Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:26 (GMT +7)
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải “kiệt sức” vì Covid-19
Thứ 4, 08/09/2021 | 09:42:24 [GMT +7] A A
Cỏ mọc ngang thân xe, phụ tùng xuống cấp, hư hỏng nặng do để lâu trong bãi, phơi cùng mưa, nắng; lái, phụ xe buộc phải nghỉ việc; doanh nghiệp rơi vào nguy cơ nợ xấu… Đó là những gì các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đường bộ đang phải đối mặt.
Quảng Ninh có hơn 4.000 đầu phương tiện của 165 đơn vị kinh doanh vận tải khách đường bộ tại các loại hình xe khách, xe buýt, xe hợp đồng và taxi. Các đơn vị kinh doanh vận tải của tỉnh đã không ngừng đầu tư nâng cấp phương tiện, chất lượng phục vụ, được khách hàng đánh giá cao. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trong tỉnh kiệt sức, hoạt động cầm chừng, ngưng trệ, nợ đọng ngân hàng, gánh nặng trả lương nhân viên, khó gượng dậy và nguy cơ phá sản.
Đơn cử như tại Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên - một trong những doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách lớn của Quảng Ninh. Đợt dịch thứ 4 vừa qua như cú “đánh bồi” đối với doanh nghiệp. Bất đắc dĩ, đơn vị đã phải quyết định cắt bỏ hợp đồng với 1/3 số lượng lái, phụ xe (khoảng 150 người) do không còn khả năng chi trả. Hơn 200 đầu phương tiện buộc phải tập kết về bãi phơi cùng mưa, nắng, xuống cấp, hư hỏng nặng. Đáng nói, Công ty vừa mới đầu tư một dàn xe 29 chỗ để nâng cao chất lượng dịch vụ, đem đến cho hành khách những trải nghiệm mới. Song hiện nay, hoạt động vận tải “đóng băng”, Công ty phải ôm một khoản nợ ngân hàng rất lớn.
Tại HTX Dịch vụ vận tải ô tô Ka Long, có tổng số 200 lái, phụ xe, trên 60 đầu xe khách chất lượng cao hoạt động tuyến Móng Cái đi các tỉnh phía Bắc, đến nay cũng trong tình cảnh tương tự. Xe xếp hàng dài trong bãi, cán bộ, nhân viên, lái, phụ xe buộc phải nghỉ việc. Nguyên nhân được xác định là do dịch bùng phát, diễn biến phức tạp, kéo dài, các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai mạnh mẽ đã khiến hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh tạm dừng. Đối với hoạt động vận tải nội tỉnh, thói quen đi lại của người dân thay đổi, hạn chế đi phương tiện công cộng để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Vì thế, đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định của các doanh nghiệp truyền thống.
Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên, chia sẻ: Hiện doanh nghiệp chỉ còn duy trì 50% hoạt động xe buýt với khoảng 50 đầu xe, các loại hình khác đều đã dừng hoạt động, doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng rất khó khăn. Bởi, dù dừng hoạt động, phương tiện hư hỏng, xuống cấp, song các chi phí phương tiện như đăng kiểm, bảo hiểm vẫn phải duy trì vì thế chấp ngân hàng. Bên cạnh đó, để giữ chân lái xe, một tháng vẫn phải chi gần 2 tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội và trả lương. Điều này dẫn đến, không có nguồn thu, lãi ngân hàng cộng dồn, nguy cơ rơi vào nhóm nợ xấu. Mà đã nợ xấu đối với doanh nghiệp, sẽ rất bất lợi cho sau này.
Theo đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Quảng Ninh, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân hạn chế đi lại, các nhà xe cũng phải thực hiện quy định chở không quá 50% số ghế. Điều đó có nghĩa kể cả khi chở hết công suất, doanh thu mỗi chuyến cũng giảm một nửa, trong khi chi phí còn tăng lên do doanh nghiệp phải đảm bảo trang thiết bị phòng dịch trên xe. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải đang rất mong chờ vào các chính sách hỗ trợ, mà quan trọng hơn là làm sao để họ có thể được thụ hưởng những gói hỗ trợ này.
Được biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ được triển khai. Tuy nhiên, ghi nhận từ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, chưa có đơn vị nào được nhận gói hỗ trợ này. Lý do là bởi, các điều kiện đưa ra khá ngặt nghèo, các doanh nghiệp không thực hiện được.
Cũng theo ông Đoàn Thế Xuyên, để được nhận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, thì cần xác nhận thuế doanh nghiệp, thực hiện đầy đủ các chính sách thuế nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện chính sách tự khai, tự tính, tự nộp thuế trên nguyên tắc tự giác, tự xác định nghĩa vụ thuế… Vì thế, để xác định nghĩa vụ thuế, cần phải thanh tra, kiểm tra từ ngành thuế, điều này rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Ông Xuyên đề xuất, trong lúc chờ đợi hướng dẫn, điều chỉnh điều kiện của gói hỗ trợ, doanh nghiệp rất mong Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng thực hiện việc khoanh nợ để giảm thiểu nguy cơ nợ xấu cho doanh nghiệp; ưu tiên tiêm vắc-xin cho lái, phụ xe - đối tượng tiếp xúc với nhiều người, kể cả có trả phí; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động vận tải nội tỉnh, giải cứu…
Sau 4 lần dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ gần như đã "kiệt sức". Bất đắc dĩ, phải hạn chế chi tiêu để tích lũy thông qua việc cắt giảm hợp đồng, dừng hoặc cầm cự hoạt động; trả lương cho đội ngũ lái xe chuyên nghiệp vốn rất khó để đào tạo và tuyển dụng, tuy nhiên lại đi liền với việc trả lãi ngân hàng… Chính vì vậy, việc nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc là điều các doanh nghiệp vận tải thực sự trông đợi để có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ, duy trì và từng bước phục hồi hoạt động vận tải ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()