Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:31 (GMT +7)
Điều gì sẽ xảy ra khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu?
Thứ 5, 14/04/2022 | 15:42:44 [GMT +7] A A
Hiện các nhà khoa học đang tìm lời giải dựa trên những dữ liệu của các loại bệnh đặc hữu phổ biến trong nhiều năm trở lại đây.
Đại dịch COVID-19 kéo dài sang năm thứ ba và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất và COVID-19 sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu. Vậy bệnh đặc hữu COVID-19 là như thế nào và khi nào trạng thái dịch tễ này sẽ được thiết lập?
Giữa tháng 3 vừa qua, các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã bắt đầu thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19. Chuyển trạng thái ứng phó COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Tuy nhiên COVID-19 trở thành đặc hữu như thế nào vẫn còn là một bí ẩn khi bản thân các bệnh đặc hữu có nhiều dạng khác nhau.
Bệnh đặc hữu là gì?
Theo Thời báo New York, về cơ bản, bệnh đặc hữu là loại bệnh hiện diện thường xuyên, lặp đi lại lại qua các năm và có thể dự đoán được. Các bệnh đặc hữu lây nhiễm cho hàng triệu người trên thế giới mỗi năm, tuy nhiên tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Có thể tiêm chủng và điều trị được. Điều gì sẽ xảy ra khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu, các nhà khoa học đang tìm lời giải dựa trên những dữ liệu của các loại bệnh đặc hữu phổ biến trong nhiều năm trở lại đây.
Theo dữ liệu của Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, các bệnh đặc hữu phổ biến là cúm mùa, sốt rét, viêm gan B, sốt xuất huyết, lao phổi và HIV/AIDS. Trong đó sốt rét và cúm đã khiến hơn 800 nghìn người tử vong trên toàn cầu vào năm 2019. Nhiều nhà khoa học dự đoán, COVID-19 đặc hữu có thể gây ra mối đe dọa tương tự các loại virus đường hô hấp khác.
Theo bà Lone Simonsen - Giám đốc Trung tâm PandemiX, Đại học Roskilde, Đan Mạch: "Tôi cho rằng COVID-19 có thể nhẹ như cảm lạnh và sẽ không gây tử vong nhiều hơn bệnh cúm mùa. Lý do là vì chúng ta đã có khả năng miễn dịch và tiếp tục được tăng cường sau khi nhiễm bệnh".
Ông Hans Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới: "Có khả năng virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục đột biến và tồn tại với chúng ta tương tự như bệnh cúm. Khi đó chúng ta cần điều chỉnh dần dần chiến lược tiêm chủng của mình để phù hợp với sự lây truyền của bệnh".
Các nhà khoa học cho biết, có thể mất vài năm để theo dõi mô hình và dự đoán mô hình lây nhiễm của COVID-19 đặc hữu, tuy nhiên có khả năng các đợt sóng dịch sẽ bùng phát và lắng dịu theo mô hình của cúm mùa.
Biểu đồ thống kê tại Mỹ cho thấy, mô hình lây nhiễm của cúm mùa lặp đi lại lại qua các năm. Dịch thường bùng phát vào mùa đông, thời điểm hệ hô hấp trên dễ bị tổn thương và mọi người có xu hướng giao lưu nhiều hơn trong nhà, không gian kín khiến virus dễ lây lan. Đến mùa hè số ca mắc lại giảm mạnh.
Các nhà khoa học cảnh báo, có thể mất nhiều năm để giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19. Con người đã chứng kiến 4 trận đại dịch cúm trong 100 năm qua. Đại dịch cúm năm 1918-1919 khiến hơn 50 triệu người tử vong trên toàn cầu, và sau đó phải mất 3 năm dịch mới lắng xuống và các đợt lây nhiễm mới dần trở nên ổn định.
Năm dấu hiệu xác định COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu
Nước Mỹ, quốc gia từng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, giờ đang trở lại cuộc sống bình thường và hướng tới coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu. Các chuyên gia dịch tễ tại Mỹ cho biết, có 5 yếu tố để xác định khi nào COVID-19 trở thành một bệnh đặc hữu, đó là số ca mắc, tỷ lệ nhập viện, tử vong, mẫu nước thải và các cụm dịch.
Giới chức y tế Mỹ cho rằng nếu số ca mắc mới dưới 200 ca trên 100.000 dân, tức là mức độ rủi ro là thấp. Trong giai đoạn mới, nếu số ca nhập viện tiếp tục giảm và duy trì ổn định, trong khi tỷ lệ tử vong tại Mỹ ít hơn 100 ca mỗi ngày thì đây cũng là dấu hiệu chứng minh đại dịch đã trở thành bệnh đặc hữu.
Ngoài ra, hệ thống giám sát nước thải của Mỹ ghi nhận 70% các cơ sở nước phát thải có mức độ virus giảm so với 2 tuần trước, là dấu hiệu khác cho thấy dịch có thể đã được kiểm soát. Cơ quan y tế cộng đồng cũng cần phải xác định các cụm dịch thường thấy ở trường học hay công sở có nguy cơ tái bùng phát dịch hay không.
Bệnh đặc hữu sẽ hiện diện thường xuyên, dai dẳng và có thể dự đoán được. Song các chuyên gia dịch tễ Mỹ cũng cảnh báo kể cả khi dịch COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu thì không có nghĩa bệnh này không còn nguy hiểm.
Lưu ý khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu
Thực tế đã chỉ ra rằng, một bệnh đặc hữu có thể lan rộng và gây tử vong, như bệnh sốt rét chẳng hạn. Các nhà khoa học khuyến nghị, để chung sống an toàn với COVID-19 cần lưu ý 4 yếu tố sau.
Thứ nhất: Không chủ quan coi nhẹ nguy cơ bệnh. Thứ hai: Có cái nhìn thực tế về mức độ tử vong do COVID-19. Thứ ba: Sử dụng các vũ khí hiệu quả bao gồm vaccine, thuốc kháng virus, xét nghiệm. Và cuối cùng, phải đầu tư vào các loại vaccine có khả năng bảo vệ con người trước nhiều biến thể mới của virus.
Các chuyên gia nhấn mạnh cần giữ tâm lý cảnh giác, khi mắc COVID-19, có thể chỉ 1 tuần là khỏi bệnh, nhưng hội chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng sau đó. Chuyên gia Đức cảnh báo về hiện tượng mệt mỏi kéo dài được mô tả như lúc nào cũng trong trạng thái hết pin ở những bệnh nhân hậu COVID. Khi trở thành bệnh đặc hữu, có khả năng tình trạng hậu COVID-19 sẽ phổ biến hơn và cộng đồng cần lưu ý về hiện tượng này.
Tình trạng mệt mỏi kéo dài hậu COVID-19
Chị Roshini Diwakar, 30 tuổi, người Ấn Độ, từng mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ. Là người tập yoga lâu năm, chị tin rằng mình không gặp vấn đề gì với việc hồi phục. Tuy nhiên, sau đó chị mắc phải tình trạng rối loạn thăng bằng hậu COVID-19, khiến chị ù tai, chóng mặt. "Cảm giác như lúc nào tôi cũng ở trên con thuyền tròng trành vậy. Đi thẳng cũng khó khăn, giữ thăng bằng trở thành việc quá sức với tôi".
Thống kê mới tại Đức cho thấy, ít nhất 10% số bệnh nhân COVID-19 ở nước này phải tiếp tục trải qua tình trạng mệt mỏi kéo dài và nhiều vấn đề khác sau khi khỏi bệnh. Bệnh viện ở một khu nghỉ dưỡng tại Đức đang tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân điều trị hội chứng hậu COVID-19.
Bác sĩ Jordis Frommhold - Trung tâm phục hồi chức năng Median, Đức cho biết: "Người mắc hội chứng hậu COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ trong thời kỳ nhiễm virus, nhưng họ vẫn có nguy cơ mắc phải hội chứng này như mệt mỏi kéo dài, đau đầu, suy giảm trí nhớ, đau cơ đau khớp. Có thể có tới 200 triệu chứng hậu COVID-19".
Một trong những triệu chứng hậu COVID-19 mà nhiều người gặp phải là mệt mỏi kéo dài. Tình trạng này được miêu tả tương tự như việc hết pin. Nếu người bình thường khi thức dậy vào buổi sáng sẽ có 100% năng lượng - hay đầy pin - để làm việc, thì người bị mệt mỏi kéo dài chỉ có lượng pin ít ỏi để hoạt động mỗi ngày, kể cả sau khi được "sạc" sau 1 giấc ngủ dài.
Để hỗ trợ các bệnh nhân hậu COVID-19 phục hồi, các chuyên gia Đức nhấn mạnh vào việc thay đổi nhịp độ sống chậm lại để nghỉ ngơi nhiều hơn. Bệnh viện ở khu nghỉ dưỡng này có lợi thế là không khí trong lành, nhưng những bài tập vận động thể thao lẫn tinh thần nhẹ nhàng, không quá sức cũng là chìa khóa quan trọng để giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo vtv.vn
- WHO: Đại dịch COVID-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu
- Vắc xin - “lá chắn” bảo vệ trẻ em trước Covid-19
- Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
- Sáng 14/4: Chỉ còn 1.205 bệnh nhân COVID-19 nặng; Điều trị thành công F0 nguy kịch vì mắc đái tháo đường
- Việt Nam chuẩn bị 2 kịch bản phòng chống COVID-19 trong thời gian tới
Liên kết website
Ý kiến ()