Giám đốc sản xuất một doanh nghiệp dệt may ở khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức) cho biết cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp ông phải chọn lọc đối tác để ký hợp đồng, nay chỉ có đơn hàng đến cuối tháng này.
Tương tự, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công, đơn hàng đã nhận cho quý II chỉ đáp ứng khoảng 80% năng lực sản xuất của công ty. "Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu lợi nhuận bằng năm ngoái nhưng với tình hình này rất khó để doanh nghiệp về đích", ông Tuấn nói.
Cùng trong vòng vây khó khăn, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng tình hình thị trường những tháng đầu năm rất xấu. Nhiều giá trị đơn hàng giảm 2-3%. Các doanh nghiệp trong tập đoàn cũng chỉ có hàng sản xuất đến hết tháng 4, trong khi năm trước tới tháng 12.
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP HCM - cho rằng giao dịch tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều nhà máy cho biết đơn hàng đang giảm 20-30%, đơn giá còn 80% so với trước. Nhiều công ty vẫn chưa có đơn hàng cho giai đoạn nửa cuối năm.
Lý giải thực trạng trên, ông Hiếu cho rằng do nhu cầu trên thế giới giảm 60-70%. Quy mô thị trường dự báo từ 750 tỷ USD xuống còn 712 tỷ USD, thậm chí còn 687 tỷ USD trong năm nay. Do đó, các doanh nghiệp trong tập đoàn nói riêng và toàn ngành nói chung sẽ đối diện một năm vô cùng khó khăn.
Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may năm nay. Quốc gia này đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Dẫn số liệu của Văn phòng Dệt may Mỹ cho thấy, giá trị nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc năm ngoái đạt hơn 132 tỷ USD, chiếm gần 26% thị phần - là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất cho Mỹ - theo sau là Việt Nam với 14,87% thị phần.
Trước hàng loạt rào cản và thách thức, theo ông Hồng, doanh nghiệp dệt may đang cấp tập tìm đơn hàng, chuyển đổi để chờ sự phục hồi trở lại của thị trường Mỹ. Họ liên tục tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để có thêm thị trường mới.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết thêm, công ty đang chấp nhận những đơn hàng giá gia công thấp, thậm chí lỗ để duy trì lượng khách hàng, tạo việc làm cho người lao động. "Chúng tôi kỳ vọng nửa cuối năm, thị trường phục hồi bù đắp cho nửa đầu năm", ông Tuấn chia sẻ.
Về phía Vinatex, tập đoàn đang lên kế hoạch đảm bảo dòng tiền, chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên. Tập đoàn này tiết giảm các quy trình thừa, tìm kiếm các công nghệ hiện đại để sản xuất thông minh với chi phí thấp nhưng năng suất cao.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, để ngành dệt may phát triển bền vững, ngành đang kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để giải quyết phần cung thiếu hụt, đồng thời, xây dựng các giải pháp bán hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng)...
Ông Giang cũng kỳ vọng dệt may Việt Nam có thể khởi sắc sau triển lãm lớn nhất ngành dệt may được tổ chức tại TP HCM ngày 5/4. Đây là triển lãm lớn nhất của ngành này từ trước tới nay. Triển lãm quy tụ hàng trăm gian hàng trưng bày thiết bị thông minh trên thế giới, với nguyên phụ liệu của 1.300 công ty đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguyên phụ liệu, trao đổi với đối tác về hoạt động kinh doanh; tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay RCEP.
Ngoài ra, xu hướng của người mua thế giới đã thay đổi. Họ đòi hỏi đơn đặt hàng không chỉ chất lượng cao mà phải nhanh. Do đó, doanh nghiệp phải cập nhật sớm các thiết bị đáp ứng nhu cầu của thị trường; mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa dệt may.
Theo nhiều dự báo, ngành dệt may có phục hồi nhẹ vào quý II, nhưng sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Còn với ngành sợi, thị trường vẫn ảm đạm. Giá bán sợi trên thị trường hiện ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị tăng cao.
Ý kiến ()