Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:20 (GMT +7)
Doanh nghiệp du lịch nỗ lực tìm nguồn khách quốc tế
Thứ 6, 09/08/2024 | 07:32:02 [GMT +7] A A
Theo quy luật của thị trường đón khách quốc tế, từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau sẽ là mùa cao điểm du lịch. Để chuẩn bị cho mùa cao điểm năm nay, các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực xúc tiến quảng bá sản phẩm tới đối tác.
Tìm đối tác thị trường du lịch xa
Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Việt, cho biết, trung tuần tháng 9, Công ty sẽ cùng một số đơn vị du lịch chuyên đón khách quốc tế, tham gia Hội chợ du lịch IPTM, diễn ra từ ngày 17-19/9.
"Ban đầu, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có thông báo sẽ tổ chức đoàn, nhưng tháng 7 vừa qua lại thông báo sẽ không tham gia, nên doanh nghiệp phải tự thân vận động, bởi đây là nguồn gửi khách quan trọng từ các đối tác", ông Dương Xuân Tráng chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp du lịch đón khách quốc tế thị trường xa, việc gian hàng chung của ngành du lịch Việt Nam vắng mặt tại 2 hội chợ du lịch hàng đầu thế giới gần đây như WTM London, Anh (tháng 11/2023) và ITB Berlin, Đức (tháng 3/2024); thật sự là một khó khăn cho họ.
Gian hàng du lịch quốc gia sẽ hỗ trợ các công ty tư nhân, doanh nghiệp giảm khó khăn về mặt thủ tục và tài chính để được có mặt tại những hội chợ tầm cỡ. Theo phản ánh của doanh nghiệp du lịch Việt Nam có tham gia hội chợ ITB Berlin 2024, tại ITB Berlin 2024, hầu hết các quốc gia phát triển về du lịch tại Đông Nam Á đều có gian hàng quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Campuchia…
Một số nước không có gian hàng quốc gia là Việt Nam, Myanmar, Đông Timor… Việc không tham gia các hội chợ quốc tế của ngành du lịch VN đang khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận đơn vị gửi khách lớn từ các thị trường khách quốc tế xa trọng điểm.
Năm nay, không có gian hàng chung, nên các doanh nghiệp Việt Nam phải tự liên hệ và kết nối với nhau để tổ chức tham dự. Nhiều đơn vị không tìm được đối tác để tham gia, đã phải bỏ ra chi phí cao hoặc không thể đến được ITB Berlin. Ngoài ra, vì thiếu một concept (chủ đề) chung giữa các gian hàng, nên khó tổ chức các chương trình chung quy mô để thu hút khách từ các khu vực khác của hội chợ.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, việc vắng mặt ở WTM và ITB còn là một sự lãng phí. "Trong bối cảnh Chính phủ đã tạo thuận lợi về chính sách visa, mà ngành du lịch lại quảng bá yếu ớt tại đúng thị trường khách được miễn visa như Anh, Đức... thì quả là quá đáng tiếc", ông Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh.
Còn ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, du lịch Việt Nam đã bỏ lỡ “cơ hội vàng” khi vắng mặt tại các hội chợ du lịch lớn. Việc liên tiếp vắng mặt ở 2 hội chợ top đầu thế giới khiến chúng ta hụt hơi và có thể đã "nhường lại" các đối tác lớn cho những quốc gia khác. Như mọi năm, gian hàng chính thức của Thái Lan, Philippines hay Malaysia vẫn làm rất tốt việc thu hút khách đến tham quan. "Đối với doanh nghiệp du lịch, việc tham gia hội chợ rất quan trọng bởi liên quan đến sản phẩm trực tiếp. Do đó, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không tổ chức, doanh nghiệp vẫn phải tự vận động nhưng hiệu quả sẽ không cao bảo không có những hình ảnh điểm đến cụ thể”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận, bộ máy vận hành, điều hành của Quỹ phát triển du lịch vừa qua chưa ổn, "có tiền mà không tiêu được". Điều này tác động không nhỏ đến việc tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch, các hội chợ quốc tế lớn.
Thị trường khách quốc tế còn nhiều dư địa
Ông Lại Văn Quân, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Focus (Focustours) cho biết: Năm 2023, giá vé máy bay là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp khi thiết kế sản phẩm du lịch, do bị đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, từ khoảng giữa năm 2024, giá vé máy bay của một số tuyến quốc tế đã giảm nhiệt, tạo thuận lợi cho việc thu hút khách. Một số đoàn khách lựa chọn bay đêm, giá giảm một nửa so với trước. Đây là cơ hội cho thu hút khách quốc tế.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là tạo sản phẩm du lịch thu hút khách và đẩy mạnh quảng bá. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2024 đạt 1,15 triệu lượt, tổng số khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19.
Tuy nhiên, phân tích từng thị trường khách cho thấy, thị trường gần (khu vực châu Á) tăng mạnh nhất ,với mức tăng 57%. Động lực chính đến từ các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Các thị trường Đông Nam Á cũng đạt tăng trưởng tốt.
Từ nay đến cuối năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, tổ chức chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ..
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, mục tiêu của ngành du lịch trong năm 2024 là đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với tiềm năng của du lịch Việt Nam. Thực tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội đặt mục tiêu trên 20 triệu lượt khách trong năm nay. Cơ sở cho con số 20 triệu lượt khách là chính sách visa đã có nhiều đổi mới, dù chưa rộng bằng một số nước trong khu vực.
“Hiện Việt Nam đang miễn visa song phương cho 15 nước với thời gian lưu trú 45 ngày, nâng thời hạn visa điện tử lên tới 90 ngày và đang nghiên cứu mở rộng danh sách miễn Visa đơn phương, thí điểm cấp visa dài hạn, nhập cảnh nhiều lần... Để làm được điều này, bên cạnh truyền thông rộng rãi trên báo chí, phía ngành du lịch cần sớm có chiến lược quảng bá qua các hội chợ du lịch lớn quốc tế, bởi đây là kênh bán hàng B2B quan trọng”, ông Vũ Thế Bình đề xuất.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()