Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:04 (GMT +7)
Điều trị rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em
Thứ 5, 04/04/2024 | 13:44:27 [GMT +7] A A
Rối loạn phổ tự kỷ là các rối loạn về tâm lý, thần kinh, đặc trưng bởi sự suy giảm tương tác và khả năng giao tiếp xã hội. Rối loạn phổ tự kỷ bắt đầu từ thời thơ ấu. Việc phát hiện và điều trị sớm, chuyên sâu có thể giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống.
Tại Việt Nam, thống kê tại Khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương) giai đoạn 2016-2018 cho thấy tỷ lệ phát hiện trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại phòng khám ngoại trú chiếm 18,26%, cao nhất trong các nguyên nhân trẻ đến khám tại đây.
Tại Quảng Ninh cũng ghi nhận sự gia tăng số trẻ khám và điều trị rối loạn phổ tự kỷ qua các năm. Bác sĩ CKI Kiều Thị Hạnh, Phụ trách Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết: Trẻ được đưa đến khám vì rối loạn phổ tự kỷ là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguyên nhân đến khám tại phòng khám Tâm bệnh - Phục hồi chức năng của bệnh viện. Năm 2022 có khoảng 450 lượt điều trị, năm 2023 con số này khoảng 550 lượt.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phụ trách Khoa Tâm lý trị liệu (Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh) năm 2022 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ điều trị nội trú tại khoa là 821 lượt trẻ, đến năm 2023 đã tăng lên 1.306 lượt trẻ. Số lượt trẻ điều trị nội trú từ tháng 1/2024 đến nay cũng cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ vẫn chưa xác định được chính xác nhưng đã có những nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân bao gồm: Yếu tố di truyền, yếu tố sinh học, yếu tố miễn dịch, yếu tố giải phẫu thần kinh, yếu tố sinh hóa, yếu tố tâm lý xã hội và gia đình.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị mắc bệnh rối loạn phổ tự kỷ thường gặp như: Không cười tươi hay có các cách biểu cảm nồng nhiệt tươi tắn khác ở 6 tháng tuổi hoặc lớn hơn; không trao đổi qua lại về âm thanh, nụ cười hay biểu cảm khuôn mặt với người đối diện ở độ 9 tháng tuổi hoặc lớn hơn; đến 12 tháng tuổi vẫn chưa bập bẹ; không có cử chỉ như chỉ ngón, chỉ cho thấy, với, hay vẫy tay trước 12 tháng tuổi; đến 16 tháng tuổi vẫn chưa nói được từ đơn; đến 24 tháng tuổi vẫn chưa nói được các cụm 2 từ có nghĩa (không phải do bắt chước hay lặp lại); bất kỳ dấu hiệu mất tiếng nói hay bập bẹ hay kỹ năng xã hội ở bất kỳ lứa tuổi nào...
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, gia đình cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế có chuyên môn về khám và đánh giá trẻ tự kỷ để được thực hiện các kỹ thuật đánh giá chuyên sâu dựa vào bảng phân loại bệnh quốc tế hoặc cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần, nhằm đưa ra được các chẩn đoán về rối loạn phổ tự kỷ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phụ trách Khoa Tâm lý trị liệu (Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh) cho biết: Trong can thiệp trẻ tự kỷ, can thiệp sớm là vô cùng quan trọng, mỗi trường hợp tự kỷ cần có một chương trình can thiệp phù hợp dựa trên những khiếm khuyết và vấn đề của trẻ. Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho rối loạn phổ tự kỷ. Thuốc có thể giúp đỡ trong việc quản lý hành vi giận dữ, tăng động, không chú ý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu.
Điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ hiện nay cần phối hợp đa chuyên ngành, tạo sự thống nhất từ khâu khám, đánh giá tâm lý, lên chương trình can thiệp phù hợp, thực hiện các kỹ thuật như trị liệu ngôn ngữ, hoạt động trị liệu, kích thích phát âm, xoa bóp bấm huyệt điều trị trẻ tự kỷ… Điều trị cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ sở điều trị và gia đình.
Trẻ tự kỷ cần được phát hiện sớm và can thiệp sớm nhất có thể. Việc cha mẹ chấp nhận chẩn đoán là yếu tố thuận lợi để trẻ cải thiện theo chiều hướng tốt và ngược lại. Gia đình cần hạn chế cho trẻ sử dụng ti vi điện thoại, đồ công nghệ khác, cần tạo một môi trường tương tác thuận lợi cho trẻ trong giai đoạn đầu đời (từ 0 đến 24 tháng tuổi) sẽ góp phần hạn chế khiếm khuyết cho trẻ tự kỷ.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()