Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Nhiều nội dung quan trọng sẽ được chuyển tải tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Chủ nhật, 22/10/2023 | 14:30:51 [GMT +7] A A
Trước thềm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 23/10/2023, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh về những nội dung liên quan đến kỳ họp.
- Xin bà cho biết các nội dung chủ yếu sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới?
+ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV dự kiến tổng thời gian làm việc là 25 ngày; khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 3 ngày thứ bảy. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, cụ thể: Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023. Đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 29/11/2023.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét 17 dự án luật, 2 nghị quyết, trong đó có nhiều dự án luật hết sức quan trọng, phạm vi tác động lớn đến toàn xã hội và được các ĐBQH, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi)… Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét các báo cáo công tác tư pháp: Báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023...
Về Chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội dự kiến dành 3 ngày (6,7 và 8/11) để thực hiện chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành. Đồng thời, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ngoài ra, các báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu dự kiến gồm 55 báo cáo: 8 báo cáo về công tác của UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội; báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 42 báo cáo của Chính phủ và 4 báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
- Để chuẩn bị nội dung tham dự kỳ họp thứ 6 sắp tới, Đoàn ĐBQH tỉnh đã triển khai những hoạt động gì trong thời gian qua, thưa bà?
+ Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực triển khai nhiều nội dung trước kỳ họp. Cụ thể, về tiếp xúc cử tri trước kỳ họp: Đoàn đã tổ chức cho 8/8 ĐBQH trong Đoàn tiếp xúc cử tri định kỳ theo quy định tại 13 địa phương trong tỉnh để thông báo tới cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. Tại các hội nghị tiếp xúc, có trên 3.900 cử tri tham dự với tổng số 69 lượt cử tri phát biểu ý kiến. Trong đó có 6 nội dung ý kiến, kiến nghị gửi đến các cơ quan, bộ, ngành trung ương để xem xét, giải quyết, trả lời cử tri.
Bên cạnh đó, Đoàn tổ chức 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề để nắm bắt sâu một số vấn đề ĐBQH quan tâm liên quan đến việc lấy ý kiến tham gia vào thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Hải Hà; lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh và 60 cử tri là cán bộ công đoàn các cấp, công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn đang tham gia BHXH, đã thanh toán BHXH 1 lần, cán bộ công đoàn đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh...
Đối với nội dung tham gia xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, các chuyên gia và đối tượng chịu tác động của dự án luật thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức các hội nghị, hội thảo, khảo sát, tiếp xúc cử tri chuyên đề. Trong đó, đã tổ chức 4 hội nghị lấy ý kiến tham gia vào 7 dự án luật quan trọng, tại đây còn nhiều nội dung có ý kiến tranh luận khác nhau trong Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên quốc phòng… Tổ chức Khảo sát tại Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh về tình hình, kết quả thực hiện Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014. Tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nghe báo cáo, kiến nghị và ý kiến tham gia vào một số nội dung dự thảo luật, nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến tham gia bằng văn bản đối với các dự án luật khác. Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã và đang tổng hợp các ý kiến tham gia vào các dự án luật gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan soạn thảo luật để nghiên cứu tiếp thu; đồng thời gửi tới các vị ĐBQH trong Đoàn để nghiên cứu, trực tiếp tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 6.
Để chuẩn bị cho hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”; từ tháng 4/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai giám sát chuyên đề này tại địa phương. Hoạt động được triển khai qua giám sát báo cáo đối với UBND tỉnh, 24 sở, ban, ngành, tổ chức và 13/13 địa phương trong tỉnh; tổ chức 1 cuộc khảo sát trực tiếp tại huyện Tiên Yên. Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành báo cáo kết quả giám sát gửi Đoàn giám sát của Quốc hội tổng hợp chung; đồng thời gửi tới các vị ĐBQH trong Đoàn nghiên cứu tham gia tại kỳ họp thứ 6.
- Xin bà cho biết qua các buổi tiếp xúc cử tri chủ yếu tập trung kiến nghị những vấn đề gì và những nội dung nào sẽ được chuyển tải đến Quốc hội tại kỳ họp này?
+ Qua tiếp xúc, cử tri đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cử tri cũng ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh… góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh của đất nước được bảo đảm; các vi phạm, tội phạm, nhất là về tham nhũng, chức vụ tiếp tục được xử lý nghiêm, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, cử tri đối với Đảng, Nhà nước, chế độ Xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Quảng Ninh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến một số vấn đề như: Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; thị trường bất động sản và chứng khoán còn nhiều rủi ro; nhiều quy định của pháp luật chậm được sửa đổi, bổ sung, nhanh bị lạc hậu; tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông vẫn còn phức tạp; lộ trình cải cách tiền lương; giá cả xăng dầu; nguy cơ cháy nổ nhà cao tầng cao; việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý nhà ở chung cư; công tác đăng ký phương tiện giao thông theo quy định mới... thời gian đầu vẫn còn chưa thực sự đồng bộ, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đoàn đã tổng hợp các nội dung kiến nghị cụ thể cử tri gửi đến đến các cơ quan, bộ, ngành trung ương như: Kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có chương trình về việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh Xã hội chủ trì, nghiên cứu, báo cáo cấp thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi sau 14 năm thực hiện; kiến nghị gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 tạo thuận lợi cho các nhà trường trong việc định hướng phương án kiểm tra đánh giá, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ trình cấp có thẩm quyền quyết định ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các địa phương có biển…Các ý kiến của cử tri đã được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Báo cáo số 471/BC-ĐĐBQH ngày 13/10/2023 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh).
- Trân trọng cảm ơn bà!
Nguyễn Thanh (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()