Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:21 (GMT +7)
Doanh nghiệp du lịch lại điêu đứng vì Covid-19
Thứ 5, 20/05/2021 | 06:43:52 [GMT +7] A A
Tháng 5, thời điểm bắt đầu bước vào cao điểm mùa du lịch hè, được kỳ vọng sẽ giúp ngành Du lịch tỉnh khôi phục sau 1 năm ảm đạm. Nhưng một lần nữa, ảnh hưởng của dịch Covid-19 lại khiến các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ điêu đứng.
Ngày 5/5/2021, UBND tỉnh có Văn bản hỏa tốc số 2696/UBND-DL1 về việc tạm dừng hoạt động tham quan, du lịch để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, từ 12h ngày 6/5/2021, tạm dừng hoạt động tham quan, du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch, di tích, danh thắng. Từ đó đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch tiếp tục lâm vào cảnh cạn kiệt nguồn lực.
Những khu cảng đáng lẽ sẽ vô cùng sôi động vào dịp hè, như Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, thì nay lại đìu hiu, hàng trăm con tàu nằm im lìm tại nơi neo đậu. Anh Phạm Văn Phong, Quản lý đội tàu Công ty CP Đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch Bài Thơ, cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến lượng khách vào dịp Tết sụt giảm nghiêm trọng. Tất cả đều kỳ vọng vào đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè này để anh em có công ăn, việc làm. Bởi đây là thời điểm chuẩn bị bước vào cao điểm của du lịch, học sinh, sinh viên được nghỉ, các gia đình, cơ quan cũng đi du lịch nhiều hơn. Dịp này, trung bình Vịnh Hạ Long đón hàng nghìn khách tham quan mỗi ngày, các nhà tàu chạy hết công suất để phục vụ; nhưng bây giờ, việc không có, chúng tôi phải cho gần 20 lao động tạm nghỉ, chờ đến khi tình hình ổn định mới trở lại làm.
Nhiều dịch vụ khác, như vui chơi giải trí, lưu trú tại khu du lịch Bãi Cháy, cũng trong tình cảnh phải đóng cửa. Nhiều hộ kinh doanh buộc phải tạm nghỉ bán hàng. Anh Nguyễn Duy Tân, chủ khách sạn Tân Trang, phường Bãi Cháy, chia sẻ: 3 năm trước, gia đình tôi đã đầu tư rất nhiều, vay cả ngân hàng để xây dựng nhà nghỉ này. Chưa thu hồi được vốn để trả hết nợ thì dịch Covid-19 xuất hiện, việc kinh doanh ế ẩm theo. Lượng khách không ổn định khiến nhiều nhà nghỉ, khách sạn xung quanh phải đóng cửa. Không biết khách sạn của chúng tôi còn trụ được đến bao giờ.
Đối với những khách sạn lớn, như khách sạn 4 sao Sài Gòn - Hạ Long với hơn 200 phòng, nhưng mỗi ngày khách sạn chỉ có khoảng 5-10 phòng hoạt động. Vì vậy, số lao động cũng rút từ 180 người xuống còn khoảng 20 người đi làm luân phiên. Trong khi doanh thu không có thì đơn vị vẫn phải duy trì toàn bộ hoạt động, như chi phí khấu hao, chi phí cố định, điện nước, môi trường, lương công nhân...
Thời điểm sát dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, một vài ca nhiễm Covid-19 xuất hiện khiến nhiều khách hàng hủy, hoãn tour, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp lữ hành. Theo ông Nguyễn Duy Dương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại KTV, các chuyến đi bị hủy này thường là các chuyến sát ngày, đơn vị du lịch lữ hành đã thanh toán 100% tiền cho đối tác. Đoàn ít cũng vài chục triệu, đoàn lớn thì vài trăm triệu đồng. Việc hủy tour đã khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc xoay xở hoàn tiền cho khách hàng. Với các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính thì có thể bằng nhiều cách xử lý khủng hoảng, nhưng với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thì là một thách thức, có thể phá sản.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sau đại dịch sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, phải rời bỏ thị trường. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, người lao động thì nhiều đơn vị còn chưa chạm tới được. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh doanh của các đơn vị cũng như việc làm của người lao động.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, ngành Du lịch nói riêng và các ngành kinh tế khác nói chung, còn phải đối mặt với khủng hoảng lâu dài. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần nhiều hơn nữa các chính sách đặc thù cũng như sự chung tay, đồng hành của chính quyền, để vực dậy nền kinh tế, hoàn thành “mục tiêu kép” trong năm 2021.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()