Tại hội nghị phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày 13/2, Tổng giám đốc Nguyến Thế Mạnh cho biết, tiền chậm đóng phải tính lãi gần 14.100 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tăng cường thanh kiểm tra với doanh nghiệp chưa đăng ký đóng hoặc đóng BHXH không đầy đủ, chậm đóng từ ba tháng trở lên. Những công ty cố tình trốn đóng sẽ bị lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Thực tế, việc chậm đóng BHXH đang xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do cố tình chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH. Doanh nghiệp thường né tránh cán bộ Bảo hiểm xã hội nhưng mang tiền nộp ngay khi có công an cùng thanh kiểm tra. Nhiều đơn vị phân bua "chưa kịp đóng chứ không phải cố tình chậm hay trốn". Việc khởi tố tội danh trốn đóng BHXH cũng vướng mắc về chính sách, thẩm quyền.
Đầu tháng 2, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết cho hơn 206.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH. Họ là lao động trong gần 30.000 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn, nợ đọng nhiều năm với số nợ BHXH khoảng 3.500 tỷ đồng (đến tháng 9/2022) và hầu như không thể thu hồi.
Năm 2022, cả nước có khoảng 17,5 triệu người đóng BHXH, chiếm 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 950.000 người so với năm 2021. Trong đó, 16 triệu người đóng BHXH bắt buộc và gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
So cùng kỳ, Bắc Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ và Hòa Bình bị giảm số người tham gia BHXH bắt buộc, từ 0,1 đến 2,5%. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị mất đơn hàng, phải cắt giảm việc làm khiến thu nhập lao động sụt giảm. Đời sống người dân sau ba năm chịu tác động của đại dịch còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng mạnh đến việc mở rộng người tham gia BHXH.
Ý kiến ()