Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:10 (GMT +7)
Diện tích rừng Amazon bị mất bằng Đức và Pháp cộng lại
Thứ 3, 24/09/2024 | 16:53:28 [GMT +7] A A
Ngày 23/9, các chuyên gia nghiên cứu về môi trường cho biết diện tích rừng Amazon bị mất đi do tình trạng phá rừng trong 4 thập kỷ qua hiện đã tương đương với diện tích của 2 nước Đức và Pháp cộng lại, làm gia tăng tình trạng hạn hán và các đám cháy rừng kỷ lục trên khắp khu vực Nam Mỹ.
Amazon, khu rừng rậm lớn nhất thế giới trải dài qua 9 quốc gia, đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, do khả năng hấp thụ khí carbon dioxide (C02) từ bầu khí quyển. Tuy nhiên, diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể, cộng thêm các đám cháy rừng kỷ lục trong thời gian qua đã khiến lượng khí C02 được hấp thụ giảm đi nhiều, qua đó tích tụ trong bầu khí quyển. Các báo cáo khoa học khác nhau đã chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng thu hẹp diện tích rừng, biến đổi khí hậu và nạn phá rừng do con người và động vật hoang dã gây ra.
Theo tổ chức nghiên cứu RAISG gồm nhiều nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ (NGO), nạn phá rừng - chủ yếu phục vụ mục đích khai thác mỏ và nông nghiệp - đã làm mất 12,5% diện tích che phủ thực vật của rừng Amazon trong khoảng thời gian từ 1985-2023, tương đương với 88 triệu hecta rừng trải dài qua các nước Brazil, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và đảo Guiana thuộc Pháp.
Bà Sandra Rio Caceres, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Lợi ích chung của Peru có đóng góp vào nghiên cứu trên, cho biết diện tích rừng thu hẹp đã khiến khí C02 tích tụ trong bầu khí quyển nhiều hơn, làm đảo lộn hệ sinh thái khí hậu và chu trình thủy văn, từ đó ảnh hưởng rõ rệt đến nhiệt độ. Bà Caceres tin rằng tình trạng mất rừng ở Amazon có liên quan trực tiếp đến nạn hạn hán nghiêm trọng và các đám cháy rừng ở nhiều quốc gia khu vực Nam Mỹ.
World Weather Attribution (WWA), một tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, cũng cho rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các đám cháy rừng ở Amazon và vùng đầm lầy nhiệt đới Pantanal ở phía Nam, khiến lượng lớn khí C02 thải vào bầu khí quyển. Các đám cháy rừng ở 2 khu vực này được đánh giá là tồi tệ nhất trong gần 2 thập kỷ qua.
Cũng theo các chuyên gia nghiên cứu nói trên, hạn hán đã làm mực nước tại một số con sông ở vùng rừng Amazon giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, đe dọa cuộc sống của khoảng 47 triệu người sinh sống ven sông, đồng thời khiến cho các đám cháy rừng lan rộng khó kiểm soát ở Brazil, Ecuador, Colombia, Bolivia, Argentina, Paraguay và Peru.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()