Tất cả chuyên mục

Chiều 19-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật thú y; tiếp đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật tạm giữ, tạm giam.
Tham gia phát biểu thảo luận Đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá dự án luật luật tạm giữ, tạm giam được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung của luật thể hiện tinh thần, những đúc kết từ 16 năm thực hiện quy chế tạm giữ, tạm giam, phù hợp với những quy định của Hiến pháp 2013 và tiếp thu, tham khảo những kinh nghiệm của nước ngoài, đồng thời đại biểu đóng góp một số nội dung cụ thể:
![]() |
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận. |
Về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, trong quy định của luật có quy định người bị tạm giữ, tạm giam là người đang bị áp dụng biện pháp ngăn chăn, họ phải chịu sự quản lý, cách ly trong một thời hạn theo quy định của pháp luật, trong thời gian bị quản lý tạm giữ, tạm giam họ bị hạn chế quyền tự do đi lại, tự do giao dịch, tự do tiếp xúc và thông tin liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, trường hợp cần thiết phải được thực hiện giao dịch dân sự hợp pháp phải thông qua luật sự hoặc người đại diện theo pháp luật của mình và phải được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý. Tuy nhiên, theo Điều 3, ngoài đối tượng là người bị kết án phạt tù hoặc tử hình, thì những bị can, bị cáo và những người đang bị tạm giam, tạm giữ khác chưa bị tòa án tuyên là có tội. Do đó, họ chưa phải là tội phạm, chưa mất quyền công dân, nên quy định của dự thảo luật cần bảo vệ quyền con người và cả một số quyền cơ bản của công dân là cần thiết. Đồng thời, cần tách riêng quyền và nghĩa vụ của 2 nhóm đối tượng nêu trên.
ĐB cũng đề nghị trong quy định của pháp luật cũng cần có những quy định về điều kiện cụ thể để đảm bảo tính nhân đạo đối với những người bị tạm giam, tạm giữ là phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, người chưa thành niên, người khuyết tật. Để đảm bảo ổn định, phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ, của người vị thành niên, của người yếu thế để khi trở về hòa nhập với cộng đồng không mang những tổn thất tinh thần quá lớn, ảnh hưởng đến hành vi, nhân cách, khả năng phát triển và sự đóng góp lành mạnh cho xã hội.
Về nguyên tắc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam (Điều 4), ĐB tán thành với 7 nguyên tắc được quy định tại Điều 4 về chế độ tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, ngoài các nguyên tắc tuân thủ hiến pháp và pháp luật, đảm bảo các lợi ích của nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. ĐB đề nghị bổ sung thêm cụm từ "phù hợp với điều ước quốc tế" mà Việt Nam là thành viên hoặc đã thỏa thuận hoặc ký kết để có thể thực hiện việc tạm giữ, tạm giam đối với cả các đối tượng là người nước ngoài.
Về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam. Tại Khoản 1, Điều 10 quy định cơ quan quản lý gồm các cơ quan thuộc Bộ công an, Bộ quốc phòng và hệ thống cơ sở giam giữ. Tại Khoản 2, Điều 10 giam giữ tại trại giam công an tỉnh, thành phố, trại giam cấp quân khu và tương đương trong quân đội. Nhà tạm giữ công an cấp huyện, nhà tạm giữ cơ quan điều tra hình sự khu vực trong quân đội nhân dân. Buồng tạm giữ của đồn biên phòng biên giới, hải đảo xa. Trung tâm hành chính cấp huyện. Như vậy, để phù hợp với 2 khoản nêu trên về cơ quan quản lý và cơ sở tạm giữ, tạm giam. ĐB đề nghị bổ sung vào Khoản 6, Điều 12 về tiêu chuẩn, trình độ của Giám thị, Phó giám thị, Chính trị viên, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng là người tốt nghiệp trình độ Đại học cảnh sát, Đại học an ninh, Đại học luật. Nếu chỉ quy định ở các đại học cứng như vậy, cứng về trình độ và tên trường như trong dự thảo thì khi người có trình độ đào tạo tương đương ở nước ngoài hoặc các môi trường đào tạo khác như Học viện biên phòng, Học viện quân sự thì khó áp dụng theo quy định của luật. Mặt khác, tại Khoản 4, Điều 12, trong dự thảo luật chỉ có một điểm, do đó đề nghị Ban soạn thảo dự án luật cần xem xét lại cách diễn đạt của Khoản 6, Điều 12 cho thật phù hợp, chính xác. Bởi trong dự thảo nêu Điểm b, Khoản 4, Điều 12 là không có.
Bùi Xuân Ninh (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Ý kiến ()