Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:18 (GMT +7)
Đô thị cổ Quảng Yên và dư âm từ một cuộc thi
Chủ nhật, 07/08/2022 | 07:53:51 [GMT +7] A A
Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng Cuộc thi tìm hiểu “Đô thị Quảng Yên 220 năm - truyền thống và định hướng phát triển”, đã thu hút số lượng lớn bài dự thi, để lại những dư âm tốt đẹp trong dịp kỷ niệm 220 năm (1802-2022) thành lập Trấn lỵ Quảng Yên và 77 năm Quảng Yên giành chính quyền cách mạng 20/7 (1945-2022).
Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Thị ủy Quảng Yên tổ chức ở phạm vi địa phương, tuy nhiên con số 4.345 bài dự thi thu về sau hơn một tháng triển khai thực hiện (từ 30/5 đến 15/7), đã cho thấy sự quan tâm của các tập thể, cá nhân trên địa bàn thị xã. Trong đó, theo đánh giá của Ban tổ chức thì có 309 bài viết chất lượng được thí sinh đầu tư công phu, sưu tập được nhiều tài liệu quý, cách thức thể hiện sáng tạo, như bài dự thi của Chi bộ Trường THPT Minh Hà, Đảng bộ xã Hiệp Hòa, Đảng bộ phường Quảng Yên, Đảng bộ phường Yên Giang…
Cầm trên tay những bài dự thi in màu trên chất liệu giấy đẹp, dày tới cả nghìn trang hay những bài viết tay cẩn thận, sạch đẹp cả trăm trang có thể thấy tình cảm, sự tâm huyết của mỗi tác giả gửi gắm vào đây, trong đó không chỉ có các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mà còn của nhiều giáo viên, học sinh…
Cuộc thi có 6 câu hỏi với nội dung khá rộng, toàn diện về những điều kiện tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh cũng như những giá trị văn hoá, lịch sử của thị xã; về lịch sử tên gọi của Quảng Yên, Đảng bộ thị xã qua các chặng đường lịch sử và những thành tựu của địa phương trong 10 năm qua, định hướng phát triển… Cuối cùng là yêu cầu viết bài tự luận thể hiện khát vọng phát triển Quảng Yên trở thành thành phố trước 2025 và đô thị loại II trước năm 2030.
Để phát huy tính sáng tạo, khả năng tìm kiếm tư liệu của các tác giả, Cuộc thi không có đề cương gợi ý nhưng đã được các chi, đảng bộ, các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai và sự vào cuộc của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch, triển khai và tổ chức chấm điểm, đánh giá, trao thưởng cho các bài viết chất lượng ngay tại cơ sở.
Đánh giá về chất lượng bài dự thi, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Ban Tuyên giáo Thị ủy Quảng Yên, chia sẻ: Các bài viết đã thể hiện rõ nét tình cảm sâu đậm, giàu cảm xúc, niềm tự hào về truyền thống 220 năm đô thị Quảng Yên. Ngược dòng lịch sử, nhiều bài viết đã tái hiện được bức tranh sống động của Quảng Yên thời kỳ phong kiến, thời Pháp thuộc và những năm khó khăn ngay khi Đảng ta mới ra đời.
Sự đổi thay của Quảng Yên trong hơn 2 thế kỷ qua đã chứng kiến bao lần chống thiên tai, địch họa, đã bao lần lớp lớp những người con của Quảng Yên lên đường đánh giặc; đã bao người ra đi không hẹn ngày trở lại để tuổi thanh xuân nay hòa vào lịch sử, thành tên phố, tên đường, tên những ngôi trường yêu dấu. Quảng Yên xưa, nay như được hồi xuân trở lại bởi những công trình xây dựng khang trang, những con đường rộng mở, những cây cầu nối những bờ vui, trong trái tim mọi người là một bản hùng ca bất tận với khát vọng vươn tới tương lai...
Ngày 20/7 vừa qua, Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn ra những đơn vị có thành tích tiêu biểu trong công tác triển khai thực hiện và có số lượng bài tham gia nhiều nhất, chất lượng tốt nhất để trao 1 giải nhất, 3 giải nhì, 6 giải ba cho các tập thể. Cùng với đó, trao 2 giải nhất (nhóm tác giả Chi bộ Trường Tiểu học Yên Giang và tác giả Ngô Tố Uyên, Chi bộ Trường THPT Minh Hà), 5 giải nhì, 12 giải ba và 27 giải khuyến khích cho các bài viết có chất lượng, đầu tư, tâm huyết. Đặc biệt dành 20 giải trao cho các bài viết có ý tưởng thể hiện khát vọng và hiến kế cụ thể, rõ nét và có sáng tạo riêng.
Cuộc thi đã kết thúc nhưng dư âm đẹp về tình cảm, niềm tự hào của người dân Quảng Yên, ý nghĩa giáo dục trong các thế hệ, nhất là cho thế hệ trẻ thị xã về truyền thống lịch sử quê hương hôm qua, hôm nay thì còn mãi...
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()