Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:47 (GMT +7)
Doanh nghiệp công nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất sau bão
Thứ 2, 16/09/2024 | 09:53:11 [GMT +7] A A
Sau bão, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất công nghiệp tại một số địa phương đã hoạt động ổn định trở lại, nguồn nguyên liệu đảm bảo cung cấp liên tục.
Nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh
Ở các địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Tuyên Quang…, sau khi bão đi qua, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh đã huy động nhân lực khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử như tại Công ty CP DAP-Vinachem tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), ngay sau bão, hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp đã trở lại bình thường.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc thông tin, chỉ một ngày sau bão, công ty đã được cấp điện trở lại, công nhân vẫn đi làm và toàn bộ dây chuyền sản xuất duy trì hoạt động bình thường... Trước những nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên lao động công ty, chỉ sau 03 ngày đã sản xuất ra sản phẩm.
Hay như Công ty xi măng Vicem Hải Phòng, bão số 3 đã gây thiệt hại khoảng 15-16 tỷ đồng, Nhưng với tinh thần khẩn trương nhất, toàn bộ cán bộ, công nhân lao động công ty đã được huy động làm cả thứ Bảy, Chủ nhật để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Ngày 11/9, công ty đã xuất trở lại những lô xi măng đầu tiên sau bão, mỗi ngày công ty xuất 6.000 tấn hàng hóa cung ứng cho thị trường. Cùng với đó, công ty khẩn trương khắc phục hư hỏng thiết bị, nhà xưởng, tổ chức sấy lò, bắt tay ngay vào sản xuất và ngày 15/9 bắt nhịp tiến độ sản xuất kịp thời.
Hiện nhiều nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy chế biến phía Bắc cũng có nguy cơ gián đoạn do một phần lớn đã bị cuốn trôi. Nhiều cơ sở đang lên phương án điều chỉnh nhịp độ sản xuất, điều phối với các đầu mối phía Nam chia sẻ nguyên liệu, thậm chí là chia sẻ đơn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường cao điểm cuối năm.
Một số doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Long Bình An (TP. Tuyên Quang) như: Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang, Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty TNHH MTV Seshin VN2, Công ty TNHH MSA YB... không bị ảnh hưởng trực tiếp do trận lũ lụt vừa qua nhưng đã chủ động phát đi thông báo tới toàn thể cán bộ, công nhân. Các công ty đã linh hoạt cho phép công nhân sinh sống trong vùng ngập lụt tạm nghỉ việc, đảm bảo an toàn cho đến khi tình hình ổn định và họ có thể quay lại làm việc.
Công ty TNHH Suntel Vina tại khu công nghiệp Đại An mở rộng thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Doanh nghiệp đang tập trung hoàn thành trên 10 đơn hàng. Bão số 3 làm tốc trên 400 m2 mái nhà xưởng. Hầu hết các bộ phận sản xuất đều phải sắp xếp lại để bảo đảm duy trì hoạt động. Doanh nghiệp phấn đấu cao nhất để không ảnh hưởng nhiều đến việc làm của hơn 300 người lao động, bảo đảm tiến độ, kế hoạch cung ứng hàng hóa cho thị trường, bàn giao sản phẩm đã ký kết với đối tác từ đầu năm.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, ngay sau bão, Ban đã tổ chức kiểm tra tình hình thiệt hại tại các khu công nghiệp trong tỉnh và nắm bắt tình hình ngập nước. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng chủ động có phương án phòng, chống lũ, không chủ quan, lơ là trước tình hình bão lũ gây ra. Ban đã đề nghị ngành điện tích cực phối hợp các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp có dự án trong khu công nghiệp khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất.
“Trợ lực” cho sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm
Để khôi phục sản xuất kinh doanh, ngay sáng nay ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng “Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân.
Về phía Bộ Công Thương đã tập trung các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kịp thời cập nhật kịch bản tăng trưởng lạm phát mới. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu thế tăng giá trong thời gian sau bão như lương thực thực phẩm, vật tư nguyên liệu sửa chữa nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm và tiêu dùng. Khai thác tối đa các thị trường truyền thống và tiếp tục khai mở thị trường mới theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Trao đổi với Báo Công Thương về giải pháp “giữ nhịp” tăng trưởng công nghiệp trong những tháng cuối năm và năm 2025, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp trong nước, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
“Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường khu vực, thế giới, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước”- ông Phạm Tuấn Anh nêu.
Ngoài ra, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. Quan trọng là các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()