Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:55 (GMT +7)
Điều trị cúm B tại nhà cần tránh sai lầm gì?
Thứ 5, 17/11/2022 | 12:31:31 [GMT +7] A A
Số bệnh nhân mắc cúm, trong đó cúm B ở trẻ nhỏ đang gia tăng mạnh. Cúm B là bệnh cúm phổ biến và lành tính, có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên khi điều trị cúm B tại nhà cần lưu ý một số vấn đề để tránh triệu chứng tăng nặng hơn.
Cũng tương tự như cúm A thì cúm B cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế mà các biện pháp áp dụng chủ yếu giúp giảm nhẹ triệu chứng và rút ngắn thời gian phục hồi (nếu có thể) khi mắc bệnh.
Các triệu chứng của cúm B thường có xu hướng xuất hiện đột ngột, có thể là:
- Mệt mỏi
- Ho, thường là ho khan
- Nghẹt mũi hoặc sổ mũi
- Đau họng
- Đau cơ
- Nhức mỏi cơ thể
- Đau đầu
- Sốt.
Người bị cúm B cũng có thể bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, những triệu chứng này thường phổ biến hơn ở trẻ em so với người lớn. Cảm lạnh thông thường có thể có các biểu hiện tương tự như cúm B nhưng so về tốc độ xuất hiện triệu chứng thì cảm lạnh thường xuất hiện chậm hơn.
1. Những sai lầm cần tránh khi điều trị cúm B tại nhà
Cúm B phổ biến với hai chủng cúm B/Yamagata và cúm B/Victoria với thời gian ủ bệnh khá ngắn, thường là từ 1 - 3 ngày và hầu như không có các triệu chứng rõ ràng trong thời gian này. Sau đó khởi phát triệu chứng với cơn sốt nhẹ hoặc có thể sốt cao lên đến 41 độ C cùng với các triệu chứng khác như đau họng, sổ mũi, hắt xì hay ho.
Tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe cũng như cách chăm sóc mà thời gian hồi phục của người mắc cúm B sẽ khác nhau. Có một số sai lầm khi điều trị cúm B tại nhà mà bạn cần tránh, bao gồm:
1.1. Nghỉ ngơi không đủ và bỏ qua các triệu chứng
Khi bị cúm B hay bất kì bệnh cúm nào khác (gọi chung là ốm) thì việc đầu tiên chính là phải ưu tiên nghỉ ngơi đầy đủ. Nghỉ ngơi giúp cơ thể bạn có thời gian phục hồi và đủ năng lượng chống lại sự xâm nhập của virus cúm.
Nếu bạn không nghỉ ngơi đủ, cơ thể sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục hơn cũng như làm tăng nguy cơ trầm trọng hơn các triệu chứng. Nghỉ ngơi nhiều cũng đồng nghĩa với việc bạn nên dành thời gian để ngủ giúp hệ miễn dịch chống lại sự lây nhiễm. Nếu như các triệu chứng cúm B như ho hay nghẹt mũi khiến bạn khó chịu, bạn có thể cải thiện bằng máy tạo độ ẩm, thuốc xịt mũi hay một ít nước chanh mật ong ấm để làm dịu đường thở.
Việc coi thường những cơn sốt, ho, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, nhất là trong mùa cảm cúm sẽ làm tăng nguy cơ cho bản thân bạn và những người xung quanh do cúm là bệnh lây qua các giọt bắn đường hô hấp. Trong đó với cúm B, bệnh chỉ lây từ người sang người - điều này khác với cúm A.
Hơn nữa, khi mà dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì sàng lọc triệu chứng và xác nhận nguyên nhân gây ra là gì sẽ giúp bạn có những cách thức ứng phó tốt hơn. Ngoài ra, với người đang có các bệnh nền như hen suyễn, bệnh tim, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay các vấn đề về gan, thận thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế khi nhận thấy các triệu chứng cúm B. Bởi nhóm người này có nguy cơ bị biến chứng nặng và nguy hiểm hơn so với người khỏe mạnh.
Các biến chứng của cúm B chủ yếu là biến chứng hô hấp bao gồm:
- Viêm phổi tiên phát
Với các triệu chứng như sốt cao liên tục trên 39 độ C từ 3 - 5 ngày không giảm; khó thở, thở nhanh, thở gấp dẫn tới suy hô hấp, suy tuần hoàn. Bệnh nhân có thể bị ho có đờm. Khi quan sát da thấy có màu xanh tái kèm theo run tay chân.
- Viêm phổi thứ phát
Biến chứng cúm B này thường gặp ở người sẵn có bệnh nền mãn tính, ở trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, người có đề kháng yếu.
- Biến chứng tim mạch bao gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tuần hoàn
- Biến chứng thần kinh như viêm màng não, viêm não tủy, viêm não, viêm đa dây thần kinh hay viêm rễ thần kinh.
Ngoài ra ở phụ nữ mang thai, nhiễm cúm B làm tăng nguy cơ sảy thai hay dị tật thai nhi, đặc biệt ở 3 tháng đầu. Ở trẻ sơ sinh bị nhiễm cúm B không can thiệp sớm có thể dẫn tới viêm tai, viêm xương chũm hay nhiễm độc thần kinh.
1.2. Không uống đủ nước, chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý
Không khó khi thấy rằng việc nhiễm cúm hay cảm lạnh khiến nhiều người không muốn ăn hoặc không muốn uống. Nhưng điều quan trọng mà người nhiễm cúm B cần nhớ rằng phải uống nhiều nước bởi màng nhầy của bạn phải đủ ẩm ướt để "bẫy và loại bỏ" đã xâm nhập vào khoang mũi của bạn tốt hơn. Bên cạnh đó uống nước cũng giúp cơ thể thải bỏ các chất độc khác và giảm bớt các triệu chứng cúm khác như mệt mỏi hay đau họng, đau đầu.
Các loại trà ấm thảo dược như trà hoa cúc, trà bạc hà, trà xanh, trà chanh mật ong có thể là lựa chọn phù hợp thay thế nếu bạn cảm thấy nước lọc vô vị và khó uống.
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý khi bị cúm kể cả khi bạn bị đau họng, khó nuốt luôn cần thiết. Thay vì các món ăn cứng, khó tiêu hóa bạn có thể ưu tiên các món dễ nuốt như cháo, súp, các món hầm nhiều calo và dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho các tế bào miễn dịch tấn công lại virus cúm. Từ đó rút ngắn thời gian phục hồi.
Nếu việc ăn một bữa chính hoàn chỉnh khiến bạn bị quá tải, bạn có thể chia nhỏ thành nhiều hữa hơn mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng.
1.3. Phụ thuộc vào thuốc kháng sinh
Có nhiều biện pháp tự nhiên giúp giảm triệu chứng cúm B tại nhà thay vì chỉ ưu tiên sử dụng kháng sinh. Hơn nữa, nếu bạn cho rằng bị cúm, uống kháng sinh sẽ giúp bạn khỏi bệnh là hoàn toàn sai lầm. Kháng sinh chỉ có tác dụng trong việc tiêu diệt vi khuẩn chứ không phải virus.
Một số biện pháp tự nhiên giúp giảm triệu chứng cúm B tại nhà có thể tham khảo như:
- Bù ẩm, xông hơi nước giảm nghẹt (ngạt) mũi
- Giảm kích thích họng bằng các loại trà, súp ấm
- Giảm ho bằng các loại viên ngậm (chỉ sử dụng cho trẻ trên 5 tuổi)
Tất nhiên là các loại thuốc giảm triệu chứng có thể hữu ích, tuy nhiên bạn cần sử dụng đúng, đủ liều lượng theo tư vấn của bác sĩ. Các thuốc điều trị giảm triệu chứng cúm B như Ibuprofen hoặc Acetaminophen (Tylenol).
Thuốc kháng virus có thể được chỉ định trong 48 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên, FDA đã phê duyệt một số loại thuốc kháng virus trong điều trị cúm B bao gồm: Zanamivir (Relenza); Oseltamivir (Tamiflu); Peramivir (Rapivab) và Baloxavir Marbocyl (Xofluza).
Ngoài ra nhiều người có thói quen kết hợp nhiều loại kháng sinh giảm triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, giảm ho và thông mũi. Vấn đề phát sinh là bạn có thể gặp phải tương tác thuốc hoặc gấp đôi liều lượng do trùng thành phần mà không chú ý dẫn gây tác động tiêu cực tới gan cũng như các tác dụng phụ khác chẳng hạn như tiêu chảy thậm chí là sốc phản v.ệ.
2. Bị cúm B khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Như đã nói ở trên, mặc dù cúm B là bệnh lành tính hơn so với cúm A nhưng nếu chủ quan bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề nhất là với nhóm có yếu tố nguy cơ tăng nặng cao bao gồm:
+ Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 2 tuổi
+ Trẻ bị mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, suy thận, xơ gan, béo phì, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, tim bẩn sinh hoặc chậm phát triển trí tuệ
+ Người trên 65 tuổi
+ Phụ nữ có thai
+ Người lớn bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc đang điều trị bằng các liệu pháp miễn dịch.
Bị cúm B khi nào cần thăm khám bác sĩ?
- Đối với người lớn: Khó thở, thở gấp, sốt cao trên 39 độ kéo dài không đáp ứng với các biện pháp hạ sốt, bị đau tức ngực, chóng mặt buồn nôn và nôn nhiều, tiêu chảy kéo dài,...
- Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cần cho trẻ thăm khám ngay khi trẻ có biểu hiện khó thở, bỏ ăn, bỏ bú, ngủ li bì khó đánh thức, da xanh tái, sốt cao trên 38,5 độ C kèm phát ban kéo dài, nôn mửa nhiều; trẻ sốt trở lại với mức độ nặng hơn; mắt trũng sâu; không chảy nước mắt,...
Cúm B là bệnh dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và cần 5 - 7 ngày để các triệu chứng bệnh được đẩy lùi và thuyên giảm. Tuy nhiên không nên chủ quan khi nhiễm bệnh, cần theo dõi sát sao các triệu chứng bất thường để can thiệp khi cần thiết, tránh chủ quan dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()