Tất cả chuyên mục

Ngày 17/6/2015, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), cùng tham gia phát biểu thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh có đại biểu Trân Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội.
![]() |
Đại biểu Trần Xuân Hòa, Ủy viên ủy ban kinh tế của Quốc hội phát biểu. |
Đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) công phu, nghiêm túc, bài bản và khoa học. Việc tổ chức 63 Hội nghị tư pháp liên ngành tại 63 địa phương là rất cần thiết, nhằm lắng nghe đầy đủ ý kiến của các ngành tố tụng ở địa phương để giải quyết vướng mắc cho thực tiễn. Xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự phải quán triệt đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiến bộ vừa được ghi nhận trong Hiến pháp, nhất là nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo yêu cầu của nguyên tắc này: cho đến khi chưa có bản án kết tội bị cáo có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội vẫn là người vô tội; các cơ quan tố tụng phải đối xử với họ như người chưa có tội, đặc biệt, phải tạo điều kiện thuận lợi để họ thực hiện quyền bào chữa, gỡ tội. Nghiên cứu dự thảo, đại biểu Trần Xuân Hòa nhận thấy Ban soạn thảo đã quán triệt và thể hiện tốt nguyên tắc này; đồng thời tham gia một số vấn đề cụ thể:
Một, về nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng trong xét xử”, đồng tình cao với dự thảo trong việc thể hiện nguyên tắc hiến định, bảo đảm tranh tụng trong xét xử và nhấn mạnh thêm một số nội dung: Nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử là chủ trương quan trọng của cải cách tư pháp, bắt đầu được đề ra từ Nghị quyết số 08 ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ chính trị; tiếp tục được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 49 ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghị quyết số 49 còn xác định rõ tranh tụng là khâu đột phá của cải cách tư pháp. Đặc biệt Hiến pháp năm 2013 đã chính thức ghi nhận bảo đảm tranh tụng trong xét xử là một nguyên tắc của tố tụng hình sự (tại Điều 103).
Hai, triển khai các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 thời gian qua đã có nhiều công trình, đề tài, đề án được thực hiện để đề xuất cụ thể về tranh tụng. “Tranh tụng trong xét xử” không chỉ là thủ tục tranh luận tại phiên tòa. Hiểu một cách khái quát nhất, tranh tụng trong xét xử là nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các bên trong quá trình chứng minh về vụ án; trao cho luật sư, bị can, bị cáo các cơ hội để chứng minh bào chữa gỡ tội.
Ba, dự thảo đã nhận đúng và thể hiện chính xác nguyên tắc này, cụ thể là:
Thứ nhất, bổ sung vào hệ thống các nguyên tắc cơ bản tại Chương II nguyên tắc mới, đó là “Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử “ (tại Điều 13).
Thứ hai, ngoài cơ quan tố tụng có quyền thu thập chứng cứ như hiện nay, đã bổ sung người buộc tội và người bào chữa cũng có quyền thu thập cung cấp chứng cứ.
Thứ ba, quy định người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan tố tụng thu thập.
Thứ tư, đổi mới trình tự và trách nhiệm xét hỏi nhằm thực hiện phiên tòa tranh tụng theo đó trách nhiệm xét hỏi trước tiên phải thuộc về Kiểm sát viên (cơ quan buộc tội) thay vì do Hội đồng xét xử hỏi trước như hiện nay.
Thứ 5, quy định rõ bản án, quyết định của Tòa án chỉ được căn cứ trên cơ sở kết quả thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa.
Bốn, những đổi mới nêu trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo không khí dân chủ và công bằng tại phiên tòa. Tuy nhiên, đề nghị quan tâm rà soát thêm quy định về thẩm quyền của Tòa án trong việc tự mình đi thu thập bổ sung chứng cứ (tại Điều 276). Một trong những yêu cầu của tranh tụng là phải bảo đảm sự khách quan của Tòa án. Tòa án chủ yếu đóng vai trò xem xét chứng cứ của các bên để ra phán quyết, chấp nhận chứng cứ của bên buộc tội hay của bên gỡ tội. Nếu Tòa án tự đi điều tra và tự xét xử trên cơ sở kết quả điều tra của mình thì sẽ rất khó bảo đảm tính khách quan. Nếu vậy, Viện kiểm sát có kiểm soát hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án hay không? Có bác bỏ chứng cứ của Tòa án nếu việc thu thập vi phạm pháp luật hay không? Những nội dung này cần được cân nhắc để xử lý phù hợp với nguyên tắc tranh tụng của Hiến pháp.
Về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (tại các Điều 40, 41, 42,43). Đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo trong việc tiếp cận quyền này của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo và nhấn mạnh:
Một, xuất phát từ nguyên lý của tố tụng hình sự “Chứng minh tội phạm là trách nhiệm của bên buộc tội; bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh”, từ nguyên lý này, các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới đều công nhận quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại mình.
Hai, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của Việt Nam cũng đã tiếp cận quyền này. Cụ thể bộ luật quy định “Bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai”. Tuy nhiên, do cách thể hiện của luật chưa cụ thể, chưa minh bạch nên chưa tạo sự nhận thức thống nhất.
Ba, có ý kiến cho rằng, nếu quy định rõ như Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên và như dự thảo, thì sẽ khó khăn cho cơ quan điều tra. Đại biểu cho rằng ý kiến này không thỏa đáng, chưa xuất phát từ tinh thần của Hiến pháp, từ cam kết của chúng ta với quốc tế, vẫn tư duy theo lối cũ “ Thuận cho nhà nước, khó khăn cho người dân”. Việc này không thể chấp nhận được trong điều kiện chúng ta đã ban hành và đang triển khai Hiến pháp năm 2013.
Bốn, cách tiếp nhận những ý kiến của Ủy ban tư pháp chưa phù hợp, chưa xuất phát từ khía cạnh là quyền tự thân của người phạm tội không buộc phải khai báo. Ép buộc nghĩa là ai ép ai? Cơ quan tố tụng không được ép cung, nếu vậy là điều cấm với cơ quan tố tụng chứ không phải là quyền con người.
Về việc có nên mở rộng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đại biểu ủng hộ phương án 1 là bổ sung cơ quan thuế, chứng khoán, kiểm ngư có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra vì lý do sau:
Thứ nhất, đây là những lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên môn cao, điều tra viên ngoài kiến thức pháp luật còn phải am hiểu sâu sắc chuyên ngành thuế, chứng khoán, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam, cũng như trong tình hình diễn biến phức tạp ở biển Đông hiện nay. Do đó, giao cho các cơ quan này tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu sẽ tận dụng nghiệp vụ của các cơ quan quản lý, hỗ trợ tốt cho cơ quan điều tra chuyên trách trong việc phá án.
Thứ hai, đối với những vụ án ít nghiêm trọng, quả tang, chứng cứ rõ ràng, có thể kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát truy tố trong thời hạn 10 ngày. Đối với những vụ án phức tạp, tiến hành thu thập chứng cứ, điều tra ban đầu trong 10 ngày, sau đó chuyển cơ quan điều tra chuyên trách tiếp tục điều tra.
Thứ ba, đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước nhằm phản ứng nhanh chóng với tình hình tội phạm. Ví dụ, Nhật có 30 cơ quan điều tra ban đầu...
Về quy định người bị tố giác, báo tin tội phạm, kiến nghị bị khởi tố, quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 39 “ tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến...” cần phải được sửa đổi, bổ sung thành “có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan, người có thẩm quyền trong giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, được chủ động trình bày lời khai, trình bày ý kiến...”. Để đảm bảo quyền, trách nhiệm rõ ràng trước pháp luật của các đối tượng này một cách khách quan.
Ngô Sỹ Khảo (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Ý kiến ()