Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:45 (GMT +7)
Cột mốc văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc
Chủ nhật, 28/07/2024 | 10:41:33 [GMT +7] A A
Cũng nằm ven biển và nối liền một dải với Trà Cổ, nhưng Bình Ngọc không kiêu sa, sôi động như Trà Cổ mà có phần trong lành và yên ả hơn. Trên dải đất đó, đình Bình Ngọc được nhiều người biết tới là công trình tín ngưỡng tâm linh, nơi ghi dấu quá trình khai ấp, lập làng xã của người dân nơi đây.
Theo ghi chép, người dân Bình Ngọc và Trà Cổ đều là những người dân cùng một xã đảo làm nghề chài lưới, đều có chung tổ tiên là 6 tiên công từ Đồ Sơn ra gây dựng sự nghiệp ở vùng biên này. Đình Bình Ngọc hình thành cùng với quá trình tách ra khỏi Trà Cổ để thành lập xã vào đầu thế kỷ 20.
Năm 1910, thời vua Duy Tân nhà Nguyễn, xã Trà Cổ được chia tách thành 2 xã là xã Trà Cổ và xã Bình Ngọc. Từ đó, nhân dân Bình Ngọc rước chân hương của các vị Thành hoàng làng từ đình Trà Cổ về xây dựng đình và đình được đặt tên theo tên gọi của xã là đình Bình Ngọc. "Ngôi đình là cột mốc văn hóa nơi địa đầu, là chứng nhân lịch sử gắn liền quá trình chinh phục tự nhiên, khai phá vùng đất biên viễn, gìn giữ bờ cõi của các thế hệ cha ông, là niềm tự hào của người dân địa phương xưa nay" - đồng chí Nguyễn Thị Lan Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ.
Theo những cụ cao niên trong làng, những năm 60 của thế kỷ trước, do ảnh hưởng của cuộc cách mạng văn hóa, đình Bình Ngọc từng trở thành kho của HTX chuyên để lưới, chài, thóc, lúa của ngư dân trong vùng. Thời chống Pháp, đình làng trở thành địa điểm cho những lớp học, nơi trú ngụ của bộ đội. Sau năm 1972, đình Bình Ngọc thành trụ sở UBND xã.
Ban đầu, đình có kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian, cấu kiện nội thất bái đường gồm 12 cây cột cái to, chắc, sơn son thiếp vàng và 12 cây cột quân, các cột đều bằng gỗ lim, kê trên tảng đá, trên bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật, mái lợp mũi hài thời Nguyễn. Do chiến tranh, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi đình dần bị tàn phá.
Về sau, đình được khôi phục, xây dựng trên đúng vị trí của ngôi đình cổ với diện mạo như ngày nay vào năm 2019. Nơi đây không chỉ là nơi thờ cúng vị Thành hoàng làng có công khai hoang, mở mang bờ cõi mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người dân Bình Ngọc. Năm 2020, đình Bình Ngọc vinh dự được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đình Bình Ngọc là công trình kiến trúc văn hóa được nhân dân xây dựng để thờ Thành hoàng làng và các vị tiền nhân có công khai phá, mở mang và gìn giữ bờ cõi, gồm hai vị nhân thần là Không Lộ và Giác Hải, các vị nhiên thần gồm Bạch Điểm Tước, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch, Ngọc Sơn. Đình còn là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa của cộng đồng dân cư.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, đình Bình Ngọc vẫn lưu giữ được di vật cổ có giá trị về văn hóa nghệ thuật, được nhân dân trân trọng giữ gìn như những sắc phong thời Nguyễn làm từ chất liệu giấy dó được lưu giữ cẩn thận, còn nguyên trạng, sắc nét như mới... Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn giữ được nét uy nghi cổ kính của mái đình cổ nơi miền biên viễn. Không gian gian thờ chính gồm bức hoành phi, câu đối, bài vị ngai thờ được đặt trang trọng hai bên thể hiện sự linh thiêng chốn thờ tự.
Hằng năm, cứ đến 30/5-1/6 âm lịch sẽ diễn ra lễ hội đình Bình Ngọc với nhiều nghi lễ truyền thống, như rước thần, thi ông Voi, phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Không những thế, không gian đình Bình Ngọc còn là địa điểm tổ chức lễ để tưởng nhớ công ơn tổ tiên vào ngày hội chọi trâu Đồ Sơn hằng năm vì cái lẽ đơn giản “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”; nơi tổ chức lễ hội gói bánh chưng xuân đặc sắc và nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng khác.
Có thể nói, cùng với mái đình làng biển Trà Cổ, đình Bình Ngọc là minh chứng cho những dấu ấn lịch sử miền biên viễn, là cột mốc văn hóa ở nơi địa đầu của Tổ quốc.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()