Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:19 (GMT +7)
Định hình xu hướng du lịch hậu COVID-19
Thứ 4, 30/03/2022 | 08:16:59 [GMT +7] A A
Nhu cầu đi du lịch của khách thay đổi nên các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cũng phải thích ứng để tồn tại. Điều này tạo nên những xu hướng du lịch mới hậu COVID-19 với yếu tố an toàn đặt lên hàng đầu.
Những xu hướng đi du lịch dần định hình
Trong dịp Tết vừa qua, các địa phương đón hơn 9,6 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 6 triệu lượt khách lưu trú. Tuy nhiên, điểm dễ nhận thấy là đa phần du khách tự đi hoặc đặt một phần dịch vụ qua các công ty du lịch. Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist nhìn nhận: “Đây là một sự thay đổi đáng kể chứng minh cho dự báo trước đó. Dù lượng khách được đánh giá là nhiều nhưng đặt tour rất ít do lo ngại sự lây nhiễm nếu đi theo đoàn. Cùng với đó là do doanh nghiệp du lịch ngừng hoạt động trong 2 năm qua lên đến 95%. Do đó, khi người dân nhu cầu đi du lịch nên họ tìm hiểu điểm đến và tự đi”.
Từ góc độ nghiên cứu, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp với liên kết các dịch vụ tạo thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, sự đứt gẫy 2 năm qua khiến các cơ sở dịch vụ như vận chuyển, nghỉ dưỡng, nhà hàng, mua sắm,... ngừng hoặc hoạt động lay lắt. Trong thời gian qua, lượng khách đặt tour không nhiều. Việc này liên quan đến thị hiếu của khách thay đổi rất nhiều sau dịch, khách lựa chọn đi theo nhóm nhỏ, bạn bè hoặc gia đình, thay vì đi theo một đoàn lớn do các công ty du lịch sắp xếp”.
Bên cạnh đó, khách cũng thích đặt tour online chứ không ra cửa hàng, quầy dịch vụ. Một phần do các dịch vụ cũng công khai minh bạch trên môi trường mạng. Trước đây, các công ty du lịch hay bán tour trọn gói, nhưng giờ đây các đơn vị bán theo tour đơn lẻ hoặc combo một số dịch vụ, trải nghiệm, đi lại, ăn uống, phù hợp theo nhu cầu thay vì tất cả trong một.
“Chiến lược phát triển sản phẩm ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030 định hình có 4 sản phẩm chính: Du lịch biển đảo, du lịch tự nhiên sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch đô thị. Để thích ứng, các doanh nghiệp đã kết hợp với nhau để cho ra mắt các sản phẩm du lịch như caravan. Đây là loại hình có thể kết hợp cả 4 sản phẩm du lịch kể trên, đi caravan có thể đến vùng núi, khu bảo tồn, đồng bằng hay vùng biển... Hoặc sản phẩm du lịch văn hóa đi thăm nhà tù Hỏa Lò, trước đây, du khách chỉ đến đây và nghe rồi tự trải nghiệm, thì hiện nay tour tham quan này đã đổi mới rất nhiều, khách đến có thể tự đóng vai nhân vật, trải nghiệm đêm ngục tối hay thưởng thức món ăn thời trước... Do đó, để khách sử dụng sản phẩm thì phải đầu tư tính sáng tạo, tăng cường trải nghiệm cho khách nhiều nhất có thể”, PGS.TS Phạm Hồng Long nhận xét.
Thực tế trong thời gian qua, các đơn vị du lịch đang tìm cách thích ứng. Theo đó, các đơn vị tạo dựng sự trải nghiệm, gắn kết yếu tố văn hóa, thiên nhiên tạo được sự chú ý. Đơn cử như chương trình du lịch kiến trúc Pháp tại Hà Nội, Bác Cổ - mùa hoa gạo, trải nghiệm nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long về đêm… Hoặc mới đây, các đơn vị tại TP Hồ Chí Minh xây dựng các tour chèo thuyền trên sông Sài Gòn, tour đạp xe trải nghiệm ngoại thành hoặc tour ẩm thực…
Do đó, về xu hướng du lịch hậu COVID-19, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng đang hình thành những xu hướng chính như: Du lịch nội địa (domestic travel) với loại hình du lịch về nhà và du lịch tại chỗ (staycation). Đây là chương trình thiết kế cho chính người dân địa phương trải nghiệm. Những hoạt động này thường liên quan đến khám phá nét văn hoá, địa danh mà người dân địa phương thường ít chú ý, ít quan tâm, giờ đây lại trở thành địa điểm khám phá mới lạ, hấp dẫn đặc biệt cho những người trẻ và các gia đình theo nhóm nhỏ.
Tiếp đến là xu hướng du lịch biệt lập (Isolated travel), du lịch xanh (green travel) gắn với những địa điểm thiên nhiên biệt lập và văn hóa bản địa; xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe; xu hướng du lịch không chạm, du lịch thông minh và tiếp cận chuyển đổi số trong tiêu dùng du lịch.
Cũng do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, du khách thường có xu hướng đặt các chương trình du lịch vào phút chót (last-minute bookings) thay vì việc đặt các dịch vụ trước chuyến đi dài ngày.
Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn
Với nhiều doanh nghiệp, việc Việt Nam công bố mở cửa hoàn toàn từ 15/3 là căn cứ pháp lý quan trọng để gửi thông tin đến đối tác, triển khai xúc tiến quảng bá, nối lại các dịch vụ phát triển dài hạn, bền vững.
Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: "Việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai. Đây được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15/2/2022. Các chuyến bay quốc tế thường lệ trở lại hoạt động như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh".
Để phát triển bền vững, việc tạo sản phẩm du lịch chất lượng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch. Đề làm được điều này, doanh nghiệp được tiếp sức từ hỗ trợ của Nhà nước. “Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đã có đang được đề xuất để tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam sẽ tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa. “Trong năm nay, du lịch nội địa vẫn là chủ đạo, còn du lịch quốc tế có vai trò quan trọng và sẽ phục hồi vào cuối năm. Trong đó, Việt Nam hướng đến các thị trường gần ASEAN và Austraylia, Châu Âu, Mỹ, Ấn Độ… Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế theo tôi là khó khăn nhưng có tính khả thi”, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.
Còn PGS.TS Phạm Hồng Long nhận định: "Khách du lịch khi chi tiêu, sử dụng dịch vụ quan tâm nhất là sự an toàn. Do đó cần xây dựng hình ảnh Việt Nam an toàn cho du khách. Chúng ta cũng đã có slogan là “Live Fully Vietnam” và cần được lan tỏa mạnh mẽ. Chúng ta khó kỳ vọng đón khách du lịch nhiều như năm 2019 do việc đi lại giữa các quốc gia trên thế giới hiện tại vẫn chưa thật sự ổn định, số ca nhiễm COVID-19 vẫn còn ở mức cao tạo ra nhiều rào cản lớn. Thị trường khách quốc tế sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, số lượng khách sẽ đạt được như năm 2019".
“Đối với thị trường nội địa, Việt Nam tiếp tục chiến lược như hiện nay, tôi cho rằng sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay. Tuy nhiên, để đáp ứng số lượng khách này, vấn đề nhân sự, đặc biệt là doanh nghiệp lưu trú hiện thiếu trầm trọng. Trong công ty lữ hành, nhân sự chỉ có thể 5 - 10 người, nhưng trong các cơ sở lưu trú, nhân sự thường rất nhiều, một số có thể lên đến cả ngàn người. Sau dịch, làm sao để mời gọi được nhân sự vừa chất lượng, tay nghề cao lại đáp ứng đủ số lượng là rất khó. Do vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả ngành”, PGS.TS Phạm Hồng Long phân tích.
Hiện nay, bên cạnh chương trình đào tạo lại nghề theo Nghị quyết 68 sẽ hết hạn vào tháng 6/2022; chương trình đào tạo nghề du lịch theo Thông tư 12 từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sẽ là đòn bẩy đào tạo nhân sự tại các địa phương về dài hạn.
Theo Báo tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()