Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:39 (GMT +7)
Doanh nghiệp FDI tiên phong trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh
Thứ 3, 19/03/2024 | 14:30:53 [GMT +7] A A
Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp FDI, chuyên gia kinh tế…
VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Phát biểu ý kiến khai mạc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng, là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, được coi là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Với ý nghĩa của sự kết hợp hài hòa, hợp lý của hai sự kiện, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng Doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2024, chúng ta sẽ được nghe bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng, lan tỏa tinh thần hành động quyết liệt, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng nêu rõ, nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược đã xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.
Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh.
Với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Định hướng tăng trưởng xanh chính là chìa khóa bảo đảm cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp độ doanh nghiệp.
Với ý nghĩa đó, việc lựa chọn chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh” cho Hội nghị lần này đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ cũng như khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI trong triển khai tăng trưởng xanh nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh trên nguyên tắc bao trùm, bình đẳng, đồng lợi ích, nâng cao năng lực chống chịu và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trong suốt hành trình hình thành và phát triển của mình, VBF đã luôn bám sát mục tiêu và nhiệm vụ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam; cũng như đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Bộ trưởng trân trọng cảm ơn VBF, các Hiệp hội doanh nghiệp, WB, IFC đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt hành trình gần 30 năm qua.
Tại Diễn đàn, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia của IFC (phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào) đánh giá, FDI quan trọng với Việt Nam, không nên đánh đổi môi trường mà phải gắn liền với trách nhiệm, xã hội, tăng trưởng bền vững; nhà đầu tư cần có cam kết về tăng trưởng xanh, bảo đảm thông điệp thống nhất, cam kết trải rộng từ trên xuống dưới. Các bên phải tích cực tham gia, có vai trò quan trọng. IFC có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh. Mạng lưới ngân hàng bền vững của IFC, các tiêu chuẩn xanh được áp dụng ở ASEAN, tạo cơ hội xanh, giúp Việt Nam hiện thực hoá chiến lược tăng trưởng xanh.
Chúng ta đang sống trong thời đại của những căng thẳng địa chính trị trên thế giới, do đó, cần có hệ thống tư pháp ổn định, dễ đoán định, cơ sở hạ tầng tốt, giúp thu hút ngày càng nhiều FDI. Chúng ta muốn có sự phát triển tốt đẹp, bền vững thì cần ít tác động nhất tới hành tinh. Ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch VBF |
Ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch VBF đánh giá đây là sự kiện bản lề thể hiện sự quyết tâm phát triển của doanh nghiệp tại Việt Nam - một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam. Chúng ta đang sống trong thời đại của những căng thẳng địa chính trị trên thế giới, do đó, cần có hệ thống tư pháp ổn định, dễ đoán định, cơ sở hạ tầng tốt, giúp thu hút ngày càng nhiều FDI. Chúng ta muốn có sự phát triển tốt đẹp, bền vững thì cần ít tác động nhất tới hành tinh. Điều quan trọng bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì cần sự hỗ trợ của Chính phủ, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong công cuộc này. Ông đưa ra thông điệp mạnh mẽ: Chúng ta hãy sát cánh cùng Việt Nam để cùng chăm sóc hành tinh, đạt mục tiêu tăng trưởng xanh tương lai.
Ngay sau phần khai mạc, Diễn đàn đi vào phần thảo luận với 2 nội dung chính gồm: Vai trò của FDI trong bối cảnh mới; Trách nhiệm của doanh nghiệp FDI thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Theo đó, Diễn đàn nghe các tham luận của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như BritCham; AmCham; KoCham; JCCI; EuroCham… đánh giá các tiềm năng, cơ hội hợp tác to lớn tại thị trường Việt Nam; đồng thời khuyến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam những giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp đó là phần phản hồi của lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam.
Theo Báo cáo Lộ trình hướng tới phục hồi kinh tế bền vững của VBF thực hiện trong 2 giai đoạn tháng 10/2023 và tháng 2/2024, VBF khẳng định, doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi nền kinh tế thời hậu Covid-19 tại Việt Nam, trong đó đầu tư FDI liên tục tăng mạnh sau năm 2022. Dù thế giới còn gặp nhiều thách thức và tốc độ tăng trưởng FDI còn chậm ở những khu vực khác, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng FDI khá nhanh tính đến hết năm 2023. Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài đóng góp vào lộ trình tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang tích cực tham gia vào các sáng kiến Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) cũng như đã đưa ra các mục tiêu yêu cầu ở cấp độ doanh nghiệp. Hơn một nửa số doanh nghiệp đang chủ động thực hiện các giải pháp về phúc lợi nhân viên và công bằng xã hội. Đáng chú ý, 20% doanh nghiệp phân bổ hơn 5% ngân sách doanh nghiệp cho các hoạt động ESG, bao gồm thiết lập cơ cấu quản trị dữ liệu và đánh giá rủi ro. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức trong việc mở rộng và thực hiện hiệu quả các chiến lược ESG. Tầm nhìn của ban lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng và các cơ chế thị trường hiện chưa thực sự phát triển. Doanh nghiệp còn nhiều quan điểm trái chiều về cam kết ESG của Chính phủ, điều đó cho thấy Chính phủ Việt Nam cần thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp có thể mở rộng kinh doanh và đóng góp toàn diện cho xã hội cũng như nền kinh tế.
Dù gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì được sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài, đứng trong top 3 điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư. Môi trường kinh doanh ở Việt hấp dẫn nhờ bối cảnh chính trị ổn định, chi phí lao động thấp và thị trường tiêu dùng đang mở rộng, do đó, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ để tăng trưởng bền vững; tập trung nâng cao trình độ của lực lượng lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến chế tạo, sẽ thúc đẩy hình thành một môi trường kinh doanh thịnh vượng và linh hoạt. Ngoài ra, đáp ứng các yêu cầu ESG cũng sẽ là chìa khóa để tiếp tục thu hút doanh nghiệp nước ngoài.
VBF khuyến nghị, để duy trì tác động tích cực của FDI, nên áp dụng cách tiếp cận theo hai hướng. Thứ nhất, Giải pháp xanh, đầu tư xanh: Việt Nam cần tích cực thúc đẩy các giải pháp theo định hướng thị trường để bổ sung công nghệ xanh về năng lượng, quản lý chất thải và xử lý nước. Điều này nâng cao tính bền vững về môi trường và thu hút các công ty tập trung vào Sáng kiến ESG, một phân khúc đang ngày càng phát triển trong thị trường toàn cầu hóa ngày nay. Doanh nghiệp ngày càng ưu tiên các yếu tố ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Tuân thủ các tiêu chuẩn ESG là điều cần thiết để thu hút doanh nghiệp FDI đang có kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng hoạt động hoạt động hiện có. Những thay đổi về quy định pháp lý và các ưu đãi tài chính hiệu quả, như giảm thuế và trợ cấp, có thể khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài áp dụng các thông lệ phát triển bền vững toàn cầu ở Việt Nam.
Thứ hai, Đầu tư vào lực lượng lao động tương lai: tiếp tục đầu tư phát triển lực lượng lao động có ý nghĩa rất quan trọng. Nâng cao kỹ năng, đào tạo lại lực lượng lao động Việt Nam sẽ không chỉ tăng năng suất tổng thể mà còn định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm nguồn lao động có tay nghề và khả năng thích ứng. Các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò quan trọng; tuy nhiên, để phát triển bền vững về lâu dài, cách thức tuyên truyền, giáo dục phải giúp người dân đưa ra những lựa chọn phù hợp cho sức khỏe, môi trường và tài chính của họ. Quan hệ đối tác công tư, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và viện trợ quốc tế đều có thể đóng góp cho các sáng kiến phát triển lực lượng lao động. Bằng cách ưu tiên các hành động chiến lược này, Việt Nam có thể củng cố vị thế là điểm đến FDI hàng đầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và thực hiện trách nhiệm với môi trường.
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự kiện này gồm 2 nội dung là gặp gỡ doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF); thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn, gửi lời chào trân trọng, lời chúc tốt đẹp tới các đại biểu; cảm ơn các nhà đầu tư trong suốt những năm qua đã đồng hành, giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, qua các ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh “3 cùng”: thứ nhất là cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; thứ hai là cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế nói chung, tăng trưởng xanh nói riêng; thứ ba là cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Thủ tướng cho biết, tình hình có nhiều khó khăn hơn thời cơ, thuận lợi nhưng Việt Nam có sự đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân, hệ thống chính trị, đoàn kết quốc tế và đoàn kết dân tộc; càng áp lực, khó khăn thì Việt Nam càng nỗ lực; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng với Nhà nước cùng vượt qua khó khăn. Việt Nam luôn kiên định mục tiêu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, cùng với đó là nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.
Việt Nam luôn kiên định mục tiêu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, cùng với đó là nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Về mục tiêu tổng quát của năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nhanh và bền vững, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường quốc phòng-an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh nền tảng quan trọng là thúc đẩy xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình này lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; đồng thời không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn bè, đối tác tốt trên thế giới, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; thực hiện đường lối kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; kết hợp nguồn lực bên trong và bên ngoài, phát triển hài hòa, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh, tại diễn đàn WEF Davos (Thuỵ Sĩ) vừa qua có thảo luận nhiều về vấn đề tái thiết lòng tin, do đó, Việt Nam đưa ra 3 nội dung: củng cố lòng tin chiến lược giữa các quốc gia thông qua tăng cường đối thoại, thực hiện các cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, lấy đối thoại thay cho đối đầu, lấy hợp tác thay cho xung đột. Thúc đẩy cải cách, tiếp cận toàn cầu, toàn dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ nhất là trong hậu quả đại dịch Covid-19, giải quyết vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu, hạn chế xung đột… Đây đều là những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân do đó phải có cách giải quyết mang tính toàn cầu, toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tăng cường hợp tác. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, luôn làm tốt bình đẳng xã hội, an sinh xã hội.
Về quan điểm phát triển về tăng trưởng xanh, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (bao gồm: chuyển đổi số và tăng trưởng xanh) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế; kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...
Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua các cam kết, sáng kiến tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế. Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác phát triển: khái quát bằng 2 cụm từ “3 tiên phong” và “3 đẩy mạnh”.
Một là, tiên phong trong đổi mới trong nhận thức, tư duy, hành động trong tăng trưởng xanh; Hai là, tiên phong trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh; Ba là, tiên phong trong triển khai các dự án, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để phục vụ tăng trưởng xanh hướng vào làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), bổ sung động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức;
Đối với các đối tác phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh “3 đẩy mạnh” là: đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý, tham vấn chính sách cho Việt Nam; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, đột phá, xoay chuyển tình thế, tìm kiếm và kết nối với các đối tác phù hợp; chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quản trị cho Việt Nam, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trụ cột, các lĩnh vực quan trọng, mới nổi.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam cũng đề ra “3 bảo đảm”: thứ nhất là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng, bảo đảm cho doanh nghiệp FDI ổn định và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, xu thế lớn của thời đại như chống biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên; thứ hai là bảo đảm về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài; thứ ba là bảo đảm ổn định về năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hệ sinh thái về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số.
Thực hiện “3 đẩy mạnh”: thứ nhất là đẩy mạnh đột phá về thể chế, xây dựng luật pháp, các Nghị định, Thông tư phù hợp; thứ hai là đột phá về hạ tầng, gồm hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giao thông, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; đột phát về cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Thực hiện “3 tăng cường”: thứ nhất là tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng với các cấp chính quyền; thứ hai là tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, tăng cường phòng, chống tham nhũng tiêu cực; thứ ba là tăng cường sự hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hướng vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.
Theo Thủ tướng, điều quan trọng là chúng ta cùng chia sẻ, thấu hiểu, chân thành, bảo đảm lợi ích, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ với tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, ra hiệu quả.
* Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tặng một số doanh nghiệp FDI tiêu biểu.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()