những ngày cao điểm tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quí (xã Đan Phượng), xác định được nhu cầu tiêu thụ sản lượng nông sản của người dân dịp cuối năm sẽ tăng cao, ngay từ đầu tháng 10, hợp tác xã đã chuẩn bị kế hoạch sản xuất phù hợp, đa dạng chủng loại rau và các mặt hàng nông sản để phục vụ cho người dân dịp Tết Nguyên đán, trong đó, Hợp tác xã đã mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, rau cao cấp, với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap.
Tương tự, đại diện Vissan thông tin, đơn vị đã dự trữ thêm 10-20% sản lượng để đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của người dân dịp lễ, Tết cuối năm. Các xưởng sản xuất, chế biến của công ty cũng đang tăng cường sản xuất nhằm cung ứng ra thị trường gần 1.200 tấn thực phẩm tươi sống và 4.000 tấn thực phẩm chế biến cho hơn 120.000 điểm bán hàng trên cả nước.
Tăng khuyến mại, bình ổn thị trường
Thực tế cho thấy, nhu cầu mua sắm những tháng cận Tết thường tăng cao, đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp bán lẻ, nhà sản xuất có thể tăng cường các chương trình giảm giá, khuyến mại, quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart chia sẻ nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2-3 lần các tháng trong năm.
Bên cạnh đó, hệ thống tiến hành nhập hàng, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hoạt động tốt vào cao điểm tháng 11, 12, đảm bảo kiểm soát hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, tốt cho sức khỏe của khách hàng và bình ổn giá thị trường.
Trong khi đó, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kin Dung chia sẻ, theo kế hoạch, lượng hàng phục vụ dịp cuối năm nay có thể tăng khoảng 30-40% so với bình thường, tăng gần 10% so với Tết năm ngoái. Về giá bán, đơn vị chủ trương duy trì giá bình ổn, thậm chí tăng khuyến mãi.
“Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp và phần lớn ủng hộ việc duy trì giá bán bình ổn, riêng mặt hàng rau đơn vị đã ký hợp đồng, hỗ trợ vốn cho bảy nhà cung cấp lớn nên những mặt hàng chủ lực như cà rốt, cà chua, bắp cải, khổ qua, dưa leo... dự kiến có giá tốt hơn 10%-15% so với thị trường," bà Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định.
Về phía Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai các giải pháp phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2025, trong đó, chú trọng đến những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố.
Cùng đó, các đơn vị bán lẻ đã đàm phán với doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả từ cách đây 3-6 tháng để chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Hiệp, ngành Công Thương tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ người dân; khuyến khích hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ tích cực phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tốt chương trình bán hàng lưu động đưa hàng Việt về các xã vùng nông thôn, các khu, cụm công nghiệp phục vụ người dân lao động.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()