Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:49 (GMT +7)
Doanh nghiệp băn khoăn với sản xuất "3 tại chỗ"
Thứ 7, 31/07/2021 | 23:09:00 [GMT +7] A A
Sau một tháng thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, một số doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh dù cố gắng tối đa để bảo đảm quy trình phòng, chống dịch bệnh tại nhà máy nhưng vẫn phập phồng, lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Cách đây một tháng, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã thực hiện "3 tại chỗ" ở nhà máy với 1.500 người lao động tham gia, quy trình phòng dịch Covid-19 cũng được tuân thủ chặt chẽ.
Thời điểm này, mỗi ngày công ty đã giết mổ cung ứng ra thị trường khoảng 1.200 - 1.500 con heo (tương đương sản lượng 85 -105 tấn), tăng từ 2 - 2,5 lần so với bình thường chưa thực hiện giãn cách, chiếm 28,6% sản lượng heo giết mổ trên toàn thành phố.
Thế nhưng mới đây, ngày 24/7, Vissan công bố đã phát hiện 43 ca F0 dương tính với SARS-CoV-2 trong khu vực sản xuất thịt heo. Sau đó, các ca F0 tại DN có xu hướng tăng lên nên DN đã đưa hai phương án khắc phục.
Phương án một, công ty sẽ đưa toàn bộ các trường hợp F0 đi cách ly tập trung theo quy định. Các nhân sự còn lại sẽ thực hiện xét nghiệm sàng lọc và sau khi có kết quả âm tính, công ty sẽ bố trí các nhân sự này vào các khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để tiếp tục sản xuất.
Phương án hai là đề xuất dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nếu đưa các ca F1 về địa phương sau khi xét nghiệm âm tính và tiến hành cách ly các đối tượng F2 (không được sản xuất) cho đến khi các lao động này hết thời gian cách ly, đủ điều kiện quay trở lại làm việc.
DN này cho biết, sẽ cần từ 3-4 tuần để thực hiện các công tác dịch tễ, thực hiện khử khuẩn phòng dịch.
Hậu quả của rủi ro này là toàn bộ lực lượng lao động thuộc các đối tượng F1 và F2 (đặc biệt tại các đơn vị sản xuất) của DN gần như bị tê liệt, công ty phải giảm lượng thịt heo giết mổ xuống còn 500-700 con/ngày, chỉ cung cấp heo mảnh, ngừng cung cấp mặt hàng chủng loại, hàng đóng khay đến hệ thống các siêu thị, các điểm bán hàng.
“Với đặc thù của ngành thực phẩm, nhân viên phải tiếp xúc rất nhiều với bên ngoài, phát sinh hàng đổi trả nên kẽ hở dịch bệnh xâm nhập là điều khó tránh khỏi”, đại diện lãnh đạo Công ty Vissan nhận định.
Và sự việc xảy ra đang là nỗi lo lắng không chỉ của Vissan mà của nhiều DN đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Thực hiện “3 tại chỗ” ngay từ thời điểm đầu, Công ty TNHH Nidec Servo đóng tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức lựa chọn phương án “an toàn” nhất có thể khi chốt số công nhân vào nhà máy chiếm khoảng 1/5-1/6 số lượng công nhân trước đó (200/1.600 công nhân).
Ban giám đốc công ty cho biết, mặc dù công ty đăng ký với Khu công nghệ cao là 500 công nhân tham gia sản xuất “3 tại chỗ” nhưng hiện nay công ty chỉ khống chế cho 200 công nhân vào nhà máy.
Ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Theo chúng tôi, lượng công nhân sản xuất, ăn nghỉ tại chỗ chỉ khoảng 20% trở xuống so với trước là vừa, như vậy mình sẽ quản được sinh hoạt, hoạt động của họ nếu đông quá sẽ rủi ro vì quá tải. “Nhìn vào các DN “3 tại chỗ” đã xảy ra các ca F0 làm lây lan nhanh ở địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai là bài học của việc số công nhân vào phân xưởng quá đông, nếu phát hiện ca nhiễm rất khó xoay trở…”, ông Hùng chia sẻ.
Hiện Công ty TNHH Nidec Servo áp dụng quy trình kiểm tra phòng dịch với người lao động rất chặt chẽ: 3 ngày test nhanh một lần, 1 tuần test PCR 1 lần để có kết quả đáng tin cậy. Đồng thời, công ty thường xuyên theo dõi, nắm bắt sinh hoạt, ăn ngủ của công nhân để nhắc nhở, chấn chỉnh nếu có dấu hiệu sao nhãng, không thực hiện giãn cách và tuân thủ 5k.
Theo Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh có 902 DN thực hiện phương án” 3 tại chỗ”, vừa sản xuất, vừa cách ly với 10.236 người lao động ở lại DN duy trì sản xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, phương án “3 tại chỗ” chỉ phù hợp nếu thực hiện từ rất sớm, lúc tình hình dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp; địa điểm sản xuất “3 tại chỗ” phải rộng rãi, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất và môi trường cách ly hoàn toàn với bên ngoài.
Ghi nhận thực tế cho thấy, các nhà máy, DN thực hiện "3 tại chỗ" khi phát hiện F0 thường lúng túng khi xử lý công tác khoanh vùng, cách ly; nhất là việc chờ lực lượng y tế địa phương hỗ trợ kiểm tra tình trạng ca nhiễm, đưa ca bệnh đi cách ly…
Ngoài ra, khi thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, không ít DN trên địa bàn thành phố đã để phát sinh các ca F0 tại các khách sạn, nhà nghỉ khi thuê chỗ ở cho công nhân. Vì vậy, việc đưa công nhân từ khách sạn đến nhà máy làm việc mà không kiểm soát hết được sinh hoạt, ăn ngủ tại “điểm đầu” để phát sinh ca bệnh rồi lây nhiễm ở “điểm cuối” cũng chính là trăn trở của nhiều DN hiện nay.
Đó là chưa kể, nhiều DN đã phải tốn chi phí không nhỏ cho việc thuê chỗ ở tại khách sạn, phương tiện chuyên chở cho công nhân theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” mà hiệu quả sản xuất lại không cao.
Ngoài ra, một số DN cũng phản ánh việc chậm thẩm định phương án “3 tại chỗ” của các cơ quan có thẩm quyền khi DN tăng thêm số lượng công nhân đang là một thực tế cần được tháo gỡ.
Ban giám đốc Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) cho biết, hiện công ty có 500 công nhân đăng ký tham gia sản xuất “3 tại chỗ”. Ngoài ra, công ty còn có khoảng 650 công nhân đăng ký tham gia nhưng chưa thể cho vào nhà máy vì Ban quản lý Khu công nghệ cao chưa thẩm định và phê duyệt phương án tổ chức sản xuất cho số công nhân phát sinh thêm.
Trước đó, công ty đã thuê khách sạn cho 650 công nhân ăn, ở chờ được vào nhà máy nếu đủ điều kiện về sức khoẻ, đáp ứng điều kiện “1 cung đường, 2 điểm đến”.
“Việc chậm phê duyệt phương án “3 tại chỗ” cho số công nhân bổ sung đã khiến DN phải chi trả chi phí thuê chỗ ở, ăn uống và các chi phí dịch vụ đi kèm vài trăm triệu mỗi ngày. Việc này kéo dài sẽ tổn thất lớn cho DN do đó các cơ quan chức năng cần thẩm định, trả lời sớm để DN không rơi vào tình thế bị động, lúng túng”, đại diện Ban giám đốc công ty kiến nghị.
Liên quan đến doanh nghiệp “3 tại chỗ” trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mới đây, Tổ công tác Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại Công ty TNHH Acecook Việt Nam (khu công nghiệp Tân Bình, phường Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).
Sau khi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại Công ty Acecook Việt Nam, Tổ công tác Bộ y tế đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị: Tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ, nhóm (dưới 30 người) từ nơi sản xuất đến nơi ăn, ở; bố trí khu vực sản xuất riêng biệt theo nhóm không quá 30-50 người/ khu vực.
Riêng đối với khu vực lưu trú tại khu nhà xưởng 2 tầng bên ngoài khu vực sản xuất cần lắp đặt thêm các vách ngăn để ngăn cách khu vực ở theo phân xưởng, tổ, nhóm (30-50 người lao động cùng làm việc ở khu vực sản xuất); hạn chế sử dụng điều hòa, tốt nhất dùng thông khí tự nhiên tại khu vực lưu trú tập trung.
Chia ca, chia tổ, nhóm theo phân xưởng/bộ phận (30-50 người) sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh riêng. Tốt nhất nên lắp đặt, trang bị thêm nhà vệ sinh, nhà tắm nếu có điều kiện.
Quản lý chặt chẽ người lao động đã đăng ký ở lại nơi lưu trú tập trung theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tránh tình trạng mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào công ty.
Xây dựng bổ sung quy trình quản lý với đối tượng lái xe, giao nhận hàng, bộ phận bán hàng… bảo đảm các nhóm này không tiếp xúc trực tiếp với người lao động khác.
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch, phương án để bổ sung, thay thế người lao động. Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch Covid-19 trong doanh nghiệp. Đề nghị công đoàn công ty thường xuyên quan tâm, động viên, chăm lo đời sống cho người lao động. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đại diện Tổ công tác, TS.BS Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty Acecook Việt Nam, nhìn chung doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp bảo đảm an toàn; bảo đảm điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động. Tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ, nhóm (30-50 người lao động) từ nơi sản xuất đến nơi ăn, nơi ở để tránh lây nhiễm tréo khi có trường hợp nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần quản lý chặt hơn nữa người lao động để không giao lưu với bên ngoài, tránh nguồn lây. Bố trí những người có nguy cơ cao (bảo vệ, lái xe, người giao hàng, người bán hàng) ở riêng 1 khu vực không tiếp xúc với người lao động tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Ngoài ra, cần có phương án thay thế lao động đúng quy định tránh hiện tượng đưa những người lao động bị nhiễm Covid-19 vào doanh nghiệp.
Cũng theo TS, BS Nguyễn Đình Trung, trong thời gian vừa quan nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” đã phải xin dừng hoạt động vì không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vì chỗ ăn, ngủ, vệ sinh không bảo đảm, thiếu hụt nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng… Tuy nhiên cần động viên đối với một số đơn vị đủ điều kiện thực hiện 3 tại chỗ để người lao động có việc làm và không ảnh hưởng đến sản xuất.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()