Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:50 (GMT +7)
Đổ xô đến điểm du lịch 'bản sao'
Thứ 4, 27/03/2024 | 13:48:28 [GMT +7] A A
Xu hướng "điểm đến dupe" đang lan rộng trong ngành du lịch. Tiết kiệm chi phí, tránh tình trạng quá tải, dễ tiếp cận là yếu tố khiến du khách hoán đổi lựa chọn điểm đến.
Cuối năm 2023, Ruchi Prasad (Mysuru, Ấn Độ) và ba người bạn lên kế hoạch du lịch sau kỳ tốt nghiệp. Họ mong muốn được đi nước ngoài, đến một bãi biển đẹp.
Maldives hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của nhóm, nhưng chi phí lại quá cao. Lúc này, họ nghĩ đến loạt địa điểm "bản sao" (dupe), nơi có quang cảnh gần như tương đồng, dịch vụ kém cao cấp hơn nhưng tiết kiệm.
Bali (Indoesia), Mauritius (quốc gia ở Đông Phi) và Sri Lanka là một số sự lựa chọn được đưa ra, nhưng giá cả tại những nơi này cũng tương đối đắt đỏ. Sau cùng, nhóm quyết định đến Palawan (Philippines), một hòn đảo cảnh quan nhiệt đới có những nét tương tự Maldives nhưng giá cả phải chăng và bớt đông đúc hơn nhiều.
"Đó là một quyết định tuyệt vời. Ngoài ra, chúng tôi còn được khám phá ẩm thực Philippines. Chuyến đi thực sự đáng nhớ và chúng tôi cảm thấy mình đã tiết kiệm được rất nhiều tiền so với việc lựa chọn Maldives", Prasad chia sẻ.
Theo Asia Nikkei, "điểm đến dupe" là trào lưu du lịch đang lan rộng. Xu hướng này cũng được phát triển nhờ mạng xã hội khi các travel blogger liên tục gợi ý những điểm du lịch bản sao đẹp không kém bản chính.
Ngày càng phổ biến
Trào lưu "bản sao" ban đầu xuất phát từ lĩnh vực thời trang khi người dùng thường xuyên tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ hơn, sao chép hoặc na ná mẫu mã cao cấp.
Xu hướng này nhanh chóng chuyển sang du lịch dưới hình thức "điểm đến dupe". Bản dupe ít nổi tiếng hơn, nhưng có nhiều điểm cộng như giá rẻ, ít đông đúc và dễ tiếp cận.
Expedia, tập đoàn du lịch có trụ sở tại Mỹ, nhận thấy xu hướng này vào cuối năm 2023. Công ty này tiết lộ danh sách các điểm đến dupe phổ biến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm: Đài Bắc (Đài Loan) là bản sao của Seoul (Hàn Quốc); Perth là bản sao của Sydney (Australia); Pattaya là bản sao của Bangkok (Thái Lan).
Theo số liệu thống kê của Expedia, số lượt tìm kiếm về Đài Bắc tăng 2.786%, Pattaya tăng 249% và Perth tăng 109%. Công ty này cho rằng sự thay đổi này bắt nguồn từ việc so sánh.
Ví dụ, Seoul nổi tiếng thu hút bởi các trung tâm công nghệ, các món ăn ngon và cuộc sống về đêm sôi động. Điều này tương đồng với thị trường công nghệ, ẩm thực địa phương và các điểm tham quan như chợ đêm Sĩ Lâm của Đài Bắc. Ngoài ra, Đài Bắc còn ghi điểm nhờ trải nghiệm đi bộ lên Núi Voi, nơi có tầm nhìn ngoạn mục.
Perth ấn tượng bởi những bãi biển cát mịn và ít đông đúc hơn ở Sydney. Địa điểm có nét tương đồng như khung cảnh nghệ thuật đường phố sôi động, không gian và công viên rộng mở cũng như ẩm thực sang trọng.
Cũng theo Expedia, du khách có thể Bali (Indonesia) thay vì đến Thái Lan, vì nơi đây dễ đi lại, ít đông đúc và tương đối rẻ hơn. Cùng ở Indonesia, Lombok có thể thay thế Bali bởi ít được biết đến hơn và có những bãi biển hoang sơ như Kuta, cùng với nền văn hóa Sasak phong phú và các hoạt động đặc biệt như đi bộ xuyên núi lửa đến Núi Rinjani.
Hội An (Việt Nam) đang được ưa chuộng hơn Kyoto (Nhật Bản) vì nền văn hóa lịch sử phong phú, kiến trúc độc đáo và bầu không khí trong lành. Hàn Quốc thường được quan tâm hơn Nhật Bản vì ngân sách tiết kiệm và ít đông đúc.
Rishabh Shah, giám đốc một công ty du lịch có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ), cho biết đang nhận được rất nhiều sự quan tâm đến các "điểm đến dupe".
“Mọi người đang yêu cầu đến Phú Quốc và Đà Nẵng (Việt Nam) thay vì Phuket (Thái Lan) vì chi phí tiết kiệm hơn. Du khách cũng muốn đến Bali (Indonesia) thay vì đến bất cứ nơi nào ở Thái Lan. Thật thú vị khi Dubai cũng bị thay thế bởi Doha (Qatar) hoặc Abu Dhabi (Ả rập)”, Shah nói.
Lý do là gì?
Loveleen Multani Arun, làm việc tại Panache World có trụ sở tại Bengaluru (Ấn Độ), cho biết: "Lựa chọn điểm đến dupe không phải là một xu hướng lớn, nhưng chúng tôi chắc chắn đang nhìn thấy điều đó".
Những người trong ngành du lịch cho biết có 4 lý do chính khiến xu hướng này trở nên phổ biến.
Thứ nhất là vấn đề chi phí. Điểm đến ban đầu trở nên đắt đỏ do nhu cầu và mức độ phổ biến. Trong khi "điểm đến dupe" có thể mang lại trải nghiệm tương tự với chi phí thấp hơn.
Thứ hai là tránh tình trạng quá tải, đặc biệt là vào mùa cao điểm.
Thứ ba là khả năng tiếp cận. "Điểm đến dupe" có thể gần hơn và dễ tiếp cận hơn, khiến chúng trở nên thuận tiện hơn đối với một số khách du lịch.
Thứ tư là yếu tố mới lạ. Điều này có thể hữu hình hoặc vô hình, nhưng "địa điểm dupe" hứa hẹn một biến thể thú vị so với bản gốc hoặc có những điểm hấp dẫn mới hơn. Điều này mang lại cho khách du lịch cảm giác rằng tiền của họ đã được chi tiêu hợp lý.
Arun xác nhận rằng cô đã gặp nhiều người đã hoán đổi lựa chọn điểm đến vì tất cả những lý do trên.
"Khách du lịch từ Singapore ưu tiên chọn Bawah (Indonesia) thay vì Maldives. Nơi đây mang đến trải nghiệm tương tự như ở trong một ngôi làng trên nước, đi thủy phi cơ và nhà gỗ trên mặt nước. Địa điểm này sang trọng và độc quyền nhưng không đông đúc", cô giải thích.
Mặt khác, những người yêu thích vui chơi và sòng bạc nhận thấy Macao thuận tiện hơn nhiều so với Las Vegas (Mỹ), đặc biệt nếu họ đi du lịch từ Ấn Độ hoặc từ các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á.
"Những trải nghiệm được cung cấp không hoàn toàn có thể so sánh được, nhưng nếu thị thực Mỹ mất nhiều thời gian, các chuyến bay không thuận tiện hoặc khoảng cách không phù hợp, thì mọi người sẽ chuyển đổi sang 'điểm đến dupe'", Arun cho hay.
Trong vài năm gần đây, mọi người đang đến Hàn Quốc để ngắm mùa hoa anh đào thay vì đến Nhật Bản.
"Nhật Bản trở nên đông đúc vào mùa hoa anh đào. Khách sạn rất đắt đỏ và đôi khi rất khó để vào nước này. Mặt khác, Hàn Quốc mang lại trải nghiệm ngắm hoa anh đào tương tự và không đến mức đáng lo ngại như vậy", Arun nói.
Ngoài 4 yếu tố chính thúc đẩy việc hoán đổi, yếu tố thứ năm là tính bền vững ngày càng được quan tâm. Các lựa chọn thay thế giúp giảm sức nặng du lịch tại các địa điểm "hot".
Xu hướng này đã được thúc đẩy mạnh mẽ vào tháng 11 khi Fodor's - ấn phẩm hàng đầu trong ngành du lịch - xuất bản cuốn "No List", khuyên du khách nên tránh những địa điểm nổi tiếng vì tình trạng quá tải và các vấn đề liên quan.
Các chuyên gia trong ngành cho biết xu hướng "điểm đến dupe" không chỉ là mốt nhất thời. Tác động của lạm phát đang ảnh hưởng đến khách du lịch trên khắp thế giới. Điều này cũng giải thích tại sao khả năng chi trả đứng đầu danh sách các lý do để chọn "điểm đến dupe".
Tuy nhiên, chi phí không phải là yếu tố chính đối với tất cả khách du lịch. "Đôi khi, du khách chỉ muốn trải nghiệm mới, vì họ đã khám phá hết những điểm đến cũ. Sau cùng, mọi người đều muốn có thời gian nghỉ dưỡng tuyệt vời", Arun chia sẻ.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()