Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:59 (GMT +7)
Đoàn công tác Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
Thứ 2, 08/05/2023 | 19:30:56 [GMT +7] A A
Chiều ngày 8/5, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề chủ trì buổi làm việc.
Làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng các lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và một số sở, ngành, địa phương liên quan.
Giai đoạn 2016-2021, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về điện lực và năng lượng kịp thời, đầy đủ, thống nhất theo chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, trong những năm qua, ngành Than tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100.000 lao động. Giai đoạn 2016-2021, tổng sản lượng than sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt 257 triệu tấn. Hiện nay, ngành Than đang đóng góp khoảng ¼ GRDP và gần 40% ngân sách thu nội địa của tỉnh. Giai đoạn đến 2025, ngành Than tiếp tục sản xuất theo quy hoạch được duyệt với sản lượng khoảng 45 triệu tấn/năm, đáp ứng 65-70% nhu cầu than cho điện.
Về lĩnh vực điện năng, theo thống kê giai đoạn 2016-2021, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 26,4 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân đạt 7,38%/năm. Tổn thất điện năng lưới điện phân phối giảm từ 5,9% về 3,9% trong năm 2021. Hiện nay, lưới điện đã phủ kín đến toàn bộ các thôn, khe, bản từ đất liền đến hải đảo của tỉnh, 100% số hộ dân được sử dụng điện. Riêng với lĩnh vực xăng dầu hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 218 cửa hàng xăng dầu và 4 kho xăng dầu với tổng trữ lượng đạt 332.000 m³; lượng xăng dầu cung cấp ra thị trường hằng năm đạt khoảng 5,2 triệu m³.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Cụ thể việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật đơn giá liên quan chậm đổi mới; một số nội dung có sự chồng chéo, thiếu sự đồng bộ giữa các bên có liên quan. Về thăm dò tài nguyên than trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển lâu dài.
Tại buổi làm việc, tỉnh đề xuất kiến nghị với Đoàn giám sát, tiếp tục rà soát hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Xem xét, có quy định riêng đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án khai thác mỏ than. Đồng thời, sớm cấp phép khai thác dự án cải tạo mở rộng nâng công suất mỏ than Cao Sơn nhằm đảo bảo sản xuất, nhất là việc làm cho 3.400 người lao động của Công ty. Sớm xem xét cho ý kiến về một số quy định tháo gỡ vướng mắc liên quan tới thời hạn thuê đất, thời gian đóng cửa mỏ khoáng sản, chỉ tiêu tính trữ lượng than… Về lĩnh vực điện, đề nghị sớm xây dựng hoàn thiện khung pháp lý về năng lượng tái tạo, chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy điện hiện có, cơ chế giá định, tiêu chuẩn môi trường, có cơ chế đặc thù và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường mới đối với các nhà máy nhiệt điện đang vận hành; sớm có hướng dẫn chi tiết trong triển khai thực hiện lập phương án phát triển lưới điện trong quy hoạch tỉnh…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, với vai trò là một trong những trung tâm an ninh năng lượng quốc gia, Quảng Ninh luôn nghiêm túc, quyết liệt và triển khai bài bản trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời luôn xác định ưu tiên phát triển năng lượng nhanh, bền vững phải đi trước một bước. Tỉnh đã kịp thời có các chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tái cơ cấu nền kinh tế, tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Về ngành Than, với sự đồng hành tích cực và trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh, ngành Than luôn đã có những bước phát triển vượt bậc, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, đẩy nhanh tiến độ kết thúc khai thác và đóng cửa các mỏ than lộ thiên theo lộ trình; ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác hầm lò, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và hệ số an toàn trong quá trình sản xuất; cải thiện căn bản thu nhập và đời sống cho người lao động; tiếp tục đóng góp và khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh, nhất là giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thể hiện rõ vai trò của một trong 3 trụ cột năng lượng quốc gia. Cũng trong giai đoạn vừa qua, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp “xanh”, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo. Chủ trương của tỉnh không khuyến khích thu hút các dự án sử dụng đất có quy mô lớn, suất đầu tư nhỏ, thâm hụt năng lượng; tập trung sử dụng đất, đá thải mỏ, tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp mặt bằng nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao những kết quả toàn diện mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Đồng thời, cũng đánh giá cao sự phát triển của Quảng Ninh trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt những năm gần đây, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Quảng Ninh đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Ghi nhận sự chủ động, phối hợp chặt chẽ của Tỉnh với Đoàn giám sát, đồng chí Bùi Văn Cường nêu rõ các ý kiến, kiến nghị đề xuất của tỉnh liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ phù hợp. Các nội dung báo cáo của Tỉnh liên quan đến giám sát chuyên đề được chuẩn bị kỹ lưỡng, sâu sát sẽ là nguồn tư liệu quý phục vụ chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, góp phần để Đoàn giám sát đề xuất các biện pháp, chính sách mới nhằm phát triển năng lượng trong giai đoạn tới để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhấn mạnh thời gian tới, để tiếp tục duy trì là một trong những trung tâm an ninh năng lượng quốc gia, đồng chí đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần sớm hoàn thiện các quy hoạch phát triển năng lượng, nhất là giải quyết quy hoạch chồng chéo giữa ngành Than với Tỉnh. Nghiên cứu, xem xét ban hành chủ trương phát triển nguồn năng lượng mới đặc biệt là năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai. Đồng chí đề nghị Tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến và các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đặt ra, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung báo cáo, bảo đảm tính tổng hợp, đầy đủ, tập trung.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()