Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:02 (GMT +7)
Đoàn giám sát Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm việc với TP Hạ Long và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
Thứ 4, 05/07/2023 | 19:31:28 [GMT +7] A A
Ngày 5/7, tại TP Hạ Long, Đoàn giám sát Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP Hạ Long, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) giai đoạn 2020-2022. Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, trưởng đoàn, chủ trì buổi làm việc.
Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Đại tá Lê Nhật Thành, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Về phía khách mời, có sự tham gia của Thiếu tướng Huỳnh Thới An, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC& CNCH, Bộ Công an.
Về phía tỉnh Quảng Ninh, tham dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh Quảng Ninh, đại diện, lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo TP Hạ Long.
Giai đoạn 2020-2022, TP Hạ Long đã nghiêm túc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH). Trong đó thường xuyên chỉ đạo lực lượng Công an thành phố theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc việc triển khai của từng cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn an toàn về PC&CC theo quy định; kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục dứt điểm các sơ hở tồn tại thiếu sót về PCCC; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC.…
Đồng thời thành phố cũng đã xây dựng lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC. Hiện toàn thành phố có 243 đội dân phòng với trên 2.500 đội viên (100% thôn, khu phố đều có một đội dân phòng); 812 đội PCCC cơ sở với gần 4.400 đội viên. Những lực lượng này đã đóng vai trò nòng cốt trong công tác PCCC tại cơ sở khi có tới 203 sự cố cháy nhỏ được lực lượng nói trên dập tắt từ khi mới phát sinh, không gây cháy lớn.
Giai đoạn 2020-2022, thành phố đã xây dựng 33 mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC”, 28 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 48 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; 42.500 hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy, trên 63.000 hộ gia đình được tập huấn kỹ năng PCCC&CNCH.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC, thành phố đã thành lập 11 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện về công tác PCCC&CNCH. Qua đó đã kiểm tra trên 17.500 lượt cơ sở, tiến hành xử phạt VPHC đối với 439 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 22 trường hợp.
Với những giải pháp trên, số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra đã giảm đáng kể, góp phần đảm bảo ANTT và ATXH trên địa bàn thành phố. Cụ thể là từ năm 2020 đến hết 2022, toàn thành phố xảy ra 58 vụ cháy, gây thiệt hại trên 16 tỷ đồng (giảm 11 vụ so với năm 2019, thiệt hại về tài sản giảm trên 1,3 tỷ đồng).
Tuy nhiên với tốc độ phát triển KT-XH và đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, TP Hạ Long vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn về PCCC, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quy hoạch và có chiến lược phát triển lâu dài. Trong đó cần chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng về PCCC&CNCH.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý một số nội dung về công tác PCCC đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, karaoke, nhà xưởng, trường học, chợ… Qua đó, làm rõ những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, giải pháp khắc phục trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội trong thời gian tới.
Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, các thành viên trong Đoàn giám sát đều khẳng định, với một địa phương là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh có dân số đông, diện tích lớn, gần 6.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nhưng các vụ cháy, nổ trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt, chỉ xảy ra số lượng ít các vụ việc cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của thành phố. Nhất là trong xây dựng chiến lược, dự án, kế hoạch, giải pháp về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; công tác tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra, bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị địa phương và các doanh nghiệp làm rõ hơn những vướng mắc, bất cập từ quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay đối với việc khắc phục các công trình đã đưa vào hoạt động mà chưa tuân thủ quy định về PCCC; có những đề xuất, kiến nghị cụ thể về pháp luật và tổ chức thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội và Nghị quyết 32/2021 của HĐND tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự vui mừng khi Đoàn giám sát lựa chọn làm việc tại Quảng Ninh để chính quyền, doanh nghiệp của tỉnh được nói lên tiếng nói của mình trong triển khai công tác PCCC. Đồng thời khẳng định: Kể từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2019/QH14, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC. Để công tác PCCC trên địa bàn TP Hạ Long nói riêng, của tỉnh nói chung tiếp tục đạt hiệu quả cao, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP Hạ Long cần tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Đoàn giám sát để cung cấp đầy đủ thông tin cho Đoàn. Đồng thời, TP Hạ Long và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cần làm rõ các kiến nghị, vướng mắc, bất cập cụ thể trong các quy định của pháp luật để Đoàn có những căn cứ từ thực tiễn.
Kết luận cuộc làm việc, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh: Mục đích buổi làm việc của Đoàn giám sát là được lắng nghe những câu chuyện từ thực tế, từ đó có thêm thông tin, làm cơ sở quan trọng đánh giá toàn diện tình hình thực hiện các quy định về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PC&CC giai đoạn 2020-2022 của các địa phương. Do đó, đề nghị địa phương tiếp thu ý kiến của các thành viên trong Đoàn giám sát, có báo cáo chi tiết nhất về từng lĩnh vực và đối chiếu thực trạng, vướng mắc của từng cơ sở với các quy định của pháp luật; nhanh chóng khắc phục các nguy cơ gây cháy, nổ đã được nhận diện và chỉ rõ. Nội dung báo cáo cần mang tính xây dựng, hợp tác, giúp cho nhà quản lý nhận diện được những ưu điểm cũng như hạn chế của các quy định.
Đồng thời, Công an tỉnh cần tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp để hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn từ khâu thiết kế cho đến nộp hồ sơ, thẩm định, thẩm duyệt hồ sơ… đảm bảo doanh nghiệp làm đúng, đủ ngay từ đầu; cần đổi mới hình thức tuyên truyền và gắn với từng đối tượng để toàn dân hiểu rõ, hiểu sâu về công tác PCCC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với cán bộ trong ngành về công tác quản lý và với các doanh nghiệp thực hiện tư vấn thiết kế, nhà thầu trong lĩnh vực PCCC.
Ngay sau buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng đã đi kiểm tra thực tế công tác PCCC của các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Trước đó, ngày 4/7, Đoàn giám sát Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP Móng Cái về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()