Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 15:45 (GMT +7)
Điều trị triệu chứng khi mắc COVID-19
Thứ 2, 08/05/2023 | 07:52:11 [GMT +7] A A
Các triệu chứng thường gặp khi mắc COVID-19 bao gồm sốt, ho, đau rát họng, buồn nôn, nôn, đi lỏng... Một số loại thuốc sau đây có thể được chỉ định để làm giảm nhẹ các triệu chứng nói trên, giúp người bệnh bớt khó chịu.
Khi virus xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chiến đấu với virus và biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng sau:
1. Sốt
Sốt là biểu hiện cơ thể đang chiến đấu với virus, có thể kéo dài từ 3-4 ngày. Nếu sốt nhẹ, không quá ảnh hưởng đến cơ thể, thì cũng chưa cần hạ sốt. Ở những người miễn dịch kém (dùng thuốc ức chế miễn dịch) thì hầu như không sốt.
Các loại thuốc hạ sốt có thể dùng:
-
Paracetamol: Dùng liều 10-15mg/kg cân nặng, cách nhau 4-6 tiếng, ngày không quá 4 lần. Thuốc an toàn với hầu hết các đối tượng. Cần lưu ý sử dụng đúng liều, tránh nguy cơ quá liều gây độc cho gan, thận.
-
Ibuprofen: Có thể sử dụng khi không dùng được paracetamol. Liều dùng cho trẻ em 10mg/kg cân nặng, cách nhau 6-8 tiếng, ngày không quá 3 lần.
Ngoài việc dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn, cần bù đủ nước và điện giải để cơ thể đỡ mệt mỏi. Điện giải ở đây chủ yếu là kali, natri và clo, tức kali và muối ăn. Đây chính là các thành phần rất quan trọng để đảm bảo việc dẫn truyền thần kinh và co cơ. Hiện có oresol, các gói bổ sung điện giải, nước dừa, nước cháo, chanh muối... là những sản phẩm thông dụng.
2. Ho do mắc COVID-19
Ho, về bản chất là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, ho nhiều quá gây mệt, gây khó ngủ thì cần điều trị.
Cần phân biệt 2 loại, ho khan và ho có đờm, vì cách xử lý sẽ khác nhau.
- Ho khan, thường do nhiễm virus, gây kích ứng đường hô hấp.
- Ho có đờm, thường do có bệnh mạn tính về đường hô hấp hoặc do nhiễm vi khuẩn.
Ho khan thì có thể dùng thuốc giảm ho. Ho có đờm thì không nên dùng thuốc giảm ho, mà nên dùng thuốc long đờm.
2.1 Các loại thuốc giảm ho
- Thuốc giảm ho ức chế trung khu hô hấp như codein, dextromethorphan...
+ Codein có tác dụng giảm ho do ức chế trực tiếp trung tâm ho, nhưng làm khô và tăng độ quánh của dịch tiết phế quản. Dùng codein trong trường hợp ho khan gây khó chịu, mất ngủ và trong các chứng đau nhẹ và vừa. Chống chỉ định với trẻ em dưới 1 tuổi, bệnh gan, suy hô hấp, phụ nữ có thai...
+ Dextromethorphan có tác dụng chống ho tương tự codein, nhưng ít gây tác dụng phụ, chỉ định tốt trong trường hợp ho khan, mạn tính. Chống chỉ định trong các trường hợp quá mẫn với thuốc, trẻ em dưới 2 tuổi, đang điều trị bằng thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO). Thận trọng với người có nguy cơ hoặc đang suy giảm hô hấp, tiền sử bị hen, dị ứng.
- Thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin thế hệ cũ như chlopheniramin, alimemazin, diphenhydramin... chỉ định điều trị các chứng ho khan do dị ứng, do kích thích, nhất là về ban đêm. Tuy nhiên, thuốc gây tác dụng phụ phổ biến là buồn ngủ.
- Thuốc giảm ho thảo dược có các thành phần như mật ong, bạc hà, thảo dược... làm giảm kích thích đường hô hấp.
2.2 Các loại thuốc long đờm
- Các thuốc làm tăng dịch tiết như guaiphenesine, terpin, eucalyptol... là chất kích thích niêm mạc dạ dày hoặc bản chất là tinh dầu, có tác dụng kích thích các tế bào niêm mạc đường hô hấp tăng tiết dịch. Lưu ý khi dùng các thuốc này cần uống nhiều nước.
- Các thuốc tiêu nhầy như N-acetyl cystein, bromhexin, ambroxol... Cần lưu ý những vấn đề sau khi dùng thuốc tiêu nhầy:
- Thuốc có thể gây co thắt phế quản nên chống chỉ định cho người hen phế quản.
- Thuốc làm tiêu màng nhầy bảo vệ dạ dày nên có thể làm bệnh nhân dạ dày tá tràng bị nặng hơn.
- Không dùng các thuốc long đờm quá 10 ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
2.3 Xử trí ho kéo dài sau khi âm tính với COVID-19
- Ho khan: Tình trạng này có thể virus chưa hết hẳn, hoặc nhiễm virus đường hô hấp khác hoặc ho do dị ứng, do khói thuốc, hóa chất...
Cách xử lý là dùng giảm ho bổ phế + thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như alimemazine, diphenhydramin...
Một số trường hợp là do trào ngược dạ dày thực quản, do khi bị COVID-19, dễ lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều... có thể gây tăng tiết acid dạ dày, gây rối loạn co thắt dạ dày thực quản, cũng gây ho khan. Trường hợp này cần dùng kháng acid để trung hòa dịch vị dạ đay, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.
- Ho có đờm: Có thể do viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này phải đi khám để dùng kháng sinh phù hợp + long đờm (thường dùng loại ambroxol).
Hoặc cũng có thể do các bệnh phổi khác như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản.. Khi đó cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được xử lý triệt để.
- Ho do nấm đường hô hấp: Việc dùng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch... có thể khiến một số loại nấm phát triển, dù bình thường không gây bệnh.
Nếu dùng các biện pháp điều trị ở trên mà vẫn ho kéo dài thì cần nghĩ đến nhiễm nấm. Khi đó cũng phải có bác sĩ chuyên khoa thăm khám và sử dụng thuốc chống nấm (thường rất hại gan) để điều trị triệt để.
Với các trường hợp ho kèm khó thở dạng rít, co thắt phế quản kiểu hen thì nên dùng ventolin (giãn phế quản) + một loại corticoid dạng xịt như pulmicort/rhinocort/symbicort hoặc seretide/flixonase/flixotide.
3. Đau họng, rát họng
- Nên dùng máy lọc không khí, máy tạo ẩm để có nguồn không khí sạch và không bị khô.
- Ăn đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên đồ ăn mềm, loãng, uống đủ nước.
- Các biện pháp dân gian như chanh-quất, gừng-tỏi hấp với mật ong, đường phèn vừa làm dịu niêm mạc họng, vừa giảm ho tiêu đờm.
- Súc họng nước muối sinh lý. Các dung dịch súc họng có povidone iodin (thận trọng ở người đang điều trị bệnh tuyến giáp), chlorhexidin, các loại dung dịch chứa tinh dầu giúp tăng tiết dịch đường hô hấp như tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, tinh dầu tràm...
- Có thể dùng alphachoay giúp giảm sưng nề, viên ngậm tác dụng tại chỗ như lysopaine, dorithricin, strepsils hoặc dung dịch xịt họng như aginovag. Thuốc giảm đau có thể dùng là paracetamol hoặc ibuprofen.
4. Buồn nôn và nôn
Đây cũng là các phản xạ để loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể, tuy nhiên việc nôn ra ngoài khiến cơ thể bị mất điện giải, rất mệt mỏi, nên cần dùng thuốc để hạn chế tình trạng nôn của người bệnh.
Nên kiên nhẫn cho người bệnh ăn, uống từng lượng nhỏ, đặc biệt với trẻ em, có thể cho từng thìa, nghỉ 1-2 phút, cho thêm thìa nữa...
Để chống nôn, có thể dùng gừng, thuốc chống co thắt đường tiêu hóa như papaverin, drotaverin (nospa), thuốc chống nôn như motilium-M, primperan... Lưu ý, cần thận trọng khi dùng thuốc chống nôn cho trẻ em, nên ưu tiên các biện pháp dân gian.
Một số trường hợp, buồn nôn và nôn do thiếu máu nuôi tiền đình, dùng tanganil và các thuốc tăng tuần hoàn não như beta histidine, piracetam...
5. Đi lỏng
Đây là do tổn thương đường tiêu hóa, có thể do virus hoặc vi khuẩn, cơ thể cần tống các chất độc hại ra ngoài. Tuy nhiên, đi lỏng quá nhiều khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước và điện giải nên cần hạn chế, nhất thiết phải bù nước, điện giải.
Có loại thuốc cầm đi lỏng như loperamid, khiến cơ trơn đường tiêu hóa giảm co bóp, tuy nhiên, không nên lạm dụng.
Nên dùng smecta, như một lớp tráng, bao phủ niêm mạc ruột bị tổn thương hoặc có thể thay bằng gastropulgite nếu có vấn đề dạ dày. Tổn thương ruột có thể làm vi khuẩn, virus khác phát triển, dùng berberin là giải pháp tốt, hiệu quả và ít gây hại (berberin không hấp thu vào máu, chỉ ở trong đường tiêu hóa)...
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()