Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:25 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát các chương trình mục tiêu quốc gia tại Ba Chẽ
Thứ 4, 12/10/2022 | 15:52:46 [GMT +7] A A
Ngày 12/10, Đoàn công tác của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, làm Trưởng đoàn, khảo sát kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2023; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại huyện Ba Chẽ để lấy ý kiến, tham gia vào báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Những năm qua, được sự quan tâm toàn diện của tỉnh, với sự nỗ lực và cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, Ba Chẽ đã có nhiều thay đổi khá tích cực; tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân đạt 17%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 24%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2021 đạt 55 triệu đồng/người/năm; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, giữ vững.
Huyện tập trung huy động sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân triển khai nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; trong đó phân bổ nguồn lực từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ với tổng kinh phí là 70 tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hiện toàn huyện có 7/7 xã đạt chuẩn NTM; trong đó 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2016-2021; thị trấn Ba Chẽ đạt “Đô thị văn minh”. Qua rà soát đến nay, các xã đạt trung bình 16/19 tiêu chí, 53,1/57 chỉ tiêu NTM giai đoạn 201-2025. Huyện đã đạt 8/9 tiêu chí, 34/36 chỉ tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.
Về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2023, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; các cơ quan đơn vị, cấp ủy, chính quyền cơ sở để tổ chức thực hiện 21 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu và 73 nhiệm vụ. Huyện đã tập trung, bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo; đào tạo nghề nông thôn; ưu tiên phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh; đảm bảo chính sách an sinh xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; tổng kế hoạch vốn đã phân bổ của chương trình đạt hơn 147 tỷ đồng. Đến nay, huyện không còn địa bàn đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 56,5 triệu đồng/người/năm, tăng 37,1% so với năm 2020.
Đối với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã thực hiện nghiêm túc công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ. Theo đó đầu năm 2022, toàn huyện có 195 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,49% tổng số hộ dân; 603 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 10,79% tổng số hộ dân. Huyện đã quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo; tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận các dịch vụ xã hội… Ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2022, hộ nghèo toàn huyện giảm 74/195 hộ, đạt 148% kế hoạch tỉnh giao; số hộ nghèo còn 2,16%; hộ cận nghèo còn 7,48%. Dự báo cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 1%.
Tại cuộc khảo sát, Đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan đến thực hiện chỉ tiêu Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục đạt cấp độ 1; việc kết nối phần mềm hồ sơ sổ khám sức khỏe điện tử để triển khai vận hành ứng dụng quản lý dữ liệu, phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân; triển khai điểm phục vụ bưu chính đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân; việc triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo… Đặc biệt là việc tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho phát triển sản xuất, trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu, phát triển hạ tầng liên thông; giải quyết việc làm thuộc 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Phát biểu kết luận cuộc khảo sát, đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ghi nhận đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của huyện Ba Chẽ trong thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, đảm bảo mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện. Đồng chí yêu cầu huyện Ba Chẽ tập trung, quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, hiệu quả thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ… Tiếp tục thực hiện đồng bộ, chất lượng, hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia gắn với chương trình xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, đảm bảo mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống của nhân dân. Đối với các đề xuất, kiến nghị của huyện, Đoàn khảo sát tiếp thu để tổng hợp tham gia tới các bộ, ngành và Trung ương trong Kỳ họp tới.
Cùng ngày, Đoàn công tác đã đến thăm, động viên, trao tặng gạo cho các em học sinh học tập, ăn ở bán trú và học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nam Sơn và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Đồn Đạc.
Trong chương trình, Đoàn đã trao tặng 2 tấn gạo cho các em học sinh nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình và nhà trường, để các em yên tâm đến trường đến lớp, tích cực vươn lên trong học tập; góp phần vào việc thực hiện tốt công tác giáo dục và đào tạo của địa phương.
Đoàn cũng đã đến trao tặng tổng số tiền 204 triệu đồng để động viên, hỗ trợ các hộ nghèo xã Đồn Đạc đẩy mạnh phát triển sản xuất, tích cực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bình Minh (Trung tâm TT- VH Ba Chẽ)
Liên kết website
Ý kiến ()