Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 01:06 (GMT +7)
Dịp cận Tết, nhiều người tìm mua thiết bị phá sóng karaoke
Thứ 5, 01/02/2024 | 09:59:04 [GMT +7] A A
Bị "tra tấn" bởi những dàn loa karaoke dịp cuối năm, nhiều người đã tìm mua các thiết bị phá sóng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng các máy phá sóng karaoke bị cấm sử dụng tại Việt Nam.
Dân mạng kêu trời vì bị karaoke "tra tấn" dịp cuối năm
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, những buổi tiệc liên hoan, tiệc tùng, tổng kết cuối năm… diễn ra liên tục, kéo theo đó là nhu cầu hát karaoke để góp vui. Tuy nhiên, những cuộc vui kèm theo tiếng hát karaoke này thường kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ, thậm chí đến tận đêm khuya, khiến nhiều người phải "kêu trời" vì bị làm phiền.
Trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian gần đây, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự bức xúc vì liên tục bị "tra tấn" bởi tiếng hát karaoke từ những buổi tiệc cuối năm. Nhiều người cho biết họ phải hứng chịu cảnh ô nhiễm tiếng ồn từ lúc sáng sớm và kéo dài đến tận đêm khuya, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
"Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về là kiểu gì cũng tràn ngập tiếng hát karaoke mọi lúc mọi nơi. Đi đâu cũng nghe hát. Nhiều lúc hát đến tận đêm khuya vẫn chưa dừng, cảm thấy bức xúc lắm nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào", người dùng Facebook D.Huyền chia sẻ.
"Hát karaoke để thư giãn, giải trí thì không có gì là sai. Nhưng hát kiểu gì mà từ sáng sớm đến tận đêm khuya thì khó có thể chấp nhận được. Đôi khi muốn nghỉ trưa một tí cũng bị tiếng hát làm ảnh hưởng, không tài nào ngủ được", tài khoản Facebook có tên M.Hòa bày tỏ sự bức xúc.
"Tôi nhận thấy đặc điểm chung của những nhóm hát karaoke đó là mở âm lượng hết mức rồi chĩa loa ra phía ngoài đường, thay vì quay vào nhà. Bao giờ họ mới nhận ra rằng không phải ai cũng muốn thưởng thức những tiết mục văn nghệ như vậy?", một người dùng Facebook khác bình luận.
Một số cư dân mạng dễ tính hơn lại cho rằng việc hát karaoke không phải là điều xấu, mà là một hành động giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, những người này cũng cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức người hát, cần phải hát karaoke đúng thời điểm và không làm phiền những người xung quanh vào những lúc cần yên tĩnh để nghỉ ngơi.
Dịp cận Tết, nhiều người tìm mua thiết bị phá sóng karaoke
Những năm gần đây, loa kéo di động đã trở nên rất phổ biến nhờ mức giá ngày càng rẻ. Người dùng không cần phải đầu tư một dàn karaoke với giá đắt đỏ, mà chỉ cần một chiếc loa kéo di động công suất lớn, micro không dây và một chiếc smartphone là đã có được cho riêng mình một dàn hát karaoke
Tuy nhiên, thay vì mục đích hát để giải trí trong lúc rảnh rỗi hoặc vào những dịp đặc biệt, những dàn loa karaoke này đã trở thành một vấn nạn, gây phiền toái cho nhiều người khi ý thức sử dụng của người dùng vẫn chưa cao.
Tình trạng hát karaoke tràn lan và kéo dài càng trở nên phổ biến hơn vào thời điểm cuối năm và cận Tết, khi nhiều cuộc nhậu liên hoan được diễn ra ở khắp mọi nơi.
Bức xúc vì thường xuyên bị làm phiền bởi những tiếng hát karaoke kéo dài, nhiều người đã lên mạng để tìm những giải pháp xử lý vấn đề.
Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ cách mua và sử dụng các thiết bị phá sóng hoặc gây nhiễu sóng loa kéo, micro không dây, với mục đích làm gián đoạn những dàn loa karaoke công suất lớn. Thậm chí, nhiều người còn hướng dẫn cách thức mua các linh kiện điện tử riêng biệt để tự lắp thành những thiết bị phá sóng với giá rẻ.
Các thiết bị phá sóng này có thể dễ dàng tìm mua trên các sàn thương mại điện tử, các trang web bán hàng điện tử… với giá dao động từ vài trăm ngàn lên đến hàng triệu đồng, kèm lời quảng cáo có thể phá và gây nhiễu sóng của các dàn loa, micro không dây, làm gián đoạn quá trình hát karaoke.
Nhiều thiết bị phá sóng có thể hoạt động ở khoảng cách xa hàng chục mét, mà theo người bán quảng cáo là sẽ giúp sử dụng thiết bị một cách an toàn mà không cần "lộ mặt".
Hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng máy phá sóng karaoke
Cơ chế hoạt động của các thiết bị phá sóng karaoke đó là làm nhiễu loạn tần số của micro và loa không dây. Ngoài ra, một số loại thiết bị còn có khả năng làm nhiễu sóng WiFi, khiến smartphone hoặc máy tính bảng sử dụng cho dàn loa karaoke không thể sử dụng được.
Tuy nhiên, các thiết bị phá sóng này không chỉ nhắm đến những dàn loa karaoke, mà còn có tầm ảnh hưởng rất lớn, làm nhiễu sóng và ảnh hưởng đến các loại kết nối khác như mạng di động, mạng WiFi, định vị GPS hoặc kết nối của khóa cửa cuốn, khóa cửa ô tô…
Do vậy, ngoài mục đích ngăn chặn các dàn loa karaoke, thiết bị phá sóng này sẽ khiến các kết nối trong khu vực bị "vạ lây", có thể gây ra ảnh hưởng đến nhiều người trong phạm vi lớn, nhất là với các loại thiết bị phá sóng có tầm ảnh hưởng rộng.
Theo luật sư Đoàn Văn Trung, đoàn luật sư TPHCM, Nghị định 96/2014/NĐ-CP đã nêu rõ chỉ có cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được phép kinh doanh và sử dụng thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động. Đơn vị mua và sử dụng các thiết bị này cũng cần được sự chấp thuận của hai Bộ trên, theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
Do vậy, luật sư Trung cho biết việc mua bán và sử dụng các thiết bị phá sóng máy hát karaoke là vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ bị tịch thu thiết bị, đồng thời chịu mức phạt từ 2 đến 50 triệu đồng.
Cũng theo luật sư Trung, căn cứ vào Nghị định 144/2021/NĐ-CP, từ 10h đêm đến 6h sáng ngày hôm sau, nếu người nào làm ồn ào, gây huyên náo và làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến người dân khác trong khu vực dân cư, khu vực công cộng được xác định là hành vi vi phạm quy định về đảm bảo sự yên tĩnh chung.
Nếu bị làm phiền bởi tiếng hát karaoke trong khoảng thời gian trên, người dân có thể gọi điện đến công an phường hoặc công an khu vực để nhờ can thiệp, xử lý, thay vì tự ý sử dụng các thiết bị phá sóng karaoke.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()