Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:37 (GMT +7)
Đình Quang Hanh: Nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của người Sán Dìu
Chủ nhật, 23/06/2024 | 10:12:05 [GMT +7] A A
Gắn liền với sự xuất hiện và phát triển vùng đất Quang Hanh, đình Quang Hanh (tổ 3, khu 7A, phường Quang Hanh) không chỉ lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa, đời sống đặc sắc của người Sán Dìu mà còn mang nhiều giá trị lịch sử của Vùng mỏ.
Ngược dòng lịch sử, trước thế kỷ XIX, Quang Hanh có tên là Thạch Long thôn (thuộc xã Cẩm Phả, châu Tiên Yên, phủ Hải Đông). Những người đầu tiên đặt chân tới vùng đất "rừng thiêng nước độc” ban đầu này có lẽ là những người Kinh đi biển vào khu vực hang, đầm ven biển men theo các lạch nước lợ vào lấy nước ngọt, tránh bão ngày biển động.
Về sau, khai phá, lập làng lại là tộc người Sán Dìu. Và cũng từ đây có câu chuyện lưu truyền dân gian vai trò của người Sán Dìu trong việc thành lập Quang Hanh từ một đơn vị tổ chức dân cư thành xã Quang Hanh.
Theo đánh giá ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Sán Dìu Việt Nam, người thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh thì đây là ngôi đình quan trọng gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Sán Dìu ở Quang Hanh. Đình không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng, lan tỏa văn hóa mà còn là nơi ghi dấu sự góp sức của người Sán Dìu trong lịch sử đấu tranh, xây dựng Vùng mỏ.
Đình Quang Hanh có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Tương truyền trước đây, dân làng chọn khoảng đất bằng phẳng trước cửa hang Hanh làm gian nhà tranh để thờ phụng trời, đất, thần linh và thành hoàng làng. Từ vị trí ban đầu đó, đình đã qua vài lần chuyển vị trí cho tới chỗ hiện tại, vị trí được coi là đắc địa hiện nay, giữa lưng chừng đồi rộng rãi, có vị thế như lưng của rồng thiêng ẩn trong đất.
Gắn bó với lịch sử, sự hình thành của làng xã người Sán Dìu, đình Quang Hanh thờ các vị thiên thần và nhân thần. Theo 2 sắc phong của vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 2 (1917) đình được sắc phong phụng thờ “Bản cảnh Thành hoàng linh ứng chi thần”, “Cao Sơn Đại vương tôn thần”. Ngoài hai vị thần chủ của đình, nhân dân còn tôn thờ những nhân vật lịch sử có công mở mang đất đai, có công với làng xã. Ngoài đình, còn các miếu thờ thần ở gần đó, như: Miếu xóm Cái Hanh, miếu Hàm Rồng, miếu Hai Ông… thờ các vị thần, người có công.
Gắn liền với đình, miếu Quang Hanh là các lễ hội đặc trưng của người Sán Dìu đó là lễ cầu an (ngày 16 tháng Giêng), lễ cầu mùa (8 tháng 7 âm lịch), lễ tạ ơn (25 tháng 12 âm lịch). Trong đó, lễ cầu an được tổ chức quy mô nhất. Các lễ trên cũng lần lượt được tổ chức ở các miếu, nhưng thường là sớm hơn lễ ở đình. Lễ hội ở đình, miếu có nghi lễ trang trọng, tôn nghiêm, thể hiện sự thành kính của dân làng với thành hoàng, các vị thần. Tại lễ hội, có nhiều trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa người Sán Dìu cho cả người lớn, trẻ nhỏ. Các chàng trai và cô gái thì túm lại hát điệu Soọng cô ca ngợi tình yêu, cuộc sống.
Đình Quang Hanh còn mang dấu ấn lịch sử đậm nét. Dù chuyển nhiều lần, nhưng đình thường tọa lạc ở vị trí cao, rộng, thuận lợi đi lại, có cây cổ thụ bao quanh. Vì thế, đình kín đáo và trở thành nơi hội họp bí mật của cán bộ cách mạng, lương thực của khu mỏ, chiến khu Đông Triều, Hoành Bồ xưa. Thời kháng chiến chống Pháp, đây là nơi cất giấu, trung chuyển lương thực, thực phẩm từ Cẩm Phả qua Dương Huy, Sơn Dương vào căn cứ Bằng Cả.
Đình Quang Hanh còn là nơi ghi dấu cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của Nhật - Pháp, thành lập chính quyền lâm thời xã Quang Hanh. Truyền thống đó như "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, giúp nhân dân Quang Hanh kiên cường đứng vững; nuôi giấu, che chở, bảo vệ cán bộ, cơ sở bí mật; kiên cường chống mật thám triệt phá cơ sở cách mạng giai đoạn 1946-1947 hoặc kiên cường bám làng, giữ xã trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ khốc liệt…
Ghi nhận những giá trị lịch sử của đình, ngày 16/1/2017, UBND tỉnh đã quyết định xếp hạng đình Quang Hanh là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến nay, ngôi đình đã được tu sửa, khang trang, bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Đình Quang Hanh vẫn duy trì được các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng; tổ chức các lễ hội. Tuy nhiên cũng có hoạt động bị phai nhạt như lễ cầu an không thực hiện được.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()