Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:31 (GMT +7)
Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (27/01/1973-27/1/2023) Diễn biến Hội nghị Paris
Thứ 3, 24/01/2023 | 09:08:41 [GMT +7] A A
Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Đây là kết quả của gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới. Năm 1967: Ngày 23-26/01, Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định nâng hoạt động ngoại giao thành một mặt trận để phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị.
Năm 1968: Ngày 13/5, Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Hoa Kỳ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber. Trưởng đoàn VNDCCH là ông Xuân Thủy. Lập trường của Mỹ thời kỳ đầu đàm phán là: cần có sự tham gia của phái đoàn Chính phủ Sài Gòn; Bắc Việt Nam không vi phạm khu phi quân sự, không bắn pháo hay tên lửa vào các thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Phía VNDCCH phản đối những đòi hỏi đó và đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) tham gia hội đàm.
Năm 1969: Ngày 25/01, lần đầu tiên diễn ra đàm phán giữa bốn bên tham chiến để giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam; Hội nghị bốn bên gồm đại diện của VNDCCH, MTDTGPMNVN, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa long trọng khai mạc. Trưởng đoàn MTDTGPMNVN là ông Trần Bửu Kiếm. Ngày 08/5, đoàn MTDTGPMNVN đưa ra tuyên bố của Mặt trận về “Những nguyên tắc và nội dung chủ yếu của giải pháp toàn bộ về vấn đề miền Nam Việt Nam, góp phần lập lại hòa bình ở Việt Nam”, sau đó thường gọi tắt là “Giải pháp toàn bộ 10 điểm”. Bản đề nghị này nêu quan điểm tổng quát của Việt Nam về tất cả các mặt của một giải pháp cho cuộc chiến tranh, nhưng tập trung vào hai nội dung chính: Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện; công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam do Nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết, lập Chính phủ liên hiệp lâm thời để tổ chức Tổng Tuyển cử tự do. Đây là lần đầu tiên một bên tham gia đàm phán đưa ra một giải pháp toàn diện, tổng thể về vấn đề Việt Nam. Ngày 12/6, đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) tham dự phiên họp đầu tiên tại Hội nghị với tư cách là những người đại diện cho Chính phủ Cách mạng lâm thời, thay thế cho Mặt trận. Bộ trưởng Ngoại giao CPCMLTCHMNVN Nguyễn Thị Bình là trưởng đoàn. Trong thời gian này, nhiệm vụ chủ yếu của đấu tranh ngoại giao là thúc đẩy Mỹ xuống thang, đơn phương rút quân Mỹ. Ngay trong tháng 6/1969, Nixon công bố đợt rút quân đầu tiên. Trong tháng 8/1969, bắt đầu các cuộc gặp riêng giữa Xuân Thủy và Kissinger, chủ yếu là để thăm dò sơ bộ.
Năm 1970: Ngày 21/02 diễn ra cuộc gặp riêng đầu tiên giữa Lê Đức Thọ - Xuân Thủy và Kissinger tại Paris. Ngày 14/9, đoàn đàm phán CPCMLTCHMNVN đưa ra tuyên bố “Tám điểm” về giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Ngày 17/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 80 Hội nghị Paris, CPCMLTCHMNVN đưa ra giải pháp “Tám điểm - nói rõ thêm” về một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, trong đó có việc rút quân Mỹ và thả tù binh cùng một thời hạn, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam Việt Nam không có Thiệu - Kỳ - Khiêm. Ngày 18/10, Tổng thống Mỹ Nixon đưa ra “Đề nghị năm điểm” mà không đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 10/12, tại phiên họp toàn thể lần thứ 94 Hội nghị Paris, bà Nguyễn Thị Bình đưa ra “Tuyên bố ba điểm” về ngừng bắn và yêu cầu quân Mỹ rút khỏi miền Nam vào ngày 31/7/1971.
Năm 1971: Ngày 31/5, tại cuộc gặp riêng với Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH Xuân Thủy, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kissinger đưa ra đề nghị “cuối cùng” 7 điểm, đòi tách riêng vấn đề quân sự và vấn đề chính trị, mặc dù trước đây Mỹ định bàn cả hai. Để tăng sức ép với Mỹ và hỗ trợ đấu tranh quân sự và chính trị, ngày 26/6, trong cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ - Kissinger, phía Việt Nam đưa ra “Sáng kiến hòa bình 9 điểm” tập trung vào việc đòi Mỹ thay Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 01/7, trong phiên họp thứ 119 của Hội nghị bốn bên, bà Nguyễn Thị Bình trình bày “Sáng kiến mới gồm 7 điểm, nhằm giải quyết hòa bình vấn đề miền Nam Việt Nam”. Đề nghị 7 điểm là đề nghị quan trọng thứ hai (sau đề nghị 10 điểm tháng 5/1969) được đưa ra tại bàn đàm phán; được dư luận rộng rãi đồng tình và chính giới Mỹ quan tâm. Sáng kiến “9 điểm” và “7 điểm” gần như có cùng một nội dung là đòi Mỹ định thời hạn rút hết quân và lập ở Sài Gòn một chính quyền không có Thiệu. Ngày 16/8, Kissinger đưa ra “Đề nghị 8 điểm”. Về cơ bản Mỹ vẫn giữ lập trường cũ: không muốn giải quyết toàn bộ mà chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự để lấy được tù binh về.
Năm 1972: Ngày 02/02, để tăng sức ép với Mỹ và phối hợp với các hoạt động quân sự đang được chuẩn bị, CPCMLTCHMNVN ra tuyên bố “Hai điểm nói rõ thêm” trong giải pháp 7 điểm ngày 01/7/1971. Ngày 24/3, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô thời hạn. Ngày 30/3, quân và dân Việt Nam mở cuộc Tổng tấn công chiến lược Xuân - Hè, đánh địch trên 5 mặt trận lớn từ Trị Thiên đến đồng bằng Cửu Long. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của chính quyền Nixon thất bại một bước nghiêm trọng. Thắng lợi của đợt tấn công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã phục vụ tích cực cho đấu tranh chính trị và ngoại giao, và nhất là đưa đàm phán Paris đi vào thực chất từ tháng 7/1972.
Ngày 13/7, Mỹ chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể bốn bên ở Paris. Từ tháng 7 đến tháng 9/1972, đã diễn ra bốn cuộc gặp riêng, Việt Nam đã lần lượt đưa ra 3 đề nghị, Mỹ đưa 4 đề nghị. Việt Nam muốn có một hình thức chính quyền liên hiệp; Mỹ muốn giữ chính quyền Sài Gòn, giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam trong khuôn khổ chế độ chính quyền Sài Gòn. Qua ba tháng thương lượng, tranh cãi gay gắt, đàm phán đạt một số thỏa thuận: Mỹ nhận rút hết quân trong ba tháng, thực hiện ngừng bắn tại chỗ ở miền Nam, cam kết chấm dứt dính líu về quân sự, nhận lập ủy ban hòa giải để tổ chức Tổng Tuyển cử.
Tại phiên họp ngày 08/10 - phiên họp bước ngoặt của diễn đàn đàm phán bí mật - Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và dự thảo “Thỏa thuận về quyền tự quyết của Nhân dân miền Nam”. Sức mạnh tấn công, tháo gỡ bế tắc của bản dự thảo Hiệp định 8/10 là ở chỗ tạm gác nhiều vấn đề chính trị nội bộ miền Nam, “giải quyết theo hai bước”, không đòi xóa chính quyền Sài Gòn và gạt Thiệu. Ngay trong chiều 09/10, phía Mỹ đưa ra một phản đề nghị dưới dạng dự thảo hiệp định, trong đó chấp nhận nhiều điều khoản và vấn đề đoàn Việt Nam đã nêu. Việc đưa dự thảo hiệp định 8/10 là một bước có ý nghĩa đột phá trong đàm phán, làm lập trường của hai bên gần nhau và chuyển từ đàm phán khung giải pháp sang đàm phán thẳng các điều khoản của Hiệp định, buộc Mỹ không thể lẩn tránh. Tuy nhiên, cuộc đàm phán vẫn diễn ra gay gắt và kéo dài. Ngày 20/10, hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng, dự định ký Hiệp định ngày 31/10/1972. Việt Nam đã đạt được các mục tiêu đề ra là Mỹ chấm dứt chiến tranh và rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Tuy Kissinger tuyên bố “Hòa bình trong tầm tay”, nhưng ngay sau khi Nixon trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, phía Mỹ lại nêu ra nhiều trở ngại để trì hoãn việc ký Hiệp định. Với việc Việt Nam phê phán thái độ không nghiêm túc của chính quyền Mỹ và dưới sức ép của dư luận quốc tế, đợt đàm phán mới bắt đầu từ ngày 20/11. Ngay phiên đầu tiên, Mỹ đã đòi sửa 69 điểm trong văn bản đã thỏa thuận ngày 20/10/1972, tức là hầu hết các chương của Hiệp định bao gồm nhiều vấn đề thực chất. Ta phê phán gay gắt các đề nghị của Mỹ, khẳng định những vấn đề nguyên tắc không thể sửa đổi như tên CPCMLTCHMNVN, vùng kiểm soát của mỗi bên, vấn đề quân miền Bắc... Phiên họp ngày 12-13/12 gặp bế tắc.
Ngày 18/12, chính quyền Nixon tổ chức chiến dịch đánh phá bằng máy bay chiến lược B52 với quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh không quân ở miền Bắc Việt Nam nhằm gây tổn thất lớn nhất có thể, ép VNDCCH chấp nhận điều kiện của Mỹ tại bàn đàm phán Paris. Quân và dân Việt Nam kiên quyết giáng trả, đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ, làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Bị thất bại nặng nề, ngày 30/12, Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ bắc vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris.
Năm 1973: Ngày 08/01, vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Paris. Ngày 13/01, các bên hoàn thành văn bản của Hiệp định; những đợt gặp riêng giữa Lê Đức Thọ - Xuân Thủy và Kissinger kết thúc. Ngày 23/01, Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris không điều kiện; Lê Đức Thọ và Kissinger tiến hành ký tắt Hiệp định và 4 Nghị định thư. Về cơ bản, Hiệp định mới không khác nhiều so với văn bản ngày 20/10/1972. Việt Nam đã bảo vệ được các nguyên tắc và nội dung cơ bản: Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút quân trong 2 tháng; giữ nguyên trạng về chính trị; Hội đồng hòa giải hòa hợp dân tộc 3 thành phần; hoàn toàn không đề cập vấn đề quân đội miền Bắc.
Ngày 27/01, Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên dự Hội nghị Paris là Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH), Nguyễn Thị Bình (CPCMLTCHMNVN), W. Rogers (Hoa Kỳ) và Nguyễn Văn Lắm (chính quyền Sài Gòn) đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; và bốn Nghị định thư liên quan. Ngày 28/01, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành. Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Đây là kết quả của quá trình đàm phán dài nhất thế giới với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Ngoại giao
Liên kết website
Ý kiến ()