Chỉ 10 trong số 30 sản phẩm bán chạy nhất của loại đồ chơi "chất nhờn ma quái" ở Trung Quốc đáp ứng tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), theo một báo cáo công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3. Mức độ hàn the - một chất kết tinh thường được sử dụng trong tẩy rửa thực phẩm, gốm sứ, mỹ phẩm - cao gấp 7 lần tiêu chuẩn của EU.
Báo cáo được công bố bởi Toxics-Free Corps, tổ chức phi lợi nhuận ở Thâm Quyến. Theo đó, trẻ em chơi slime có chứa hàm lượng hàn the hòa tan quá mức cho phép, có nguy cơ bị ngộ độc, đặc biệt nếu tay trẻ có vết xước, hoặc chạm vào miệng. Tùy vào mức độ nhiễm độc có thể gây đau đầu, nôn mửa, buồn nôn và thậm chí dẫn đến hôn mê.
Wu Huixian, một trong các tác giả nghiên cứu và là mẹ của một cậu con trai 5 tuổi, nói rằng đã biết slime từ năm 2021 khi mua sắm cùng con. Sau đó, cô bắt đầu nghiên cứu các đồ chơi trên thị trường Trung Quốc để tìm hiểu thêm về thành phần hóa học của chúng.
"Một cuộc tìm kiếm nhanh trên mạng cho thấy tôi đã đúng. Tôi đã ngăn con trai chơi slime ngay khi biết về khả năng nhiễm độc hàn the", Wu nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc không có tiêu chuẩn hàn the đối với đồ chơi trẻ em ở Trung Quốc là trở ngại chính cho việc điều tiết thị trường. Quốc gia này đã đặt ra tiêu chuẩn lây nhiễm cho 8 loại hóa chất trong đồ chơi, nhưng hàn the không nằm trong số đó. Vì lý do này, Toxics-Free Corps đã sử dụng các tiêu chuẩn của EU cho nghiên cứu của họ.
Một tìm kiếm trên trang thương mại điện tử Taobao về loại đồ chơi này cho ra hàng nghìn sản phẩm, nhiều cửa hàng có đến 5.000 đơn đặt hàng mỗi tháng. Báo cáo cũng cho biết nhà bán lẻ trực tuyến, gồm JD.com và Tmall, đã đưa ra tiêu chuẩn kiểm tra sơ bộ chất lượng mặt hàng đồ chơi này từ các nhà cung cấp. Nhưng họ cũng thừa nhận có "kiến thức chuyên môn hạn chế" về vấn đề này.
"Với rất nhiều đồ chơi được bán trên thị trường, cha mẹ và các nền tảng thương mại khó phân biệt được loại nào độc hại. Cần có một tiêu chuẩn rõ ràng", Wu cho biết.
Năm 2018, cơ quan An ninh y tế quốc gia Pháp (ANSES) khuyến cáo, slime chứa nhiều chất độc hại, gây dị ứng, bỏng, chàm hóa da (eczema), ảnh hưởng tới thần kinh và khả năng sinh sản.
Giáo sư Gérard Lasfargues - Giám đốc trung tâm Khoa học giám định của ANSES nói rằng cơ quan này mỗi năm ghi nhận hàng chục trẻ em bị tác dụng phụ khi tiếp xúc với các loại đồ chơi là chất dẻo và nhờn.
Ý kiến ()