Anh Mạnh, một thương lái ở Lào Cai cho biết mua bọ xít đen loại sống với giá 1-2 triệu đồng một kg, còn hàng đã phơi khô là 5-8 triệu đồng.
"Tôi gom cả hai tháng nay chỉ được hơn một kg. Loại này thương lái Trung Quốc gom mua để làm thuốc", anh Mạnh nói.
Không riêng anh Mạnh, vài tháng qua các dân buôn ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... cũng lùng mua bọ xít đen. Họ cho biết mua gom rồi bán lại loại côn trùng này cho thương lái Trung Quốc để làm thuốc, không phải chế biến thực phẩm.
"Thương lái Trung Quốc cam kết mua giá cao, miễn có hàng", một mối thu gom ở Hà Tĩnh cho hay.
Theo ông Bùi Minh, một đầu mối ở Nghệ An, mỗi kg bọ xít đen khô được ông mua từ người dân giá 7,8 triệu đồng. "Một lạng tôi cũng mua vì nhu cầu loại này rất lớn. Cả tháng đi gom chỉ được 1-2 kg, vô cùng vất vả", ông Minh nói.
Ngoài bọ xít đen, trước đó, thương lái còn thu mua các loài côn trùng khác, như bọ hung, sâu ba vạch, xác ve sầu... Tuy nhiên, bọ xít đen là loại côn trùng được mua với giá cao nhất vì số lượng khan hiếm.
Chia sẻ với PV, GS.TS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam, cho biết có khoảng 225 loài côn trùng được khai thác làm thực phẩm ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, có 34 loài côn trùng được đồng bào dân tộc vùng núi thu bắt làm thực phẩm, món ăn đặc sản.
Tuy nhiên, theo GS.TS Hiển, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy giống bọ xít đen hoặc bọ xít xanh có thể làm thực phẩm ăn được.
Bọ xít là côn trùng có hại cho nông nghiệp vì chúng hút nhựa cây, châm hút hoa quả. Dẫu vậy, trong tự nhiên ở mức độ quần thể, chúng lại là mắt xích trong chuỗi thức ăn của một hệ sinh thái, nên cần được bảo vệ sự đa dạng sinh học.
Với ứng dụng làm dược liệu của bọ xít đen, GS.TS Hiển cho hay trong tài liệu đông y có hai loài bọ xít được dùng làm thuốc chữa bệnh là bọ xít xanh (Nezara viidula) và bọ xít vải (Tessaratoma papillosa). Rất ít tài liệu nói đến bọ xít đen.
Cách đây 10 năm có bài báo nhắc đến việc dùng loại bọ xít này làm nguyên liệu thuốc đông y tại Ấn Độ. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy lợi ích điều chế bọ xít đen dùng trong đông y.
GS.TS Bùi Công Hiển cảnh báo người dân không nên thử sử dụng loài côn trùng này nếu chưa có các nghiên cứu. Theo ông, hiện việc khai thác côn trùng thường là tự phát, dẫn tới nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, khi xảy ra ngộ độc rất khó biết nguyên nhân do dính nấm ký sinh từ côn trùng đã chết hay tàn dư của thuốc trừ sâu...
Ông Hiển đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ mục đích thu mua bọ xít đen và việc người dân thu gom loài này có ảnh hưởng gì đến môi trường hay không, để có khuyến cáo phù hợp.
Trước thực tế này, Sở Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn các địa phương cho biết sẽ tìm hiểu và cảnh báo người dân về tác động việc thu mua này. Việc này nhằm tránh gom xác bọ xít bán giá cao, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học loại côn trùng này.
Ý kiến ()