Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 23:46 (GMT +7)
Điện thoại xách tay Trung Quốc không còn là 'món hời'
Thứ 2, 08/01/2024 | 07:38:00 [GMT +7] A A
Ông Thịnh Phạm, ngụ tại TP Hà Nội chọn mua chiếc Xiaomi 13 Ultra tại một cửa hàng nhỏ hồi tháng 9/2023. Sau một thời gian tìm hiểu, khách hàng nói trên quyết định mua chiếc máy Android nội địa Trung Quốc, là loại hàng xách tay với giá 16,5 triệu đồng.
“Tại thời điểm đó, giá bên bán chào hàng rẻ hơn mặt bằng thị trường khoảng 2-3 triệu đồng. Lúc mua máy vẫn nguyên tem nhãn. Tôi đã kiểm tra kỹ, ngoại hình như mới. Không ngờ về sau mới biết đây là hàng trưng bày”, ông Thịnh nói.
Hàng trưng bày đội lốt "máy xách tay"Loại hàng trưng bày (demo) mà khách hàng nói trên chia sẻ là chủ đề được người dùng máy Xiaomi xách tay tại Việt Nam quan tâm gần đây. Cụ thể, nhiều dòng máy tầm trung, cao cấp của thương hiệu Trung Quốc, được ra bán tới người dùng trong nước là các sản phẩm thuộc diện trưng bày, đã qua sử dụng. Người bán đóng lại tem nhãn và bán ra như máy mới, không nói rõ tình trạng.
Đặc điểm chung của dạng máy này là trên hộp có một dòng chữ nhỏ, tiếng Trung Quốc với nội dung đây là sản phẩm trưng bày. Khi mua hàng, chi tiết này thường bị bỏ qua. Đến gần đây, nhiều người dùng bất ngờ khi phát hiện ra mình mua phải điện thoại demo, qua sử dụng. Trong đa số trường hợp, phía cửa hàng không chịu trách nhiệm đổi trả.
“Trên hộp máy của tôi, dòng chữ đó đã bị bôi đen bằng bút dạ. Rõ ràng họ đã biết đây là loại hàng gì từ đầu, nên cố tình che giấu”, ông Thịnh chia sẻ với Tri Thức - Znews. Khách hàng nói trên cho biết chiếc Xiaomi 13 Ultra của mình có pin rất tệ, kém xa sản phẩm mới. Đồng thời, nếu biết trước đây là hàng trưng bày ông sẽ không mua, dù nó có giá rẻ hơn.
Các máy demo phải hoạt động liên tục, bị ảnh hưởng đến các phần cứng như loa, màn hình… Thông thường, sản phẩm này sẽ được tân trang, thanh lý nội bộ với giá rẻ hoặc tiêu hủy.
Nhiều giới hạn về phần mềmNgoài ra gần đây, các nhà sản xuất cũng đặt thêm giới hạn về phần mềm, khiến việc mở khóa, cài tiếng Việt cho điện thoại Trung Quốc khó khăn hơn trước. Ví dụ như với các dòng máy Xiaomi đời mới, chạy giao diện HyperOS, để mở khóa Bootloader người dùng cần có số điện thoại Trung Quốc, tham gia cộng đồng trên app, chờ đủ thời gian và phải được quản trị viên xét duyệt.
Theo ông T.H, một kĩ thuật viên phần mềm di động, ngụ tại TP.HCM, hiện khách hàng cần trả 1,5-2 triệu đồng để cài tiếng Việt cho một máy Xiaomi nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có tỉ lệ thất bại.
Các dòng máy từng được ưa chuộng như OPPO, Realme xách tay cũng gặp tình trạng tương tự. “Realme giới hạn mỗi tháng chỉ có 5.000 máy được mở khóa để cài lại phần mềm. Còn OPPO thao tác kỹ thuật cũng rất khó”, ông Trầm Minh Huy, thợ sửa điện thoại tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ với Tri Thức - Znews. Chi phí để cài phần mềm cho các máy này hiện dao động quanh mốc một triệu đồng.
Như vậy, người dùng mua máy xách tay phải đối mặt với tình trạng hàng kém chất lượng, không được bảo hành từ nhà sản xuất. Ngoài ra, để sử dụng bình thường, họ cần trả thêm một khoản chi phí cho việc cài phần mềm tiếng Việt.
Trước đó, các dòng máy Trung Quốc xách tay được ưa chuộng bởi giá cạnh tranh, rẻ hơn 30-40% so với bản chính hãng tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự can thiệp của các nhà sản xuất khiến loại thiết bị này không còn được ưa chuộng.
Theo người bán, chỉ các dòng máy đặc biệt, không bán ra quốc tế của các thương hiệu Trung Quốc còn được quan tâm. Trong khi đó, dòng điện thoại chính ngạch hiện có nhiều ưu thế.
Theo Znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()