Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:14 (GMT +7)
Điều tra sai phạm trong việc cấp hồ sơ cho lao động nước ngoài
Thứ 7, 23/04/2022 | 16:01:57 [GMT +7] A A
Cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để trục lợi.
Nhưng không dừng lại đó, ngày 22/4, tin từ Thanh tra TP Đà Nẵng cũng cho biết, vừa có kết luận và kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra, làm rõ việc cấp phép 10 hồ sơ cho lao động nước ngoài (LĐNN) tại 4 doanh nghiệp và 2 hồ sơ chấp thuận nhu cầu sử dụng LĐNN có dấu hiệu tội phạm…
Theo Kết luận thanh tra, thời gian qua, số lượng lao động là người nước ngoài vào làm việc trên địa bàn TP Đà Nẵng tăng lên đáng kể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP Đà Nẵng đã tham mưu cho UBND TP và tổ chức thực hiện quản lý, cấp giấy phép lao động (GPLĐ) đối với người LĐNN làm việc trên địa bàn theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý, cấp phép cần chấn chỉnh và xử lý triệt để; như hồ sơ thẩm định, chấp thuận nhu cầu sử dụng LĐNN còn sơ sài về thẩm định, kiểm tra thông tin và chấp thuận nhu cầu sử dụng LĐNN của các doanh nghiệp, tổ chức… ban hành văn bản chấp thuận không thống nhất về nội dung.
Về cấp GPLĐ, nhiều hồ sơ không có bản chính hoặc bản sao có chứng thực Hợp đồng lao động (HĐLĐ); không có bản sao có chứng thực hộ chiếu; thông tin về thời gian làm việc của người lao động tại các tổ chức ở nước ngoài thể hiện trên giấy tờ chứng nhận kinh nghiệm làm việc đã được xác nhận trùng với thời gian người lao động tạm trú tại Việt Nam; thông tin tên và ngành nghề kinh doanh không chính xác; HĐLĐ ký trước thời điểm cấp GPLĐ là không đúng quy định.
Cụ thể, có 72 hồ sơ không có bản chính hoặc bản sao có chứng thực HĐLĐ; 1 hồ sơ không có bản sao có chứng thực hộ chiếu; 3 hồ sơ không có bản chính hoặc bản sao có chứng thực HĐLĐ, đồng thời, thời gian làm việc của người lao động tại các tổ chức ở nước ngoài thể hiện trên 3 giấy tờ chứng nhận kinh nghiệm làm việc được xác nhận trùng với thời gian người lao động tạm trú tại Việt Nam; có 1 trường hợp có thông tin tên và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp trên văn bản đề nghị cấp giấy phép cho người LĐNN không đúng với thông tin trên Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh; 1 trường hợp khác người sử dụng lao động ký kết HĐLĐ vào ngày 18/8/2020, trước thời điểm cấp GPLĐ 1 tuần (vào ngày 25/8/2020).
Ngoài ra, có 13 hồ sơ cấp GPLĐ năm 2021, qua kiểm tra thể hiện thông tin trùng lặp về địa điểm công chứng, khám sức khỏe, người dịch hồ sơ, người nộp hồ sơ không có thông tin nhân thân, không có Giấy giới thiệu hoặc Giấy ủy quyền của doanh nghiệp xin cấp phép.
Về công tác thu hồi GPLĐ, Sở LĐ,TB&XH chỉ thực hiện xác nhận, thu hồi GPLĐ đối với các trường hợp do người sử dụng lao động trả lại, không rà soát, kiểm tra để kịp thời xử lý theo quy định đối với các trường hợp GPLĐ hết thời hạn mà người sử dụng lao động chưa làm thủ tục gia hạn, cấp lại hoặc người LĐNN đã chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn mà người sử dụng lao động không thu hồi GPLĐ và làm thủ tục hoàn trả theo quy định.
Bên cạnh đó, việc thực hiện trả GPLĐ đối với người LĐNN cho đơn vị, doanh nghiệp sử dụng người LĐNN tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở LĐ,TB&XH thể hiện rất sơ sài, chỉ thể hiện tên người sử dụng lao động, không ghi rõ số GPLĐ, số văn bản cần trả.
Đối với người nhận chỉ có chữ ký, không ghi rõ họ tên, không có thông tin nhân thân người nhận, giấy tờ chứng minh người nhận kết quả là đại diện cho doanh nghiệp, hoặc được ủy quyền nhận thay, dẫn đến một số trường hợp giao trả GPLĐ không đúng đối tượng, không xác định được đối tượng đang sử dụng GPLĐ. Có trường hợp Sở LĐ,TB&XH đã cấp GPLĐ và bàn giao cho người nhận nhưng qua xác minh có 3 doanh nghiệp phản ánh không nhận được GPLĐ, hoặc không biết và không làm thủ tục đề nghị cấp GPLĐ.
Qua xác minh thực tế có 11/17 tổ chức, doanh nghiệp mắc sai phạm trong quản lý, sử dụng LĐNN. Trong đó, 1 doanh nghiệp có xây dựng và thực hiện theo hệ thống thang, bảng lương nhưng không đảm bảo mức tối thiểu vùng theo quy định; 5 doanh nghiệp không xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định, không lập sổ quản lý LĐNN; 9 doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các báo cáo về tình hình sử dụng LĐNN, 8 doanh nghiệp không đăng ký tham gia hoặc đăng ký tham gia chưa đầy đủ BHXH cho người LĐNN; 1 doanh nghiệp có 2 trường hợp HĐLĐ không quy định thời hạn và 1 doanh nghiệp không ký kết HĐLĐ với người LĐNN.
Đáng chú ý, đối với 10 hồ sơ cấp phép LĐNN của 4 doanh nghiệp có dấu hiệu làm giả hồ sơ để người nước ngoài nhập cảnh, hoặc ở lại Việt Nam dưới dạng chuyên gia nhưng qua kiểm tra thực tế không làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp.
Tất cả các GPLĐ của LĐNN được nêu trên tại thời điểm kiểm tra thực tế chưa được thu hồi và không xác định được đối tượng đang sử dụng GPLĐ; có dấu hiệu tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Tương tự, có 2 hồ sơ chấp thuận nhu cầu sử dụng LĐNN của 2 DN có dấu hiệu vi phạm hình sự về các tội làm giả con dấu, tài liệu; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng kiến nghị Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh về những hạn chế, thiếu sót trong quản lý, cấp GPLĐ cho LĐNN trên địa bàn. Đồng thời, chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng để tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 10 hồ sơ cấp phép LĐNN tại 4 DN và 2 hồ sơ chấp thuận nhu cầu sử dụng LĐNN có dấu hiệu tội phạm theo quy định.
Theo cand.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()