Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 15:51 (GMT +7)
Điện ảnh Việt và ước mơ chinh chiến đấu trường thế giới
Thứ 4, 15/03/2023 | 16:50:48 [GMT +7] A A
Phim Việt đã ghi dấu ấn ở một số giải thưởng, LHP quốc tế. Song để đoạt giải chính thức tại những đấu trường điện ảnh lớn như Oscar, Cannes, Venice..., đó vẫn là ước mơ.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, điện ảnh cùng nhiều bộ môn văn học nghệ thuật khác đã thực sự là liều thuốc tinh thần, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, ý chí dân tộc cho quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng. Nhiều bộ phim đi cùng năm tháng với những giá trị vượt thời đại.
Năm 1959, bộ truyện đầu tiên "Chung một dòng sông" ra đời, đánh dấu hành trình phát triển của điện ảnh Việt Nam đồng hành với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ 1960 – 1975, đề tài về kháng chiến, sản xuất và lao động ở miền Bắc đã ghi dấu ấn với các tác phẩm nổi bật như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu…. Nền điện ảnh Cách mạng với nhiều tác phẩm tiêu biểu đã góp phần thổi bùng lòng yêu nước, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân đi theo Cách mạng, chiến đấu và chiến thắng. Sau 1975, đất nước thống nhất đã cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh về công cuộc sản xuất, xây dựng cuộc sống mới như "Mùa gió chướng", "Mẹ vắng nhà"…
Thập niên 1980, một số bộ phim được chuyển thể từ văn học đã trở thành hiện tượng như "Chị Dậu", "Làng Vũ Đại ngày ấy"… Cuối những năm 1990, điện ảnh Việt đánh dấu sự trở lại của dòng phim nghệ thuật với "Hà Nội mùa Đông 1946", "Đời cát"… Có nhiều phim mang đề tài xã hội, gần gũi với đời sống.
Từ cuối tháng 2 đến tháng 3 năm nay, chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật, tư tưởng của bản Đề cương đã thực sự thức tỉnh đội ngũ văn nghệ sĩ đi theo Cách mạng Việt Nam, một nền văn nghệ cách mạng cũng thăng hoa từ ấy. Nhiều nghệ sĩ điện ảnh đã cho ra đời các tác phẩm bất hủ góp phần vào nền văn hóa cứu quốc, văn hóa kháng chiến. Khi đất nước bắt đầu vào giai đoạn phát triển, hội nhập, một lần nữa cần đặt ra trách nhiệm của những người làm điện ảnh hôm nay, đặc biệt là thế hệ làm phim trẻ, với sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam.
Nhiều bộ phim đã được vinh danh tại các giải thưởng điện ảnh lớn như Bông sen Vàng, Cánh diều… nhưng giờ vẫn không được nhiều người ngoài giới chuyên môn biết tới, trong đó có cả những phim lịch sử giá trị. Phim được giới chuyên môn đánh giá cao thường khó tiếp cận hoặc chưa đủ hấp dẫn khán giả trẻ. Phim ăn khách, doanh thu cao thì ít có giá trị thẩm mỹ hoặc là phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Cho tới nay, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" vẫn là hiện tượng khi đây là bộ phim do Nhà nước đặt hàng hãng phim tư nhân sản xuất lập kỷ lục doanh thu 80 tỷ đồng sau 1 tháng ra mắt. Phim vừa tạo sức hút thị trường vừa tạo dựng thương hiệu thiên nhiên văn hóa con người Phú Yên, bối cảnh của phim.
Điện ảnh được xác định là một trong 12 lĩnh vực thế mạnh nền công nghiệp văn hóa Việt Nam. Bên cạnh những bộ phim trăm tỷ, thu hút khán giả đến rạp, nhiều bộ phim đa dạng thể loại thì giá trị, tư tưởng, văn hóa của các tác phẩm vẫn phải được đặt lên cao. Bởi điện ảnh ngoài chức năng giải trí còn có chức năng giáo dục, định hướng văn hóa, thẩm mỹ cho công chúng. Xây dựng điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều nhà làm phim đã hướng cánh cửa ra thế giới. Đã có phim Việt Nam ghi dấu ấn ở một số giải thưởng, LHP quốc tế, song để đoạt giải chính thức tại những đấu trường điện ảnh lớn như Oscar, Cannes, Venice…. như một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc… thì vẫn là mơ ước của điện ảnh Việt Nam.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()