Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:55 (GMT +7)
Đỗ Ngọc Lâm: Bác sĩ của thợ mỏ
Chủ nhật, 27/08/2023 | 09:18:57 [GMT +7] A A
Nhiệt huyết, tiên phong, bác sĩ Đỗ Ngọc Lâm (Trưởng Khoa Gây mê, phẫu thuật, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả) còn là tấm gương không ngại khó, say mê học tập, nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật trong gây mê, phẫu thuật hồi sức.
Nhận xét về bác sĩ Đỗ Ngọc Lâm, bác sĩ Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Bệnh viện, bảo: Bác sĩ Lâm là người năng động, có chuyên môn tốt, nhiệt tình, được nhiều bệnh nhân đồng nghiệp quý. "Gặp anh ấy thì dễ thôi, xuống khoa, cứ thấy anh nào giọng to là bác sĩ Lâm” - bác sĩ Thanh cười nói.
Chúng tôi gặp bác sĩ Lâm khi anh đang thăm khám cho các công nhân, bệnh nhân sau mổ. Điều ấn tượng chính không chỉ là giọng nói to, vang mà còn là vẻ thân thiện, ấm áp từ ánh mắt, lời thăm khám. Anh không chỉ là một bác sĩ có chuyên môn tốt, giảng dạy nhiều nơi, anh còn tiên phong đi vùng sâu xa, từng hiến máu 24 lần cứu người...
Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2003, bác sĩ Đỗ Ngọc Lâm (SN 1978, quê ở Hà Nam) về công tác tại Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả. Là người trẻ giàu nhiệt huyết, bác sĩ Lâm từng xung phong vào những công việc mới, nơi khó khăn. Năm 2008, anh xung phong tăng cường hỗ trợ vùng sâu, khó khăn Ba Chẽ. Sau đó, khi Khoa Gây mê - Hồi sức thiếu người, anh lại về bổ sung nhân sự cho khoa này, vừa làm, vừa học hỏi về chuyên môn, bởi chuyên khoa gây mê hồi sức là lĩnh vực khó và điều trị cho mọi lứa tuổi, yêu cầu lượng kiến thức tổng hợp, sâu và đòi hỏi tính trách nhiệm cao...
“Ban đầu, khoa chỉ có 2 bác sĩ. Khó khăn và thách thức chưa bao giờ làm tôi nản chí nhưng áp lực rất lớn bởi cần phải học hỏi, làm thật tốt. Tôi có ước mơ làm được gì đó mới mẻ cho quê hương thứ hai này” - bác sĩ Lâm kể.
Để đảm nhiệm tốt công việc, bác sĩ Lâm một lần nữa tiếp tục con đường học tập ở Đại học Y Hà Nội Chuyên khoa I, II Gây mê hồi sức, trong giai đoạn 2012-2014 và năm 2020. Có kiến thức chuyên môn, lại được tiếp cận với các giáo sư đầu ngành, bác sĩ Lâm càng có cơ hội hoàn thành ước mơ.
Bác sĩ Lâm miệt mài nghiên cứu, ấp ủ nhiều dự định và triển khai nhiều đề tài vào điều trị, đã mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân như: Triển khai kỹ thuật giảm đau vùng, giảm đau sau zona, kĩ thuật đẻ không đau; phương pháp cấp cứu khi bệnh nhân sốc phản vệ do tiêm vắc xin Covid-19... Trước đó, bác sĩ Lâm cùng đồng nghiệp là một trong những người tiên phong đưa gây mê, nội soi không đau về Quảng Ninh và Bệnh viện từ năm 2008.
Có kiến thức, kinh nghiệm, bác sĩ Lâm đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, tiêu biểu như: Gây tê tuỷ sống L2.3 bằng công thức (7marcain + 0,04fentanyl + 0,1 morphine) để làm giảm đau sau mổ sản khoa; kỹ thuật gây tê đám rối thần kinh cánh tay đường liên cơ bậc thang dưới hướng dẫn của siêu âm; giảm đau của ketamin liều thấp trong dự phòng đau sau mổ bụng trên...
Nhờ đó, trong thời gian gần đây, Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức đã phát triển và làm chủ nhiều kỹ thuật, phương pháp mới trong lĩnh vực gây mê hồi sức, ứng dụng vào thực tế điều trị, mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân. Điển hình như kỹ thuật giảm đau vùng, giảm đau sau zona, kĩ thuật giảm đau trước, trong và sau đẻ...
Bác sĩ Đỗ Ngọc Lâm đã từng tham gia trực tiếp làm nhiều vụ cấp cứu mỏ như: Vụ sập hầm lò tại than Khe Chàm (tháng 12/2008), nổ khí metan ở than Thống Nhất (tháng 3/2006); tham gia nhiều lớp giảng dạy, “cầm tay chỉ việc” cho y tế mỏ về cấp cứu, sơ cứu ban đầu về điện giật, bỏng do hàn... khắp các đơn vị ngành than ở Cửa Ông, Khe Chàm, Đèo Nai, Cọc 6, Mông Dương. Bởi vậy, có người vui, ví anh là "bác sĩ của thợ mỏ".
Với kết quả và thành tích đạt được trong công tác, bác sĩ Đỗ Ngọc Lâm đã được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở trong 7 năm liên tiếp (từ 2011-2019); được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của TP Cẩm Phả, Sở Y tế và UBND tỉnh Quảng Ninh. Năm 2023, bác sĩ Đỗ Ngọc Lâm được đề nghị xét tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()