Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:09 (GMT +7)
Doanh nghiệp ráo riết kích cầu tiêu dùng cuối năm
Thứ 2, 23/12/2024 | 16:03:07 [GMT +7] A A
Các doanh nghiệp đang vừa khẩn trương sản xuất, chuẩn bị hàng Tết, vừa phải tập trung kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Những tháng cuối năm khi Tết Ất Tỵ 2025 đã cận kề, để kích cầu mua sắm, các doanh nghiệp vừa phải khẩn trương sản xuất, chuẩn bị hàng Tết, vừa phải tập trung Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi không đáng kể
Thị trường nội địa được coi là một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Tuy thời gian qua nhu cầu tiêu dùng trong nước đã dần phục hồi, song theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mức độ phục hồi chậm, chưa đáng kể. Theo bà Đinh Thị Thúy Phương - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chưa cao. 5/10 người tiêu dùng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn và tình hình này sẽ kéo dài ít nhất từ 6 tháng tới 1 năm nữa.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng thắt chặt hầu bao, khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Ngay cả các nhãn hiệu lớn cũng gặp khó khăn trong việc tăng trưởng. Theo Worldpanel Division, trung bình thị phần của top 5 nhãn hiệu lớn nhất trong mỗi ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đều giảm ở cả khu vực thành thị (từ 72% năm 2019 xuống còn 67% năm 2024) và nông thôn (từ 77% năm 2019 xuống còn 65% năm 2024).
Đánh giá về tình hình tiêu dùng trên thị trường, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho biết, thời gian qua, người dân có xu hướng cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng, nhất là thay đổi phương thức và lựa chọn xoay xở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây.
Theo các chuyên gia, không khí mua sắm hiện nay phần nào phản ánh nỗi lo lớn của doanh nghiệp về doanh số hàng Tết. Trước bối cảnh kinh tế còn khó khăn, dự báo người dân sẽ chi tiêu dè dặt và tiết kiệm hơn cho Tết 2025 và xu hướng mua sắm tiếp tục là tiết kiệm, đơn giản và thiết thực. Theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao - Công ty Kantar Việt Nam (đơn vị nghiên cứu thị trường), nhu cầu mua sắm Tết 2025 của người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên về sự tiện lợi và đơn giản hóa, thiết thực, tiết kiệm. Đây cũng là yếu tố quan trong để doanh nghiệp chú ý và định hướng kế hoạch.
Doanh nghiệp ráo riết tìm mọi cách kích cầu
Những ngày cuối cùng của năm 2024, theo tìm hiểu của phóng viên VTV Times tại các khu chợ truyền thống và các siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy, tình hình mua sắm không mấy tích cực mặc dù lượng hàng hóa đã rất phong phú để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Do đó, để tăng sức mua, ngành Công Thương chung tay vào cuộc cùng các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng thông qua xúc tiến thương mại, khuyến mãi tập trung và tổ chức các hội chợ, phiên chợ Xuân tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm Tết.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam cho biết, các nghiên cứu người tiêu dùng 2024 của NielsenIQ cho thấy người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng, dẫn tới việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, đồng thời đưa ra những quyết định mua sắm cẩn trọng hơn. Theo đó, 89% người tiêu dùng tìm kiếm mức giá thấp hơn, 72% giảm tổng chi tiêu. Ở Việt Nam, theo NielsenIQ, 36% người tiêu dùng lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế và 25% lo ngại về việc mất an ninh, mất việc làm. Họ cũng cảm nhận được tác động của lạm phát thông qua việc tăng giá bán hàng hóa. Người trẻ (18-25 tuổi) cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, nhóm người lớn tuổi (46-55 tuổi) có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. 62% người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn. |
Điển hình, trên địa bàn TP. Hà Nội, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% - 25% tùy từng mặt hàng so với năm ngoái. Trong đó, những mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, sản xuất nhằm kịp thời cung ứng cho người dân những ngày cao điểm tiêu dùng. Các hệ thống phân phối bán lẻ cho biết năm nay lượng cung hàng hóa phục vụ Tết tăng từ 15 – 30%.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương thành phố đã công bố Chương trình bình ổn thị trường cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025, dự kiến có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm ngoái với tổng nguồn vốn 23.000 tỷ đồng, trong đó, có 8.000 tỷ để phục vụ cho chuẩn bị lương thực, thực phẩm.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc siêu thị Nine Mart tại tòa CT6 Phường Yên Hòa cho biết, ngay từ đầu tháng 12, siêu thị đã tăng cường nguồn cung cho tất cả các nhóm hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng và thực phẩm thiết yếu. Đặc biệt, siêu thị cũng chủ động hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo giá cả và nguồn hàng trong siêu thị luôn ổn định. Đồng thời, Nine Mart đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng, liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng như chương trình khuyến mại tri ân khách hàng; chương trình khuyến mại trong dịp Tết Dương lịch…giúp khách hàng an tâm mua sắm với giá bình ổn.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, người tiêu dùng ngày càng xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến như một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm. Vì thế, để đẩy mạnh tiêu dùng, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi…, doanh nghiệp cần quan tâm và khai thác hiệu quả kênh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.
Về phía nhà nước, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh tiêu dùng trong nước phục hồi chưa như kỳ vọng, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, triển khai các gói kích cầu; giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (VAT) với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thêm vào đó, Chính phủ cần thực hiện chính sách an sinh xã hội trợ cấp cho người nghèo, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế VAT hàng tiêu dùng thiết yếu để tăng nhu cầu chi tiêu.
"Trong các giải pháp kích cầu, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ có tác động lớn nhất, vừa có độ phủ tới tất cả người tiêu dùng, vừa góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, qua đó giảm giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo việc làm, qua đó tăng thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện cho người dân tăng chi tiêu" - bà Phương nhấn mạnh thêm./.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()