Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:17 (GMT +7)
Doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ
Thứ 3, 15/10/2024 | 10:53:14 [GMT +7] A A
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là sau cơn bão số 3. Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất, tái thiết kinh tế.
Cùng với ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, tỉnh đã thành lập tổ công tác xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau bão số 3 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, đồng thời, phấn đấu xây dựng hoàn thành Đề án trong năm 2024. Tỉnh cũng thành lập Tổ công tác xây dựng chính sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh; tổ chức các cuộc họp làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các ngân hàng bàn giải pháp xử lý nợ cho doanh nghiệp, người dân, giải pháp tiêu thụ gỗ rừng trồng bị gãy đổ, giải pháp hỗ trợ cho người dân sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi biển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ tàu du lịch…, các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2762/UBND-KTTC (ngày 21/9/2024) báo cáo đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan sớm nghiên cứu, tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng, đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề ngoài các nội dung tại Nghị quyết số 143/NQ-CP (ngày 17/9/2024) của Chính phủ về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Trong đó, khoanh nợ cho các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng, cơ chế về cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản đảm bảo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh một phần chi phí trục vớt, khắc phục thiệt hại phương tiện thủy bị chìm, đắm… Tỉnh Quảng Ninh cam kết triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai theo hướng dẫn của trung ương với mức tối đa.
Thực hiện chỉ đạo của trung ương và tỉnh, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, như: Ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 5,5% cho khoản vay mới; miễn phí trả nợ trước hạn; giảm từ 0,5-2% lãi suất/năm cho khoản vay hiện hữu... giúp doanh nghiệp ổn định tài chính, tái đầu tư và tái thiết hoạt động sản xuất. Tính đến hết 30/9, dư nợ vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 192.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó, dư nợ cho vay thành phần kinh tế nhà nước đạt 22.815 tỷ đồng, chiếm 12%; dư nợ cho vay thành phần kinh tế ngoài nhà nước đạt 167.313 tỷ đồng, chiếm 76,8% tổng dư nợ, tăng 7,4% so với 31/12/2023; dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt 43.589 tỷ đồng, tăng 1,9% so với 31/12/2023.
Chị Vũ Nhật Dung, Giám đốc Công ty CP Agritech (TP Hạ Long) chia sẻ: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đơn vị bị ảnh hưởng rất nặng nề sau bão. Toàn bộ nhà lưới, khu vực cấy giống, nhà thí nghiệm… bị hư hỏng. Đơn vị được Agribank kịp thời điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất đối với khoản vay hiện hữu. Đồng thời, hỗ trợ tối đa để đơn vị tiếp cận với khoản vay bổ sung từ 1-2 tỷ đồng có lãi suất ưu đãi để tái sản xuất kịp thời đảm bảo có các loại hoa lan phục vụ cho nhu cầu của thị trường Tết năm nay.
Vốn được xác định là nguồn sống của doanh nghiệp. Thế nhưng, sau cơn bão số 3, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là thiếu vốn để tái đầu tư, xây sửa lại cơ sở vật chất, phục hồi sản xuất.
Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên) cho biết: Nguồn vốn được xác định là mạch máu của doanh nghiệp. Cơn bão số 3, đơn vị tôi bị thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng. Mặc dù được các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu song những gánh nặng về tài chính đối với đơn vị vẫn còn rất lớn. Việc xây sửa cơ sở vật chất tại khu vực NTTS từ ao đầm, nhà lưới, điện, đường, nhà cửa… cần số tiền không nhỏ. Do đó, đơn vị mong muốn trung ương sớm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên giãn, hoãn và khoanh nợ; nhanh chóng có các hướng dẫn, quy định, chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết 143/NĐ-CP (ngày 17/9/2024) về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ông Bùi Huy Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Nhật Long (TP Hạ Long) chia sẻ: Từ sau cơn bão số 3 đến nay, đơn vị nỗ lực khắc phục cơ sở vật chất của 10 trong tổng số 60 ao nuôi tôm. Tranh thủ điều kiện thời tiết ấm áp, khắc phục đến đâu, đơn vị thả giống đến đó. Tuy nhiên, do thiếu vốn, nhân lực… nên lượng tôm giống được thả đạt 30% kế hoạch. Hiện, đơn vị được các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hiện hữu; thực hiện các thủ tục vay trên 1 tỷ đồng vốn bổ sung. Đơn vị mong muốn, trung ương và ngân hàng sớm xem xét tháo gỡ các điều kiện cho vay không có tài sản đảm bảo, đồng thời, nâng hạn mức đối với khoản vay này để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tái đầu tư, ổn định sản xuất, phục hồi sau bão.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()