Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:40 (GMT +7)
Doanh nghiệp cần trợ lực để phục hồi
Thứ 2, 13/02/2023 | 10:17:32 [GMT +7] A A
Việc triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, phát triển bền vững.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến nay, phần lớn các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Không để doanh nghiệp mất động lực
Bước sang năm 2023, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng những khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên trong và bên ngoài; sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát ngày càng tăng cao.
Trong số những yếu tố khó khăn được nêu ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến thực trạng từ cuối năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp đình trệ, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động trong khi lãi suất tăng cao, khó tiếp cận vốn. Những khó khăn của khu vực sản xuất, kinh doanh sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi cơ quan điều hành phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Đây cũng chính là mong mỏi hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chia sẻ: Thị trường du lịch đang phục hồi mạnh mẽ nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Dự kiến trong điều kiện thuận lợi, phải đến năm 2025 ngành du lịch mới có thể phục hồi như giai đoạn trước đại dịch, còn nếu tiếp tục suy thoái thì sẽ khó khăn hơn.
Nhu cầu vốn đối với ngành du lịch luôn là vấn đề cấp thiết trong khi việc tháo gỡ những điểm nghẽn trong thủ tục triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng việc triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP phải ra được sản phẩm cụ thể, có các giải pháp tháo gỡ khó khăn hằng ngày, hằng giờ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cho rằng lãi suất cho vay trung, dài hạn hơn 10% thì doanh nghiệp “không có cửa” để đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có lộ trình kéo giảm lãi suất cho vay dài hạn trong sáu tháng tới để kích thích đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó cũng cần chính sách, cơ chế đột phá khác để đồng hành, chia sẻ áp lực với doanh nghiệp.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, đây là bài toán đầy thách thức, lãi suất cao thì doanh nghiệp không “sống” được nhưng nhiều trói buộc, nhiều điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất. Do đó, cần cách tiếp cận rất cơ bản cho hệ thống thị trường tài chính cũng như cần giải pháp từ thể chế để cân bằng lại các thị trường. Chính sách hỗ trợ cần được thay đổi theo hướng dễ tiếp cận hơn nhằm trợ lực cho sản xuất, kinh doanh, không để doanh nghiệp mất động lực.
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Một trong những điểm nghẽn hiện được nhiều doanh nghiệp đề xuất là các ngân hàng thúc đẩy cho vay tín dụng thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm và cho vay năm lĩnh vực ưu tiên, gồm xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội vay vốn, tiếp tục phát triển.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi”; một số hộ kinh doanh lại không có đăng ký kinh doanh...
Trong văn bản góp ý về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, vấn đề khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra một phần nguyên nhân là do các quy định về kiểm tra và giám sát chưa thật sự rõ ràng. Vì vậy, minh bạch hóa các quy định, quy chế trong cho vay hỗ trợ lãi suất chính là tạo điều kiện cao nhất giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ.
Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có thể trồi sụt do yếu tố chủ quan và khách quan tác động từ bên ngoài, cần gia tăng nguồn lực để hỗ trợ phát triển nhưng thể chế mới là yếu tố quyết định sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.
Thực tế đã cho thấy, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thể chế. Cải cách thể chế là nền tảng quan trọng của tăng trưởng, giải phóng được thể chế sẽ khơi thông được nguồn lực, tận dụng thị trường vốn. Từ năm 2020 đến nay, cải cách thể chế đang chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác dù yêu cầu này luôn đặt ra cấp bách.
Trong cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu. “Hiện tại môi trường cạnh tranh Việt Nam đang ở mức trung bình, chúng ta phải tăng trưởng cao bằng chất lượng môi trường kinh doanh, không khai thác tối đa nguồn lực. Cần cải thiện môi trường kinh doanh thông qua tiếp tục cắt giảm một cách thực chất và có hiệu quả điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số; sửa đổi Luật Đất đai và một số luật khác để giảm sự chồng chéo, xung đột. Về phía doanh nghiệp, cũng đến lúc tự nâng cao chất lượng, đổi mới sáng tạo để hướng đến môi trường kinh doanh, cạnh tranh cao hơn”, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhận định.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()