Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:26 (GMT +7)
Doanh nghiệp nội giành “ngôi vương”
Thứ 5, 01/07/2021 | 09:35:19 [GMT +7] A A
Nếu như chỉ cách đây vài năm, thị trường bán lẻ dường như là “cuộc chơi” của các đại gia nước ngoài với hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám, thì đến nay, vị trí trên thị trường bán lẻ đang được xác lập lại với vị thế nghiêng về các doanh nghiệp nội.
Loạt thương vụ đình đám
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Masan công bố đã hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD. The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce. Giao dịch này củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc.
Được ra mắt vào năm 2020, The CrownX hợp nhất hai doanh nghiệp đầu ngành nhằm thiết lập nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Masan diễn ra vào tháng 4-2021, tầm nhìn trong 10 năm tới của Masan là xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ “tất cả trong một” nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Nền tảng này sẽ được ứng dụng công nghệ, tích hợp các điểm bán hiện hữu (offline) và kênh mua sắm trực tuyến (online). Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group cho biết: “Với mô hình này, chúng tôi vừa cung cấp nhiều sự lựa chọn cho khách, vừa có khả năng quản lý chi phí hiệu quả nhờ việc trực tiếp xử lý đơn hàng tại cửa hàng. Thí dụ như việc kết hợp đơn hàng của hai kênh giúp giảm biến động về sức bán hàng, qua đó quản lý tồn kho hiệu quả. Mạng lưới rộng cũng giúp giảm khoảng cách và bảo đảm thời gian giao hàng nhanh chóng”.
Đây là một trong những thương vụ M&A đáng chú ý của Masan - "ông lớn" ngành hàng tiêu dùng, sau khi mua lại hệ thống Vinmart từ Vingroup, tái cấu trúc thành công chuỗi siêu thị này cũng như đầu tư vào hãng trà sữa Phúc Long để cùng tăng sức mạnh thương hiệu Việt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Một thông tin đáng chú ý khác trên thị trường bán lẻ là một “đại gia” trong ngành ô-tô là Thaco đã mua lại 100% vốn của Công ty TNHH Emart Việt Nam (thuộc tập đoàn bán lẻ Emart của Hàn Quốc). Thaco cũng không giấu tham vọng trong vòng chín năm tới sẽ đưa vào hoạt động thêm ba đại siêu thị Emart và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ mở rộng thêm 10 dự án đại siêu thị mang thương hiệu này. Thaco đặt kỳ vọng doanh thu từ hoạt động bán lẻ của siêu thị Emart trong năm nay sẽ đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài rời bỏ thị trường, trong khi các doanh nghiệp nội liên tục có các hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh là điểm đáng lưu ý.
Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 21.765 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,1%/năm. Các hình thức hạ tầng bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh chóng. Số trung tâm thương mại trên cả nước năm 2020 là 250 trung tâm, tăng 48,8% so với năm 2016, còn số siêu thị là 1.163 siêu thị, tăng 34,5%. Trên thị trường bán lẻ Việt, các mô hình bán lẻ hiện đại có sức tăng trưởng mạnh, hàng Việt được tiêu thụ rộng rãi.
5 tháng đầu năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tiếp tục chứng tỏ thị trường bán lẻ nước ta vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng và phát triển.
Trong bối cảnh đó, việc nhiều doanh nghiệp nội với tiềm lực tài chính mạnh và những mối liên kết hợp tác với các doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong những mảng liên quan sẽ tạo nên làn gió mới và là động lực cho ngành bán lẻ phát triển. Các doanh nghiệp nội vốn có sự am hiểu lớn về thị trường dần chiếm thế thượng phong trong cuộc đua trên thị trường bán lẻ cho thấy một tiềm năng vững chắc hơn cho ngành bán lẻ trong tương lai với những mô hình phù hợp và tăng tiện ích cho người tiêu dùng Việt. Ngoài thương vụ đình đám của Masan hay Thaco, các doanh nghiệp khác như Tập đoàn Kido, Saigon Coop cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thị phần trên thị trường bán lẻ.
Nắm được phân phối sẽ quyết định được sản xuất
Làn gió mới trên thị trường bán lẻ đang khiến nhiều chuyên gia chú ý và bày tỏ sự vui mừng. Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, phân phối nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế vì rõ ràng, chỉ chiếm lĩnh được kênh phân phối bán lẻ, chúng ta mới chủ động đưa được nguồn hàng nội địa vào phân phối và ngành sản xuất mới thắng được.
“Những năm gần đây, ta thấy sự phổ biến của hàng Thái Lan trên thị trường. Một trong những nguyên nhân là người Thái đã chiếm lĩnh được không ít kênh phân phối lớn. Đó là bài học ta phải suy ngẫm”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Theo đó, ông Phú cũng khuyến cáo, sự thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ nằm ở chiến lược kinh doanh, bên cạnh đó là tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại. Cũng không loại bỏ việc tích hợp hệ sinh thái bán lẻ hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa sự phát triển, tận dụng thế mạnh của cả hai bên hướng tới cung cấp nhiều trải nghiệm, sản phẩm tốt, tiện lợi, giá cả phù hợp cho người tiêu dùng. Đây là nguyên nhân khiến các kênh bán lẻ tích hợp tốt các trải nghiệm như AEON vẫn mở rộng quy mô, trong bối cảnh đào thải mạnh mẽ của thị trường như thời gian qua. Hoặc, các cửa hàng tiện lợi như Circle K, vẫn hoạt động tốt khi đáp ứng tiêu chí tiện lợi, dễ dàng cho người tiêu dùng mua sắm.
Do đó, các siêu thị muốn thu hút khách phải kết hợp giữa hình thức mua sắm và vui chơi, giải trí. Ngược lại, các siêu thị nhỏ lại trở thành nơi mua sắm thực phẩm hằng ngày. Đây cũng chính là mô hình thành công tiêu biểu của các kênh bán lẻ vẫn còn bám trụ tại thị trường Việt Nam.
Theo Nhân Dân
Liên kết website
Ý kiến ()